Cách ăn trứng tốt cho người tăng huyết áp
Một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa các biến chứng tim mạch nguy hiểm ở người bệnh tăng huyết áp là chế độ ăn uống. Vậy người bệnh tăng huyết áp có nên ăn trứng và cách ăn như thế nào để có lợi nhất?
Nội dung
1. Dinh dưỡng khoa học giúp kiểm soát bệnh tăng huyết áp
2. Người bệnh tăng huyết áp có ăn được trứng không?
3. Cách ăn trứng tốt cho người bị tăng huyết áp
1. Dinh dưỡng khoa học giúp kiểm soát bệnh tăng huyết áp
Tăng huyết áp được gọi là "kẻ giết người thầm lặng" vì nó thường không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn sớm, nhưng lại âm thầm gây tổn thương nghiêm trọng đến các mạch máu và cơ quan trong cơ thể.
Tình trạng huyết áp cao liên tục gây áp lực lớn lên thành động mạch dẫn đến tổn thương động mạch và gây gánh nặng cho tim. Tim phải làm việc vất vả hơn để bơm máu, làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tai biến mạch máu não với tỷ lệ tử vong và tàn phế rất cao. Ngoài ra, nó còn gây nhiều biến chứng như phình tách động mạch chủ, biến chứng về mắt, biến chứng suy thận, nhồi máu cơ tim… nên kiểm soát huyết áp là mục tiêu phải đạt được ở bệnh nhân bị tăng huyết áp.
Để kiểm soát tốt huyết áp, người bệnh tăng huyết áp cần tuân thủ uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tim mạch, điều chỉnh lối sống và có chế độ ăn uống phù hợp. Một chế độ ăn khoa học và cân bằng giúp duy trì huyết áp ổn định, giảm thiểu nguy cơ biến chứng tim mạch, cải thiện sức khỏe tổng thể và phòng ngừa các bệnh lý liên quan.
Người bệnh tăng huyết áp được khuyến nghị nên ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau quả, chất béo lành mạnh; tránh sử dụng chất béo chuyển hóa, hạn chế sử dụng chất béo bão hòa; hạn chế tối đa sử dụng rượu bia, thuốc lá... để ổn định huyết áp và bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Dinh dưỡng khoa học giúp duy trì huyết áp ổn định và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
2. Người bệnh tăng huyết áp có ăn được trứng không?
Trứng là một thực phẩm rất giàu dinh dưỡng, chứa nhiều protein chất lượng cao, vitamin (như B12, D), khoáng chất (sắt, kẽm) và các hợp chất có lợi như choline (có vai trò quan trọng đối với chức năng não bộ).
Trứng cũng là thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao và mối lo ngại về trứng đối với người tăng huyết áp chủ yếu xoay quanh hàm lượng cholesterol cao trong lòng đỏ trứng. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện nay cho thấy, cholesterol từ thực phẩm có ảnh hưởng không đáng kể đến mức cholesterol trong máu đối với hầu hết mọi người so với tác động của chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
Ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng, trứng giàu chất dinh dưỡng và ăn một quả trứng mỗi ngày như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh cho những người khỏe mạnh là điều hợp lý. Đồng thời không cần thiết phải loại bỏ trứng hoàn toàn khỏi danh sách thực phẩm của những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch như tăng huyết áp.
3. Cách ăn trứng tốt cho người bị tăng huyết áp
Theo ThS.BS. Nguyễn Thu Yên, chuyên khoa Nội tiết, nhiều nghiên cứu lớn đã không tìm thấy mối liên hệ đáng kể giữa việc tiêu thụ trứng ở mức độ vừa phải (thường là một quả mỗi ngày ở người khỏe mạnh) và tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
Đối với người có nguy cơ tim mạch hoặc đã mắc bệnh tim mạch như tăng huyết áp, các chuyên gia và tổ chức trên thế giới không còn khuyến cáo hạn chế nghiêm ngặt số lượng trứng ăn vào như trước đây. Người bệnh có nguy cơ tim mạch có thể ăn 01 quả trứng/ngày nhưng nên kết hợp với chế độ ăn ít chất béo bão hòa, ít carbohydrat xấu, giàu rau củ, cá và ngũ cốc nguyên hạt.

Người bệnh tăng huyết áp nên ăn trứng luộc.
Để ăn trứng một cách an toàn, người bệnh tăng huyết áp nên chú ý:
- Tiêu thụ trứng một cách điều độ với số lượng vừa phải: Nên ăn 01 quả trứng/ngày và cần chú ý tổng lượng tiêu thụ cholesterol và chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống hàng ngày không chỉ riêng từ trứng. Nếu đã tiêu thụ nhiều cholesterol từ các nguồn khác nên hạn chế lượng trứng.
Đối với người có chỉ số cholesterol cao trong máu nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể về lượng trứng phù hợp.
- Kết hợp ăn trứng với các thực phẩm lành mạnh khác như: Rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và chất béo lành mạnh.
- Lưu ý cách chế biến: Ưu tiên chế biến đơn giản, không thêm quá nhiều muối hoặc các gia vị mặn khi chế biến trứng vì tiêu thụ nhiều muối chính là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch. Nên chọn trứng luộc, trứng hấp hoặc trứng chần kỹ thay vì trứng kho, chiên rán nhiều dầu mỡ. Nếu chiên trứng nên sử dụng lượng ít dầu thực vật có lợi cho tim như dầu oliu, dầu hướng dương... và chỉ chiên sơ.