Thủ tướng: Cần 'cơ chế đặc biệt' thương mại hóa công trình khoa học
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, cần 'cơ chế đặc biệt' cho các nhà khoa học có thể thương mại hóa các công trình khoa học.
Lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu
Ngày 15/2/2025, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
![Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_35_51485068/fe6c1fe22cacc5f29cbd.jpg)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp
Phát biểu thảo luận tại tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đất nước muốn phát triển nhanh, bền vững phải dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đây là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu.
Để tháo gỡ vướng mắc về thể chế liên quan, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung sửa một loạt các luật như: Luật Ngân sách nhà nước, các luật thuế, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học và công nghệ…; một số luật có thể trình tại Kỳ họp Quốc hội trong tháng 5 này.
Tuy nhiên, để Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống ngay, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Dự thảo Nghị quyết tập trung tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc đang rất cần thiết để thực hiện Nghị quyết 57 nên cũng chưa bao trùm, toàn diện hết các vấn đề. Do đó, sau khi ban hành Nghị quyết này cần tiếp tục sửa các luật khác.
Nhấn mạnh phải có các chính sách cụ thể hơn thì mới thực hiện được Nghị quyết 57, mới thực sự là đổi mới, Thủ tướng nêu rõ, cần nghiên cứu bổ sung các cơ chế, chính sách đặc biệt chứ không chỉ là đặc thù, đặc thù thì ở một cấp khác. Sự đặc biệt này thể hiện ở một số điểm.
Cụ thể, "cơ chế đặc biệt" trong phát triển kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, bởi hạ tầng của chúng ta đang còn rất yếu. Trong khi nguồn lực cần rất lớn, vì vậy ngoài nguồn lực Nhà nước, phải có cơ chế để huy động nguồn lực hợp tác công tư, từ doanh nghiệp, từ xã hội và người dân.
Bên cạnh đó, cần "cơ chế đặc biệt" cho quản lý, quản trị hoạt động khoa học và công nghệ, trong đó có các hình thức: Lãnh đạo công và quản trị tư; đầu tư công và quản lý tư; đầu tư tư nhưng sử dụng công.
Mặt khác, cần "cơ chế đặc biệt" cho các nhà khoa học có thể thương mại hóa các công trình khoa học; "cơ chế đặc biệt" trong thủ tục, phân cấp, phân quyền cho tỉnh, thành phố, bộ, ngành; xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm thủ tục hành chính... quản lý, đánh giá trên cơ sở hiệu quả tổng thể.
Đề cập đến vấn đề miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro đối với người soạn thảo, xây dựng chính sách nhưng chưa có cơ chế miễn trừ cho người thực hiện, Thủ tướng nhận định, đây là vấn đề khó, vì tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nếu không có cơ chế bảo vệ người thực hiện thì sẽ dẫn đến tình trạng sợ trách nhiệm, "không muốn làm vì không được bảo vệ". Vì vậy, cần thiết kế thêm cơ chế miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro cho cả người tổ chức thực hiện và người thiết kế chính sách.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc đến "cơ chế đặc biệt" trong thu hút nguồn nhân lực, không chỉ để thu hút người làm ngoài khu vực Nhà nước vào khu vực Nhà nước, mà còn phát triển doanh nghiệp tư nhân về khoa học công nghệ, thu hút nhân lực nước ngoài vào Việt Nam để góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Các chính sách sẽ gồm thuế, phí, lệ phí, nhà cửa, chỗ ở, visa và hợp đồng lao động...
Từ các "cơ chế đặc biệt" đó, Thủ tướng cho rằng, cần thiết kế "công cụ đặc biệt" để quản lý, phát huy hiệu quả và bảo đảm công khai, minh bạch, không xảy ra vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...
Đổi mới về quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ
Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Đình Thanh - đoàn Kon Tum đề nghị bổ sung khoản 1, Điều 7 của dự thảo Nghị quyết nội dung: Ưu tiên cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước để đầu tư, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học công nghệ.
![Đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_35_51485068/2d73cdfdfeb317ed4ea2.jpg)
Đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum
Theo đại biểu, cùng với chính sách sử dụng chuyên gia, nhà khoa học, cần thiết phải ưu tiên bố trí kinh phí để đào tạo chuyên gia, thậm chí cử người đi học tập tại các nước để về phục vụ sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ của nước nhà cả trong giai đoạn trước mắt lẫn lâu dài.
Về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học công nghệ công lập, đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã trao nhiều quyền chủ động cho các tổ chức này, nhất là chủ động xác lập tổ chức bộ máy, người đứng đầu được chủ động trong công tác tuyển dụng, sử dụng nhân lực.
Tuy nhiên, cần có cơ chế để đảm bảo người được sử dụng, bố trí làm việc trong tổ chức khoa học công nghệ công lập đáp ứng tốt yêu cầu, đạt được hiệu quả công việc, phù hợp với vị trí việc làm được sắp xếp.
Đại biểu Lưu Bá Mạc - đoàn Lạng Sơn cũng bày tỏ tán thành với hồ sơ dự thảo Nghị quyết, đồng thời đề nghị bổ sung thêm nội dung về vấn đề “được sử dụng ngân sách để thuê chuyên gia, nhà khoa học”có trình độ, năng lực, với mức chi có sức hấp dẫn, đảm bảo đủ đáp ứng được công sức, thời gian, chất xám của các chuyên gia, nhà khoa học, có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, đặc biệt trong các giai đoạn khảo sát thực tế tại địa phương, để tư vấn về các nhóm đề tài, các định hướng nghiên cứu, phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu của địa phương.
Vị đại biểu đoàn Lạng Sơn đề xuất có thể bổ sung nội dung này dưới dạng khoán chi, bổ sung vào điều 8. Nội dung về sử dụng ngân sách nhà nước để thuê chuyên gia, cũng được đề cập trong Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Theo đại biểu Lưu Bá Mạc, thực tế hiện nay, để mời được các chuyên gia có trình độ, kinh nghiệm cao, thì mức kinh phí thù lao cũng phải phù hợp.
Ngoài ra, đề nghị cân nhắc bổ sung thêm chính sách, cơ chế đổi mới về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp như: Quy trình sơ duyệt, xác định nhiệm vụ, phê duyệt danh mục đề tài, tuyển chọn, nghiệm thu đề tài đến ứng dụng, chuyển giao, thương mại hóa đề tài...
Theo Thủ tướng, trong quá trình nghiên cứu khoa học có thể thành công, nhưng cũng có những thất bại, do đó cần chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học. Đồng thời, có thể xem những thất bại hay độ trễ đó như là "học phí" phải trả để có thêm kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh, trí tuệ, tuy nhiên, cũng phải loại trừ động cơ cá nhân, không vụ lợi mà phải vô tư, trong sáng, vì lợi ích chung của đất nước.