Thêm một bệnh nhi ở Bình Phước tử vong do bệnh ho gà
Trẻ 7 tháng tuổi ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước tử vong do bệnh ho gà sau 1 tháng điều trị.
Ghi nhận 6 ca mắc bệnh ho gà
Ngày 15/2, tin từ Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận một trường hợp trẻ 7 tháng tuổi ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước tử vong do bệnh ho gà sau 1 tháng điều trị. Bệnh nhi này tên là Th.A.V. (7 tháng tuổi, ở xã Đắc Nhau, huyện Bù Đăng).
Đây là ca thứ 6 mắc bệnh ho gà được ghi nhận tại huyện Bù Đăng, trong đó 2 ca tử vong, 4 ca đã khỏi bệnh. Ca tử vong còn lại là trường hợp bé Ph.Th.Th.Nh. (2 tháng tuổi, ngụ thôn Sơn Phú, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng) tử vong vì mắc bệnh ho gà vào ngày 27/12/2024.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng, trước đó, ngày 5/1/2025, bé V. có những triệu chứng ho kéo dài từng cơn khoảng 1 đến 2 phút, sốt nhẹ, nhưng vẫn bú tốt, tỉnh táo. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh không thuyên giảm, bé V. được gia đình cho đi khám tại phòng khám tư nhân với chẩn đoán viêm phế quản và lấy thuốc uống 4 ngày.
![Bệnh ho gà những điều cần biết (Ảnh: Bộ Y tế)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_296_51486230/f082e4c2d78c3ed2679d.jpg)
Bệnh ho gà những điều cần biết (Ảnh: Bộ Y tế)
Sau thời gian điều trị tại nhà, bệnh không giảm mà dần nặng thêm, bé V. mệt, bú ít, cơn ho kéo dài hơn. Ngày 11/1, bé V. được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng khám.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi nặng và được chuyển tuyến xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước, với cùng chẩn đoán viêm phổi nặng. Tại đây, bé không còn bú được, chỉ thở oxy. Đến 18h30 phút cùng ngày, bé được chuyển tiếp xuống Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, bé V. được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt với chẩn đoán viêm phổi nặng, hội chứng nguy kịch hô hấp cấp, ho hà, giãn não thất. Đến ngày 5/2, qua quá trình điều trị tích cực, song không có tiến triển, bệnh nhi được Bệnh viện Nhi Đồng 2 trả về, vừa về tới nhà thì bé mất.
Bệnh nhi không đi đâu, chỉ tiếp xúc với người nhà
Đại diện Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng cho hay, theo điều tra dịch tễ, sau khi sinh, bệnh nhi V. chỉ ở nhà, không đi đâu, chỉ tiếp xúc với người nhà.
Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng đã tiến hành giám sát các hộ gia đình có con nhỏ xung quanh song không phát hiện ca bệnh ho sốt; tuyên truyền vận đông các hộ gia đình đưa con em đi tiêm phòng. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan phun thuốc khử trùng, vệ sinh môi trường xung quanh khu vực bệnh nhi ở và các khu vực nghi ngờ liên quan.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng, sau khi sinh, bé Th.A.V. khỏe mạnh, phát triển bình thường.
Ngay sau khi phát hiện trên địa bàn có trẻ bị tử vong do dịch ho gà, lãnh đạo UBND huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) đã nhanh chóng chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường phòng, chống bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh ho gà; tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về phòng, chống bệnh cho nhân dân trên địa bàn huyện, thực hiện triệt để việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ; rà soát đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng...
Theo lãnh đạo UBND huyện Bù Đăng cũng nhấn mạnh, việc triển khai và phối hợp vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ, có đủ ánh sáng và giữ gìn vệ sinh cá nhân để phòng nguy cơ lây truyền bệnh.
Trao đổi với Người Đưa Tin, BS.CKII Trịnh Xuân Thiều, Giám đốc Trung tâm Y tế Tp.Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) cho biết, bệnh ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ.
Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có tính lây truyền rất cao nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học…
Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.
Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản-phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.
Để phòng chống bệnh ho gà, người dân thực hiện các biện pháp sau: Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà (vắc xin phối hợp phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván –DTP hoặc vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virut viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem) đầy đủ, đúng lịch; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.