Cần đổi mới cách chi tiền cho nghiên cứu khoa học
Cải cách mạnh mẽ cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ KHCN; đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính; và giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí là nhu cầu cấp bách để đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước có hiệu quả cho KHCN.
LTS: Lâu nay, Nhà nước chi đầu tư cho khoa học công nghệ (KHCN) trung bình khoảng trên dưới 1% ngân sách, tương đương khoảng chục nghìn tỷ mỗi năm. Khoản đầu tư này dù chưa lớn, nhưng nhiều năm không tiêu hết. Hậu quả là việc đầu tư cho KHCN không hiệu quả.
Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị xác định kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP (khoảng hơn 9 tỷ USD), trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% (khoảng hơn 3 tỷ USD) tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Vậy cơ chế đầu tư và cách thức đầu tư như thế nào để đạt hiệu quả và sinh lời cho đất nước?
Từ thực tế đầu tư cho nghiên cứu KHCN hiện nay, VietTimes triển khai loạt bài "Hàng tỷ USD đầu tư cho khoa học công nghệ thế nào cho hiệu quả?" nhằm tìm câu trả lời mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra, dành nguồn tiền thích đáng để đầu tư cho nghiên cứu KHCN, từ đó KHCN là “chìa khóa vàng” để phát triển thịnh vượng.
Bài 1: Bức tranh tối màu về đầu tư cho khoa học công nghệ

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu dành ít nhất 3% ngân sách Nhà nước cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tăng dần theo yêu cầu phát triển và kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển đạt 2% GDP.
Tuy nhiên, việc giải ngân hiệu quả nguồn ngân sách này đang đối mặt với nhiều thách thức. Cuối năm 2023, trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính khi ấy là ông Hồ Đức Phớc cho biết năm 2023 tổng chi ngân sách cho khoa học và công nghệ chỉ đạt 0,82%, trong đó chi đầu tư là 0,23% và chi thường xuyên là 0,58%. Điều này cho thấy mức chi ngân sách cho lĩnh vực này đang có xu hướng giảm và chưa đạt mục tiêu đề ra.

Như chúng tôi đã phân tích ở bài viết trước, mặc dù chi ngân sách cho KHCN còn thấp như vậy, nhưng trên thực tế thì các dự án, đề tài nghiên cứu KHCN vẫn không giải ngân hết.
“Cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ ngân sách cho KHCN”- TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị.
TS Quân dẫn chứng: “Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh năm 2024 ngân sách Trung ương phân cho mỗi một đại học khoảng 70 tỷ. Tổng kinh phí khoa học, công nghệ cho 2 trường đại học này năm 2024 là khoảng 140 tỷ.
Đại học Quốc gia Hà Nội có 72 giáo sư, có gần 482 phó giáo sư và 1.500 tiến sĩ và tổng số nhà khoa học khoảng 2.500, nếu với một kinh phí chỉ có mấy chục tỷ như vậy và kinh phí ngoài chi thường xuyên và một số hoạt động khác thì kinh phí để chi cho các đề tài khoa học, công nghệ từ các nguồn này, chi bình quân ra chưa đến 2.000 USD cho một đầu người, một nhà khoa học 1 năm. Như vậy kinh phí đầu tư còn dàn trải và manh mún”.
Trên cơ sở đó, TS Lê Quân kiến nghị, để cho quốc gia có bước đột phá với đổi mới sáng tạo thì đổi mới sáng tạo phải dựa vào các nhà khoa học nhiều hơn. Mặc dù có nhiều lăn tăn về vấn đề hiệu quả, vấn đề hợp tác nhưng phải đặt niềm tin trước và các nhà khoa học phải được chọn lọc, đánh giá rất kỹ, có những cam kết về sản phẩm đầu ra và đầu tư theo các hướng nghiên cứu mang tính chất dài hạn và bài bản sẽ đáp ứng được nhiều hơn. Bởi vì khu vực doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là còn rất hạn chế, các doanh nghiệp công nghệ còn yếu.

Trưng bày sản phẩm công nghệ cao tại Triển lãm thành tựu khoa học, công nghệ Việt Nam năm 2024.
Tại Hội nghị phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chiều 11/2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện nay, mỗi năm chúng ta đầu tư cho các phòng thí nghiệm chưa đến 500 tỷ đồng. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đề xuất tăng mức đầu tư này lên gấp 10 lần.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, muốn phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST và CĐS) thì cần nhân lực chất lượng cao. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo, muốn đào tạo nhân lực chất lượng cao của các trường đại học thì cần thu hút nghiên cứu, cần Nhà nước, các doanh nghiệp đặt hàng đại học nghiên cứu, cần đại học phải trở thành trung tâm nghiên cứu. Để làm được việc này, đại học cần một thỏi nam châm để hút nghiên cứu.
“Thỏi nam châm đó là các phòng thí nghiệm mà các doanh nghiệp không đủ sức đầu tư, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Vậy, Nhà nước cần có một chương trình lớn đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các trường đại học.
75.000 tỷ đồng của năm 2025 chi cho KHCN, ĐMST và CĐS thì nên dành 5.000 tỷ đồng (khoảng 7%) cho đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các đại học. Làm liên tục việc này trong 5 năm thì sẽ thay đổi căn bản hạ tầng nghiên cứu của các trường đại học”, ông Hùng nói.
Còn TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thì phát biểu: “Bộ Khoa học và Công nghệ từ lâu đã đề xuất thay đổi cách cấp phát kinh phí theo cơ chế quỹ, tức là nhà khoa học có đề tài nghiên cứu được phê duyệt thì lập tức được cấp kinh phí. Kinh phí được cấp qua các quỹ khoa học, nơi chưa có quỹ thì cấp qua cơ quan chủ trì nhiệm vụ nhưng theo cơ chế của quỹ, nghĩa là Nhà nước giao kinh phí theo mức phân bổ được Quốc hội và Chính phủ dự kiến, không cần có danh mục các nhiệm vụ đã được phê duyệt trước, mà giải ngân theo tiến độ phê duyệt đề tài khi có nhu cầu thực tiễn cần nghiên cứu”.
Tại buổi làm việc với Bộ Tài chính về nội dung dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cuối năm 2024, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đề nghị: “Kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN được cấp thông qua quỹ phát triển KH&CN của Nhà nước hoặc chuyển vào tài khoản tiền gửi của tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN tại Kho bạc Nhà nước. Dự toán NSNN dành cho các nhiệm vụ mở mới dựa trên cơ sở dự kiến số lượng và kinh phí trung bình của các nhiệm vụ KH&CN sẽ được phê duyệt trong năm kế hoạch. Việc sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN được thực hiện theo ủy nhiệm chi của cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN và quyết toán khi kết thúc hợp đồng, không phụ thuộc vào năm tài chính”.

Về con số khoảng 9 tỷ USD/năm đầu tư cho KHCN thì nên phân bổ như thế nào cho hợp lý, ông Nguyễn Anh Tuấn - đồng sáng lập, Giám đốc Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Đổi mới- Sáng tạo, Đồng sáng lập và Tổng Giám Đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston- Boston Global Forum, đề xuất cụ thể hơn: “Theo tôi, nguyên tắc phân bổ hợp lý và hiệu quả nguồn vốn này cần được triển khai theo nguyên tắc sau đây:
Một là, định hướng ưu tiên quốc gia: Nguồn vốn nên tập trung vào các lĩnh vực có tác động và phát triển mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, và chuyển đổi số. Đây là những lĩnh vực có khả năng tạo ra đột phá về năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều cần thiết là có người có đủ tầm để đặt bài toán chính xác, đúng và trúng.
Hai là, chúng ta cần tập trung nguồn lực cho một số chương trình trọng điểm tạo đột phá cho kinh tế công nghệ của đất nước.
Ba là, phân bổ dựa trên năng lực triển khai và kết quả đo lường: Các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp và tổ chức nhận tài trợ phải được đánh giá dựa trên năng lực chuyên môn, có những nhân vật xuất sắc trong lĩnh vực sẽ làm, hồ sơ thành tích và kế hoạch rõ ràng với các chỉ số hiệu quả được theo dõi định kỳ.
Bốn là, tăng cường vai trò hợp tác công - tư: Huy động thêm nguồn lực từ khu vực tư nhân thông qua các hình thức đồng tài trợ, hợp tác nghiên cứu và phát triển, nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và nâng cao tính cạnh tranh.
Năm là, thiết lập hệ thống giám sát và kiểm toán độc lập: Đảm bảo tính minh bạch trong sử dụng nguồn vốn bằng cách áp dụng nền tảng quản lý công nghệ số hóa để theo dõi tiến độ và hiệu quả giải ngân, kèm theo cơ chế kiểm toán định kỳ từ các tổ chức chuyên nghiệp.
Như vậy việc phân bổ hợp lý nguồn vốn đầu tư KHCN không chỉ là vấn đề chính sách mà còn là thử thách trong quản lý thực tiễn. Việc áp dụng nguyên tắc ưu tiên chiến lược, cân bằng nghiên cứu, hợp tác công - tư, cùng cơ chế giám sát minh bạch sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực và đưa đầu tư KHCN trở thành động lực phát triển bền vững cho nền kinh tế”.

Các quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển mạnh đều dành một tỷ lệ cao ngân sách nhà nước để đầu tư cho R&D. Hàn Quốc: Chính phủ chi khoảng 4.8% GDP cho R&D (2022), chủ yếu tập trung vào công nghệ bán dẫn, AI và tự động hóa, đưa quốc gia này trở thành cường quốc công nghệ. Israel: Dẫn đầu thế giới về tỷ lệ đầu tư cho R&D (hơn 5% GDP), với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhà nước giúp phát triển ngành công nghệ cao và khởi nghiệp.
Tuy nhiên, nhà nước không thể một mình đảm nhận toàn bộ chi phí R&D, mà cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia bằng các ưu đãi thuế, quỹ hỗ trợ, hợp tác công - tư (PPP).
Ví dụ, tại Mỹ: Chính phủ khuyến khích các tập đoàn lớn như Google, Microsoft, Tesla đầu tư mạnh vào R&D thông qua chính sách ưu đãi thuế và tài trợ nghiên cứu. Trung Quốc: Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân như Huawei, Alibaba, Tencent đầu tư vào AI, 5G, sản xuất chip bằng cách hỗ trợ vốn và hợp tác nghiên cứu với viện khoa học.

Cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ ngân sách cho KHCN
Nhưng không thể đầu tư tràn lan mà các nước đều đầu tư có trọng điểm vào các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn. Ví dụ: Singapore: Tập trung vào công nghệ sinh học, tài chính số, và trí tuệ nhân tạo với chiến lược "Smart Nation" nhằm trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu châu Á. Trong khi đó thì Nhật Bản: Đầu tư mạnh vào robot, xe tự lái, và vật liệu mới nhằm duy trì vị thế dẫn đầu về công nghệ chế tạo.
Một trong những bài học kinh nghiệm về đầu tư cho KHCN của các nước đó là thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và phát triển. Như Trung Quốc: Hợp tác với Mỹ, châu Âu trong nghiên cứu AI, công nghệ lượng tử trước khi phát triển hệ sinh thái công nghệ nội địa. Còn Ấn Độ: Được NASA và các tập đoàn công nghệ Mỹ hỗ trợ trong phát triển ngành hàng không vũ trụ và CNTT.
Tại phần lớn các nước phát triển đều hình thành các Quỹ đổi mới công nghệ, nguồn vốn chủ yếu do nhà nước đầu tư.
Quỹ đổi mới công nghệ của Trung Quốc được nhà nước cấp vốn hàng năm để hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu thông qua các hình thức như tài trợ, cho vay và đầu tư. Quỹ này phối hợp chặt chẽ với 19 sàn giao dịch công nghệ trên toàn lãnh thổ. Thông qua các sàn giao dịch công nghệ này, Quỹ đã hỗ trợ các giao dịch công nghệ hằng năm có giá trị từ 26-78 tỉ USD, tạo ra hàng chục ngàn doanh nghiệp công nghệ. Ngay cả những công ty lớn như Lenovo, Huawei, Xiaomi, ZTE, Baidu... cũng nhận được sự hỗ trợ từ các quỹ này, kể từ thời điểm thành lập.
Nhật Bản sử dụng nguồn ngân sách công phân bổ cho các đề án và chương trình nghiên cứu của nhiều bộ ngành. Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ được phân bổ nhiều nhất, chiếm tới 65% ngân sách nghiên cứu, là cơ sở để thành lập hoặc tài trợ thành lập cho nhiều quỹ nghiên cứu khoa học trong cả lĩnh vực công và tư. Bộ Tài chính quyết định việc phân bổ ngân sách, dựa trên đánh giá của Hội đồng Chính sách KHCN. Hằng năm, Hội đồng này tập hợp, đánh giá các chương trình nghiên cứu của các cơ quan.
Năm 2017- 2018, Israel là quốc gia đứng đầu danh sách đầu tư nhiều nhất vào Nghiên cứu và Phát triển.
Quỹ Nghiên cứu - Phát triển, thuộc Cơ quan Đổi mới Israel hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu, như tăng số lượng nghiên cứu viên, giới thiệu các công cụ tài chính mới, thúc đẩy hợp tác quốc tế. Chương trình Yozma (tức là Sáng kiến) thực hiện từ năm 1993 được đánh giá là rất thành công, khi đầu tư mạnh vào những quỹ mạo hiểm và thu hút nhà đầu tư nước ngoài bằng cách cung cấp công cụ bảo hiểm rủi ro cho họ.
Ngoài ra ở các nước việc gắn kết nghiên cứu khoa học với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và xã hội là hết sức cần thiết. Tại Đức: Hệ thống viện nghiên cứu Fraunhofer hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để biến các nghiên cứu thành sản phẩm thương mại. Còn tại Mỹ: Các trường đại học như MIT, Stanford có mô hình khởi nghiệp mạnh mẽ, giúp chuyển giao công nghệ thành sản phẩm thực tế.
Từ các bài học thực tế của các nước phát triển Việt Nam cần: (1)Tạo chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào KHCN; (2) Tập trung vào một số ngành công nghệ mũi nhọn có tiềm năng cạnh tranh quốc tế; (3) Tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp thu công nghệ tiên tiến. Gắn nghiên cứu khoa học với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và xã hội.
Việc học hỏi và áp dụng linh hoạt các chính sách từ các quốc gia thành công sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực KHCN và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
