Tăng vốn đáp ứng cho tăng trưởng kinh tế
Các NHTM đang lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu và các hình thức khác để nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô, mở rộng cho vay ra thị trường.
Ngân hàng đồng loạt tăng vốn
Trong “kỷ nguyên vươn mình”, năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, sau đó giai đoạn 2026-2030 phấn đấu tăng trưởng kinh tế 2 con số. Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu này cần huy động tối đa các nguồn lực, trong đó nguồn vốn tín dụng đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, để có thể đáp ứng nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, các ngân hàng cần nâng cao năng lực tài chính, đặc biệt là vốn, nhất là đối với khối NHTM có vốn nhà nước. Đó cũng chính là lý do ông Phạm Toàn Vượng - Tổng giám đốc Agribank đề nghị Chính phủ mỗi năm bổ sung vốn tự có 15.000-17.000 tỷ đồng cho ngân hàng này. Trong đó, xem xét cấp bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận thực nộp hàng năm của Agribank, tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm. Agribank muốn thực hiện ngay trong năm 2025 để ngân hàng tập trung tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, các dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp...
Trước đó, BIDV đã được NHNN chấp thuận cho phép tăng vốn điều lệ thêm 1.238 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ lên mức hơn 70.200 tỷ đồng. Quy mô vốn tăng thêm sẽ tạo điều kiện để ngân hàng mở rộng tín dụng, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của mạng lưới kinh doanh. Đồng thời, BIDV cũng đã hoàn tất phát hành gần 1,2 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tương ứng gần 11.971 tỷ đồng vốn điều lệ. Qua đó, vốn điều lệ của BIDV đã tăng từ 57.004 tỷ đồng lên hơn 68.975 tỷ đồng.
Vietcombank cũng đã được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp với số tiền hơn 20.695 tỷ đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của ngân hàng này.
Không chỉ với khối NHTM có vốn nhà nước mà tăng vốn cũng là mục tiêu của các ngân hàng khối cổ phần để nâng cao năng lực tài chính, mở rộng kinh doanh. Trong mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều NHTM cũng đang xây dựng kế hoạch trình cổ đông phương án tăng vốn bằng chia cổ tức bằng cổ phiếu và các phương án phát hành mới để đáp ứng nhu cầu kinh doanh mới. Đơn cử SHB mới đây đã thông báo đến cổ đông, ngày 27/2 tới là hạn chót chốt danh sách chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2023 với tỷ lệ 11% nhằm nâng cao năng lực tài chính và cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, theo các chuyên gia, hiện thị trường chứng khoán cũng đang diễn biến thuận lợi. Đặc biệt, cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá vượt trội so với chỉ số VN-Index trong năm 2024, VinaCapital kỳ vọng giá cổ phiếu nhóm ngân hàng năm 2025 sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ hiệu quả kinh doanh tăng trưởng mạnh hơn và mức định giá thấp (1.3x P/B so với 16% của chỉ số ROE). Chưa hết, nếu thị trường chứng khoán được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi sẽ thu hút một dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài lớn. Đó cũng là một điều kiện thuận lợi để các ngân hàng phát hành cổ phiếu tăng vốn..
Các chuyên gia tài chính cho rằng, NHTM tăng vốn điều lệ giúp nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo các giới hạn về an toàn vốn tối thiểu; đồng thời, nâng quy mô hoạt động để tăng khả năng cung ứng dịch vụ lớn hơn ra thị trường, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế.

Năm 2025, Agribank được phân bổ chỉ tiêu tín dụng tăng trưởng 13%. Theo đó, sẽ có khoảng hơn 200.000 tỷ đồng được cung ứng ra thị trường
Mở rộng tín dụng, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, NHNN Việt Nam đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm nay. Theo đó, sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã phát triển sản xuất kinh doanh, thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn lực chính sách.
NHNN Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Với định hướng này, năm 2025, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo đó, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn tín dụng cho tăng trưởng kinh tế. Trong năm 2025, thực hiện chính sách tín dụng mở rộng và tăng trưởng cao hơn so với năm 2024, với định hướng tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống khoảng 16% và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng chất lượng và hiệu quả, gắn với mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và cải cách hành chính; đổi mới công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả quản lý, tiết giảm chi phí đầu vào để tiết giảm lãi suất cho vay bền vững.
Trong quá trình này, theo ông Lệnh, sẽ tổ chức thực hiện các nội dung nhiệm vụ thuộc nội hàm cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người dân và nhà đầu tư vào cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng và ngoại hối; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với thương hiệu của ngành Ngân hàng tiên phong về đổi mới ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên phong về hoạt động cải cách hành chính và xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Qua đó, tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp trong giao dịch vốn và dịch vụ ngân hàng. Cụ thể là hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đối thoại doanh nghiệp… Theo ông Lệnh, từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ ở địa phương trong khâu triển khai cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng gắn liền với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.