Người về rừng đào ngủ
'Người về rừng đào ngủ' là một truyện ngắn đẹp, giản dị mà ám ảnh, chứa đựng tình bạn nữ sâu sắc hiếm thấy trong văn chương Việt đương đại. Nó nhẹ tênh như cánh hoa đào cuối mùa, nhưng để lại dư vị rất lâu trong lòng người đọc. Không cần cao trào, truyện chạm đến cái lặng lẽ của vĩnh biệt, và cái bền lâu của tình thân, mà không cần cường điệu.

Những mốc đáng nhớ nhất:
a. Một sáng tháng 12/1974:
Ấy ơi, cho tớ hỏi đường này đi vào trường ĐH SFNN được không?
Ấy cũng đi nhập học hả? Tớ cũng đi đấy.
Ơ thế đi cùng nhé, ấy vào khoa nào?
Khoa Pháp,
Ơ thế thích quá, tớ cũng khoa Pháp đấy.
b. Ngày H lên tàu vào SG: Cả hai đứa đã nhỏ to những thầm kín nhất đời con gái, hẹn gặp lại nhau với bao nhiêu nước mắt.
c. Ngày H đem con gái đầu lòng đi tàu hỏa ra thăm quê, chỉ có B ra đón ở ga Hàng Cỏ, nhìn thấy bạn, H ra sức gọi cười toe toét thế mà mãi B mới nhận ra: Ối sao mày đen thế? gầy nữa. Hihi, trong đấy xứ gần xích đạo mà mày.
d. Ngày B phẫu thuật K vú, ra thăm B đang dưỡng bệnh ở nhà con mà thắt ruột. Hai đứa nằm tán cho đến lúc B thiếp đi ngủ say rồi H lẳng lặng về vì muốn B ngủ ngon sau đó B gọi điện bảo: lần sau mày không được chuồn như thế nhỡ tao chết luôn thì sao. Ối giời sợ hihi!
e. Ngày H ra thăm B lần cuối cùng, vừa nhìn thấy nhau, B giật phắt chụp oxy ra mặt sáng rỡ: Ơ mày ra đấy à? Thương nhất là khi B nói: Có mày là được rồi, tao chỉ cần một mình mày thôi, mày phải ở đây với tao đến khi tao chết! Ôi B ơi…
Chúng tớ đã va vào nhau như thế, hơn 50 năm đã bay vèo qua đầu hai đứa…
Cho đến 26/3/2025 …
Ghi chép của H.
1. Bích mất vào một sáng tháng ba, nắng như dội lửa. Những cây đào ngủ trong vườn vừa kịp bung hoa. Loài hoa ngược ngạo ấy, cả thiên hạ nở vào Tết, riêng nó cứ đợi đến khi phố phường hết hội, người thôi vui, rồi nhẹ nhàng nhả từng cánh mỏng tang như khói.
Bích đi nhẹ tênh, như thể người ta phủi một sợi tóc trên vai áo. Tỉnh táo, bình thản dặn dò từng chuyện hậu sự. Bích bảo: "Phải đối diện với sự thật", "Không được khóc lóc!"
Lúc liệm, tôi lén đặt vào áo quan cuốn băng cassette mà Bích từng thích. Tôi nói thầm: - "Bích, đem cuốn băng xuống đó mà nghe nhé!"
Chẳng biết Bích có nghe.
2. Tôi với Bích chơi với nhau từ cái hồi va vào nhau ấy. Thời đất nước nghèo, gia đình công chức nghèo, hai đứa ống quần vải phin quăn tít tới lưng ống chân.
Tôi thích đá cầu, nhảy cao, người lúc nào cũng ngai ngái mùi nắng. Bích thì khác. Mắt hay mơ màng, lúc ngân nga câu thơ Hàn Mặc Tử, khi lại lẩm nhẩm mấy bản romance của Pháp.
Bích bảo: - "Chơi với dân thể thao khô khốc như sách giáo khoa Toán hình. Chán chết!"
Tôi cười: - "Chơi với bà thì suốt ngày thơ thẩn, thế nào cũng ế."
Vậy mà thân. Thân kiểu không ai thay được. Lâu lâu cãi nhau nảy lửa, có bữa mặt xưng mày xỉa, rồi lại cười hì hì. Anh của Bích bảo hai đứa thích pha gia vị, để tình bạn thêm đậm đà.
Có lần, Bích xúi tôi lấy cuốn cassette Thanh Tuyền mà mẹ tôi cất kỹ (thời đó cấm nhạc vàng) đem sang nhà Bích nghe. Xui xẻo, chạy được một lúc thì máy kẹt, băng rối tung. Tôi sợ tái xanh.
Bích gỡ băng, bảo: - "Nhát thế. Về nhà mày, tạo nhận lỗi cho. Sau này tao có chết, mày nhớ xin bác cuốn băng đó cho tao đem theo!"
Tôi gắt: - "Đừng có nhảm!"
3. Bích lấy chồng hiền lành. Anh Hoàng - người đàn ông thường cùng Bích nghe những bản nhạc Pháp hoặc Bolero mà Bích thích, mặc dù anh thích nhất là những bài hùng binh; anh cũng thường chịu làm theo sự "chỉ đạo" của Bích. Hai người sống với nhau khăng khít. Nhưng thật không may, nếu cuộc sống không nợ họ một câu chuyện tình đẹp thì nó lại nợ họ căn bệnh này.
Khi phát hiện ung thư, Bích không khóc. Chỉ nhắn tôi một câu: - "Tao mà có bề gì, nhớ đừng để tụi nó trang điểm tao kiểu búp bê ma-nơ-canh nhé."
Ngày Bích vào phòng mổ, tôi đứng ngoài, mùi thuốc sát trùng lẫn hương hoa sữa trái mùa, nồng nặc đến gai người. Bích ngoái đầu cười: - "Hạnh này, lần này tao không qua đâu."
Tôi mắng: - "Bà nói xàm."
Nhưng cổ họng đắng ngắt.
“Ngày mày vừa qua đại phẫu bắt đầu cuộc chiến không cân sức và... Giờ tao chỉ còn một mình Giữa rừng Đào Ngủ - tên của loại đào này, đang lên dốc hướng về đỉnh Bạch Mộc Lương Tử - 3046 - đỉnh đầu tiên của cuộc đời leo trèo, chui rúc.
Chủ nhật 23/3 tao đi Đình trước ngày bay ra với mày chỉ hy vọng giúp mày bớt căng thẳng, đau đớn, nào ngờ...
Hôm nay 12/4 tao lại một mình vừa leo vừa nghĩ tới mày, những lúc quá mệt tao lại tự nhủ: tao đi cả phần của mày nhé. Tao làm được nè, hôm nay tao leo được độ cao trung bình hơn 900m, độ dài 18,9km, đốt hết 1,765 calories mày thấy ghê chưa? Tao hình dung mày đang cười cười chép miệng: ghê, tôi biết chị kinh rồi, mà tập vừa thôi, vừa đen vừa gầy rồi đấy, he he (đúng hả?) Tao vẫn chưa thể thôi nói chuyện với mày, chắc còn lâu lắm lắm tao mới làm được. Từng câu chuyện, từng đoạn đường, cứ hiện ra mồn một y như chưa hề đi đâu cả”. (Ghi chép của H.).
4. Giờ tôi đang ngồi giữa cái rừng đào ngủ mà Bích mê nhất. Tháng Tư. Hoa rụng nhiều, phủ kín một khoảng đồi. Hồi sinh thời, Bích hay rủ tôi lên đây, nằm dưới tán cây nghe gió, bảo: - "Nếu tao chết, nhớ đem tro rải ở đây."
Tôi bốc nắm tro ấy - nắm tro còn vương mùi trầm và hoa cúc khô - rắc xuống gốc đào. Gió thổi, tro bay theo hoa, tan vào mây. Tôi ngỡ như thấy bóng Bích ngoài triền đồi, tóc xõa, tay cầm một nhành đào.
“Tao vẫn chưa thể quen với việc sẽ không bao giờ được nghe tiếng mày nữa, không bao giờ được thấy những dòng chat, comment nữa. Hôm nay đã là thất đầu của mày rồi ư? Đêm qua mày về nhắn tao túi xách, hôm nay ở nhà đã để lên ban thờ rồi nhé, vì không hóa được nhé!".
Tiếng cười Bích vang giữa gió. Tôi tỉnh giấc, nhìn ra hiên. Đào ngủ vẫn nở. Lạ là sáng nay, bằng lăng phố Lê Đại Hành cũng đồng loạt tím. Cứ như thể cả trời đất biết mà lặng lẽ chia buồn. Tôi vội nhắn cho anh Hoàng về lời Bích dặn. Anh bảo cái túi xách màu đỏ mà Bích thường dùng, anh đã đặt lên bàn thờ, chứ không hóa đi. Một kỷ niệm mà anh và các con muốn lưu giữ.
“Sau tất cả tất bật, lo lắng, buồn bã, biết rằng nỗi buồn sẽ theo tao đi suốt quãng đời còn lại, vẫn thảng thốt: thế là chiều nay là chiều cuối cùng tao đi bộ từ nhà mày về, đi qua những góc phố, đoạn đường thân quen đến nhắm mắt vẫn đi được, cúi đầu cặm cụi bước với hằng ha sa số ký ức y như mày đang càm ràm “dạy bảo” tao hoặc bắt tao chụp: chụp đi đẹp thế mà ko chụp à? Thế là mày đã ngủ không chịu dậy cãi nhau với tao nữa ư? Để mặc tao độc khẩu à? Mày tệ thật đấy, Bich!“ - Ghi chép của H.
5. Đám bạn còn lại tụ họp, uống bia, đọc thơ Bích. Bài cuối cùng trên Facebook Bích viết là:
Có một loài hoa ngủ quên mùa
Thức dậy muộn màng giữa tháng Tư
Như tôi... một kiếp người về muộn
Mở mắt thấy đời hóa hư vô...
Tôi in bài ấy, ép vào cuốn sổ tay cũ. Tối về, hay lôi ra đọc. Có bữa mê mê tỉnh tỉnh, tôi bấm điện thoại gọi Bích giữa đêm. Điện thoại tất nhiên không ai bắt. Nhưng ngoài hiên, hoa đào ngủ rụng từng cánh, loáng thoáng vết chân ai vừa ghé qua.
Tôi đọc lại những dòng do con gái tôi viết về cô Bích: “Cô Bích là người phụ nữ đầu tiên nói với mình - đứa con-gái - tại - thời-điểm - 11 tuổi - "cháu là con gái thì cười be bé cái mồm, cười chúm chím vào, chứ cười toang hoác như thế này thì sau làm sao lấy chồng".
Lại nhớ những lần cô đi công tác rồi ghé thăm nhà mình, cô bảo với mẹ "nhà mày lúc nào cũng như lau như li thế, phải tay tao thì thôi quên đi".
Cô Bích trong trí nhớ của mình rất đẹp, rất thích làm đẹp và muốn người khác cũng phải đẹp”.
6. Lời gửi giữa rừng đào
Bích à, nếu có kiếp sau, đừng làm bạn tao nữa. Làm mây, làm gió, làm hoa gì cũng được. Làm người... mệt lắm. Mệt nhất là khi một đứa phải tiễn một đứa đi mãi... chịu sao nổi!
"Hôm nay tao nhận được quà do mấy bố con gửi vào, đọc bài thơ Phùng viết tao không thể không khóc, mặc dù từ hôm mày đi tao đã tự dặn mình không được khóc nhiều vì như thế mày không siêu thoát được, nên tao chỉ khóc một mình thôi nhé. Trong mơ, thấy mày nằm ngủ thanh thản tạo mừng quá. Hãy bay lên nhé, vui chơi, như trong mơ lại tung tăng cùng chị, em, bạn bè.
Tao chụp hình món quà và bài thơ nhé. Mày hẳn rất tự hào và vui lắm đấy!" - Ghi chép của H.
Tạm biệt thôi, mà rong chơi đi, đừng “chỉ đạo” nữa, không mợ thì chợ vẫn đông nha nha.
Nhưng nếu số trời cứ bắt tụi mình gặp nhau, mày phải leo cho bằng được đỉnh Bạch Mộc Lương Tử. Tao mà gặp mày ở đó, nhất định cho mày một trận mắng vì cái tội bỏ bạn bè mà đi trước.
À, anh chị em mày bảo giờ tao là người nhà họ Phạm, thay thế chỗ Bích. Mày thấy thế nào? Tao nghĩ, là người nhà, anh chị em của các anh chị em mày, thì chẳng cần nói, vốn dĩ đã vậy rồi. Nhưng thay thế mày, tao chịu! Mày siêu thế, thay sao nổi!
Hà Nội, tháng 4 - 5 năm 2025
PVL
Truyện ngắn "Người về rừng đào ngủ" của Phạm Việt Long là một tác phẩm giàu cảm xúc, giản dị mà sâu xa, đặc tả tình bạn bền bỉ qua năm tháng giữa hai người phụ nữ, để rồi cuối cùng lặng lẽ chuyển hóa thành một khúc tưởng niệm, một bài ca dịu dàng về chia ly, cái chết và ký ức.
Những điểm nổi bật đáng khen:
1. Kết cấu truyện rải tầng, mềm mại và chân thực.
Tác phẩm được trình bày như một tập ghi chép vụn vặt, phi tuyến tính, đan xen giữa ký ức và hiện tại. Cách viết này không chỉ gợi phong cách tự sự hậu hiện đại nhẹ nhàng, mà còn rất phù hợp với dòng chảy cảm xúc không ngừng, đầy hồi tưởng và tiếc nuối. Những đoạn "ghi chép của H." tạo cảm giác như nhật ký, rất cá nhân, khiến người đọc cảm thấy mình đang bước vào một không gian riêng tư, đầy chất người.
2. Nhân vật sống động, đời thường nhưng có chiều sâu.
Tình bạn giữa H và Bích được tái hiện bằng những đối thoại tự nhiên, những chi tiết rất đời (mượn băng cassette Thanh Tuyền, đi rải tro ở rừng đào, đi bộ từ nhà bạn về), khiến người đọc không chỉ tin vào mối quan hệ này, mà còn cảm nhận được một sự gắn bó vượt thời gian, không cần tô vẽ bằng bi kịch hay cao trào.
Nhân vật Bích hiện lên không bi lụy dù mang bệnh hiểm nghèo: một phụ nữ thông minh, sắc sảo, có cá tính mạnh, yêu đời và yêu bạn. Câu nói "Có mày là được rồi, tao chỉ cần một mình mày thôi" không hề lâm ly, mà lại gây xúc động lớn vì nó chân thành, giản dị.
3. Biểu tượng "đào ngủ" giàu sức gợi.
Loài hoa đào ngủ - nở sau mùa hội, nở khi phố phường đã thôi vui - là một lựa chọn biểu tượng rất đắt. Nó mang nhiều tầng nghĩa: sự trễ nải của cuộc đời, vẻ đẹp muộn màng, và cũng là hiện thân của người đã khuất - Bích - người sống sâu sắc nhưng không phô trương, người "về muộn" nhưng để lại một ấn tượng lâu dài.
Hình ảnh tro rắc vào gốc đào, tiếng cười Bích giữa gió, và hoa bằng lăng tím như cả trời đất chia buồn đều là những chi tiết điện ảnh, gây dư ba cảm xúc lớn mà không cần cao giọng.
4. Văn phong giản dị mà sắc sảo.
Lối viết tự nhiên, nhiều khẩu ngữ, nhưng đâu đó có những câu đột khởi như thơ:
• “Loài hoa ngược ngạo ấy... nhẹ nhàng nhả từng cánh mỏng tang như khói.”
• “Tôi ngỡ như thấy bóng Bích ngoài triền đồi, tóc xõa, tay cầm một nhành đào.”
• “Sau tất cả tất bật, lo lắng, buồn bã, biết rằng nỗi buồn sẽ theo tao đi suốt quãng đời còn lại…”
Những đoạn như vậy rất đắt, thể hiện khả năng kiểm soát giọng điệu và nhịp điệu văn chương tốt.
Gợi ý chỉnh sửa hoặc nâng thêm:
• Một vài đoạn đầu có thể "chắt lại" để tránh cảm giác giống ghi chú sơ khởi. Ví dụ như đoạn a-b-c-d-e ban đầu nên được chuyển hóa thành văn mạch liền mạch ngay trong phần truyện thay vì liệt kê kiểu “những mốc đáng nhớ”.
• Có thể khai thác sâu thêm đối lập giữa H và Bích: người thể thao - người thơ thẩn, người thô vụng - người sắc sảo... để làm nổi bật sự “khác biệt nhưng cần nhau” trong tình bạn này.
• Phần đoạn cuối với con gái có thể rút gọn đôi chút hoặc lồng ghép sớm hơn trong truyện, để không làm rời mạch chính.
Tổng kết:
"Người về rừng đào ngủ" là một truyện ngắn đẹp, giản dị mà ám ảnh, chứa đựng tình bạn nữ sâu sắc hiếm thấy trong văn chương Việt đương đại. Nó nhẹ tênh như cánh hoa đào cuối mùa, nhưng để lại dư vị rất lâu trong lòng người đọc. Không cần cao trào, truyện chạm đến cái lặng lẽ của vĩnh biệt, và cái bền lâu của tình thân, mà không cần cường điệu.