Suýt mất mạng vì bị rắn độc trú ẩn trong nhà cắn
Sau 12 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, bà Hoàng Thị X, 62 tuổi, trú tại huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, đã hoàn toàn khỏe mạnh và được xuất viện sau khi bị rắn độc cắn.
![Hình ảnh rắn lục núi Ovophis. Ảnh: BV](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_204_51485862/b4cc28a31bedf2b3abfc.jpg)
Hình ảnh rắn lục núi Ovophis. Ảnh: BV
Theo thông tin từ gia đình, vào tối ngày 1/2, khi đang ở trong nhà, bà X bất ngờ bị một con rắn trú ngụ trong nhà cắn. Ngay sau đó, bà xuất hiện triệu chứng ý thức chậm, không phản ứng với lời gọi, yếu cơ toàn thân và được đưa đến Bệnh viện tỉnh Cao Bằng cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ đã đặt nội khí quản, hỗ trợ thở máy và chuyển bà xuống Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên ngay trong đêm để tiếp tục điều trị.
Khi nhập viện tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bà X trong tình trạng lơ mơ, phải thở máy, cơ lực yếu, vết cắn sưng nề nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng tiêu cơ vân cấp, suy thận cấp và vô niệu, tiên lượng rất nặng với nguy cơ tử vong cao. Với sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, sau 10 ngày điều trị tích cực bằng nhiều biện pháp phối hợp, bà X đã hồi phục tỉnh táo, cơ lực được cải thiện, suy thận thuyên giảm rõ rệt, có thể tự thở và đi lại được.
Các bác sĩ xác định loài rắn cắn bà X là rắn lục núi Ovophis, một loài rắn độc nguy hiểm. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể tử vong nhanh chóng do liệt cơ hô hấp hoặc rơi vào trạng thái hôn mê kéo dài do não bị thiếu oxy. Nhờ được đưa đến bệnh viện sớm và xử trí kịp thời, bà X đã có thể hồi phục hoàn toàn mà không gặp phải di chứng nghiêm trọng.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần nâng cao nhận thức về các loài rắn có trong khu vực sinh sống, biết được nơi chúng thường ẩn nấp để có biện pháp phòng tránh. Khi đi vào rừng hoặc khu vực rậm rạp, nên mang ủng, giày cao cổ, quần dài và đội mũ rộng vành, đặc biệt vào ban đêm. Trong trường hợp bị rắn cắn, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.