Cách phòng chống bệnh cúm mùa và bệnh sởi
Ngày 15/2, Sở Y tế Lâm Đồng vừa ban hành hướng dẫn phòng chống bệnh cúm mùa và bệnh sởi nhằm giúp người dân phòng các bệnh này trong tình hình gia tăng các ca bệnh, có nguy cơ rất cao bùng phát dịch bệnh.
![Ngành y tế tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ em trong trường học ở vùng sâu huyện Đam Rông](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_439_51484036/1d01e9b0dafe33a06aef.jpg)
Ngành y tế tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ em trong trường học ở vùng sâu huyện Đam Rông
* Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm do virus cúm tấn công hệ hô hấp của người bệnh. Đối với hầu hết mọi người, cúm sẽ tự khỏi. Nhưng đôi khi, cúm và các biến chứng của nó có thể gây tử vong ở những đối tượng có nguy cơ cao khi bị biến chứng cúm.
Cúm mùa có xu hướng lan rộng thành dịch và có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi.
Nguyên nhân của bệnh cúm là do virus cúm (Influenza virus), virus này liên tục biến chủng, biến thể. Những biến đổi nhỏ liên tục gây nên các vụ dịch vừa và nhỏ. Khi những biến đổi nhỏ dần tích tụ lại thành những biến đổi lớn, tạo nên type kháng nguyên mới, đó là do sự tái tổ hợp giữa các chủng virus cúm động vật và cúm người. Những phân type kháng nguyên mới này sẽ gây dịch lớn.
Dấu hiệu cảm cúm diễn tiến từ nhẹ đến nặng và có thể dẫn đến tử vong. Khác với cảm lạnh, cúm thường xuất hiện đột ngột.
Người bị cúm thường biểu hiện một số hoặc tất cả các triệu chứng như sốt, cảm thấy sốt, ớn lạnh, ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau cơ, đau đầu, mệt mỏi. Ở trẻ em có thể bị nôn mửa và tiêu chảy.
Bệnh cảm cúm lây lan chủ yếu qua các hạt nước bọt do người bệnh bắn vào không khí. Khoảng thời gian virus cúm phát tán thường bắt đầu trước khi người bệnh cảm thấy không khỏe hoặc chỉ xuất hiện một vài triệu chứng đầu tiên.
Mặc dù có những biểu hiện nhẹ và phổ biến, nhưng nếu chủ quan thì sẽ dễ dẫn đến những biến chứng bệnh cúm vô cùng nguy hiểm.
Khi bệnh cúm chuyển nặng sẽ dẫn đến suy hô hấp, viêm phổi, hen phế quản, suy tim, đái tháo đường, bệnh mạch vành, suy giảm miễn dịch, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm nhiễm đường tiết niệu… trẻ em và người già trên 65 tuổi là đối tượng dễ gặp biến chứng nhất.
Đối với phụ nữ mang thai, bệnh cúm có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm trong 3 tháng đầu như sảy thai hoặc bệnh lý thai nhi.
Cúm thông thường là bệnh lành tính và thường tự khỏi sau 5 – 7 ngày, không có thuốc điều trị bệnh cúm đặc hiệu nhưng người bệnh có thể điều trị triệu chứng của bệnh bằng một số loại thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ như: Giảm triệu chứng sốt, đau đầu, đau họng… Nếu các triệu chứng của cảm cúm kéo dài hơn một tuần, bệnh nhân sốt cao kéo dài, sử dụng các thuốc hạ sốt thông thường không đỡ, ho nhiều, tức ngực, khó thở, đau nhức, mệt mỏi tăng thì nên đến các cơ sở y tế để theo dõi, điều trị kịp thời.
Virus cúm có khả năng lây lan trực tiếp từ người này sang người khác, vì vậy, để phòng, chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.
Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
![Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Lâm Đồng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_439_51484036/308aca3bf975102b4964.jpg)
Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Lâm Đồng
* Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây nên, dễ gây thành dịch, lây trực tiếp qua đường không khí khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện. Bệnh thường xảy ra vào mùa Đông Xuân, hay gặp chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi và những người chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh sởi.
Triệu chứng của bệnh sởi ở trẻ em và người lớn đều có đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp trên, viêm kết mạc và phát ban. Khi bệnh nặng có thể dẫn đến nhiều biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm giác mạc, tiêu chảy, tử vong...
Bệnh sởi thường diễn biến qua các giai đoạn sau: Giai đoạn ủ bệnh từ 7 - 21 ngày, trung bình 10 ngày. Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long) 2 - 4 ngày: Sốt cao, viêm long đường hô hấp trên, viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể có hạt Koplik phía trong miệng ngang hàm trên. Giai đoạn toàn phát 2 - 5 ngày: Sau sốt 3 - 4 ngày, người bệnh phát ban hồng rát sẩn từ sau tai, trán xuống ngực, lưng và cuối cùng xuống tới đùi và bàn chân. Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt màu chuyển sang màu xám, bong vảy để lại vết thâm, vằn da hổ và mất dần.
Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh. Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi.
Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95%.
Vì vậy, để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo: Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.