Câu chuyện tình người ở nơi cuối trời biên cương

Nhờ sự yêu thương, đùm bọc của những người lính biên phòng, 2 đứa trẻ mồ côi ở thôn Lù Dì Sán (xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) đã được ăn no, mặc ấm, được đến trường và từng bước hiện thực ước mơ cho riêng mình.

Lù Dì Sán xa xôi

Không khó để tìm được nhà bà Khoàng Thị Chở (dân tộc Mông) bởi nằm ngay bên đường chính của thôn và là một trong số ít ngôi nhà xây ở Lù Dì Sán. Căn nhà xây, lợp tôn vững chãi này là món quà của Đồn Biên phòng Si Ma Cai (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai) tặng gia đình bà 4 năm trước. Nghe tiếng người ngoài ngõ, bà Khoàng Thị Chở chít vội chiếc khăn vuông, mở cửa đón khách. Thấy cán bộ Đồn Biên phòng Si Ma Cai, bà Chở rất vui bởi từ lâu, với người phụ nữ Mông này, những người lính Biên phòng đã trở thành người thân.

Bà Khoàng Thị Chở chuẩn bị đồ đạc cho Lù Văn Hùng về thành phố Lào Cai học.

Bà Khoàng Thị Chở chuẩn bị đồ đạc cho Lù Văn Hùng về thành phố Lào Cai học.

Nhắc đến 2 đứa cháu nội, bà Khoàng Thị Chở không nén được xúc động. Lù Văn Hùng và Lù Séo Lử là con của vợ chồng con trai út. 18 năm trước, con trai bà Chở qua đời vì bệnh tim. Lúc ấy Hùng 2 tuổi, còn Lử chưa đầy tháng. Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm sau, con dâu đi lấy chồng mới để lại 2 đứa trẻ cho bà Chở nuôi. Khỏi phải nói cuộc sống của ba bà cháu khó khăn cỡ nào. Hùng lớn lên bằng những bát mèn mén chan canh rau cải và Lử thì ngày này qua tháng khác ăn cháo bột ngô. Cho đến khi Hùng bước vào lớp 5, Lử vừa mới hết lớp 2 thì một buổi chiều nọ, trưởng thôn Lù Dì Sán và cán bộ Đồn Biên phòng Si Ma Cai đến nhà thăm. Những người lính Biên phòng đặt vấn đề nhận 2 cháu của bà làm con và đưa về Đồn Biên phòng nuôi dưỡng. Chuyện đã lâu, bà Chở không nhớ tên được người lính ấy, nhưng từng câu vẫn còn nhớ như in: “Bà Chở à! Các cháu mồ côi cha, chúng tôi nhận làm con sẽ có trách nhiệm nuôi cháu ăn, cho đi học. Sau này cháu có kiến thức, đi học xa để trở thành người có ích. Bà có đồng ý không?”.

Bà Chở lấy vạt tay áo lau đi giọt nước mắt khi thấy cháu trai đầu bước vào. Thấy khách, Lù Văn Hùng khoanh tay chào - thói quen được hình thành từ khi ở Đồn Biên phòng Si Mai Cai. Lù Văn Hùng đã 20 tuổi, đang là sinh viên năm thứ hai, Khoa Liên ngành, phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại thành phố Lào Cai. Cho đến nay, Lù Văn Hùng là người đầu tiên cũng là duy nhất ở Lù Dì Sán đỗ đại học. Những lần được nghỉ, Hùng lại về nhà thăm bà, tranh thủ đi phụ làm đường để có thêm tiền sinh hoạt những ngày đi học. Sự chăm chỉ, trách nhiệm của Hùng khiến mọi người thêm yêu quý chàng trai này.

Mỗi lần về nhà, Lù Văn Hùng đều đến thăm cán bộ, chiến sĩ Tổ công tác Lù Dì Sán.

Mỗi lần về nhà, Lù Văn Hùng đều đến thăm cán bộ, chiến sĩ Tổ công tác Lù Dì Sán.

Trong câu chuyện, Hùng luôn nhắc đến cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Si Ma Cai với tất cả sự kính trọng, biết ơn. Hùng nói rằng, nếu không có các bác, các chú, các anh ở Đồn Biên phòng Si Ma Cai thì sẽ không có cuộc sống như hiện tại. Chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng” sẽ chỉ nhận đỡ đầu cho các học sinh đến hết lớp 12, tuy nhiên, đối với Hùng, sự yêu thương của những người cha nuôi vẫn được nối tiếp. Ngày Hùng nhập học, các bác, các chú trong đơn vị mỗi người một tay lo cho cậu con trai nuôi.

Không chỉ vậy, Lù Văn Hùng còn nhận được sự quan tâm của người thân của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Si Ma Cai. Vào ngày cuối tuần, vợ của Trung tá Tạ Bình Nguyên (nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Si Ma Cai) vẫn gọi Hùng đến nhà để “bồi dưỡng bằng những bữa ăn đủ chất” và không gói ghém thêm ít đồ để cậu con nuôi của chồng mang về ký túc xá. Để Hùng có thêm kinh nghiệm sống, chị đã giới thiệu Hùng đến làm việc cho cửa hàng của bạn mình. Chiếc xe máy và máy tính xách tay dù đã qua sử dụng nhưng là tấm lòng của các nhà hảo tâm dành cho con nuôi của Đồn Biên phòng Si Ma Cai.

Ước mơ trở thành Bộ đội Biên phòng

Khi mới về Đồn Biên phòng Si Mai Cai, Lù Séo Lử mới chỉ là cậu bé 8 tuổi, bước vào học lớp 3. Từ nhỏ, chỉ ở Lù Dì Sán, quẩn quanh với bà và anh trai, bỗng một ngày 2 anh em chuyển về sống ở Đồn Biên phòng với bao nhiêu người “xa lạ”, Lử thấy sợ lắm. Và, hơn cả là Lử nhớ bà nội, nhất là khi đêm xuống, nỗi nhớ trào dâng, thế nhưng nhưng cũng chỉ biết ôm lấy anh trai mà khóc không thành tiếng vì sợ người khác biết. Thời gian cứ thế trôi đi, tình thương và sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị khiến hai cậu bé dần quen với nếp sống mới và hình thành nên sợi dây tình cảm trở nên rất đỗi thân thương.

Hằng ngày, Thiếu tá QNCN Nguyễn Duy Hiển đều kiểm tra việc học bài của Lù Séo Lử.

Hằng ngày, Thiếu tá QNCN Nguyễn Duy Hiển đều kiểm tra việc học bài của Lù Séo Lử.

Lử thấy ân hận vì đã có lần mải chơi, bỏ tiết để theo chúng bạn lang thang ngoài rừng. Chỉ đến khi đối diện với đôi mắt nghiêm nghị nhưng cũng đầy thất vọng của Thiếu tá Nguyễn Duy Hiển (người hàng ngày vẫn giúp Lử học bài) thấy mình đã sai: “Bác biết, thanh niên ai cũng mải chơi nhưng cháu phải hiểu rằng, hoàn cảnh của cháu khác các bạn. Cháu phải cố gắng hơn người khác gấp 5, gấp 10 lần vì sau này còn phải lo cho bà nội và xây dựng cuộc sống riêng”. Những lời tâm sự ấy khiến Lử nhận ra lỗi của mình. Thế nên, giờ đây, Lù Séo Lử thẳng thắn từ chối lời rủ rê của bạn ra quán internet, dành thời gian học bài, chơi thể thao cùng mọi người. Lù Séo Lử muốn thi vào Học viện Biên phòng.

Đối với Lù Séo Lử, hình ảnh những người lính quân hàm xanh đã trở thành máu thịt bởi vậy mà mong muốn trở thành lính Biên phòng như một lẽ thường tình. Khi biết cậu con nuôi có dự định thi vào Học viện Biên phòng, ai ấy đều rất vui. Vui vì cậu con nuôi có ước mơ, có quyết tâm và vui vì Lử muốn nối nghiệp của mình. Năm trước, Lử góp tiền mừng tuổi nhờ bác Hiển mua cho cây đàn ghi ta rồi nhờ người chỉ cách chơi. Lúc rảnh rỗi, Lử lại dạo những khúc nhạc mình yêu thích. Tiếng đàn nhẹ nhàng thả vào thinh không, theo gió, theo mây đi xa. Tiếng đàn như “gói” những tâm tư của cậu học trò người Mông nơi cuối trời biên cương.

Cán bộ Đồn Biên phòng Si Ma Cai xuống địa bàn để tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế của nhân dân trên địa bàn.

Cán bộ Đồn Biên phòng Si Ma Cai xuống địa bàn để tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế của nhân dân trên địa bàn.

Biết được ước mơ của em trai, Lù Văn Hùng rất vui, em cho biết: “Cháu cũng mơ ước được trở thành Bộ đội Biên phòng nhưng vì chiều cao không đủ nên thi Đại học Thái Nguyên. Cha mất sớm, bà nội già yếu, chúng cháu cũng ít khi được gặp mẹ nhưng bù lại được sống cùng với những người cha, người chú, người anh ở Đồn Biên phòng Si Ma Cai. Chúng cháu đã khôn lớn nên biết rằng mình phải đền đáp lại công ơn đấy bằng việc chăm chỉ học tập, sống tốt, trở thành người có ích cho xã hội để không phụ công các bác, các chú đã nuôi dạy anh em cháu”.

Nghe những lời tâm sự và tận mắt chứng kiến “thành quả”, chúng tôi hiểu rằng, những người lính Biên phòng đã nuôi dưỡng 2 đứa trẻ mồ côi không chỉ bằng những bữa ăn ngon hay trách nhiệm mà còn bằng tình cảm chân thành của người thân trong gia đình dành cho nhau.

Bài, ảnh: THANH TRÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/cau-chuyen-tinh-nguoi-o-noi-cuoi-troi-bien-cuong-815835
Zalo