Người thân đặc biệt của bệnh nhân ung thư
Đồng hành với bác sĩ trong điều trị mỗi ca bệnh luôn có sự đóng góp của điều dưỡng viên. Đặc biệt, đối với bệnh nhân ung thư phải điều trị dài ngày, thậm chí nhiều năm thì những người điều dưỡng còn trở thành người thân của họ.
Công việc của điều dưỡng không đơn giản chỉ là phát thuốc, lấy ven, tiêm truyền mà còn chăm sóc, theo dõi sát bệnh nhân và cả vô vàn việc không tên khác nữa.
Nhân Ngày Điều dưỡng Quốc tế 12/5, Đài Hà Nội có cuộc trò chuyện với chị Phan Thị Thu Huệ - hiện đang là Điều dưỡng trưởng Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai.
Phóng viên: Thưa chị! Cơ duyên nào đã đưa chị đến với nghề điều dưỡng và gắn bó với Trung tâm Ung bướu?
Điều dưỡng Phan Thị Thu Huệ: Hồi bé, tôi thường theo mẹ đi trực ở bệnh viện. Tôi rất yêu màu áo trắng, yêu những khoảng khắc mẹ và các đồng nghiệp hỏi han, thăm khám người bệnh. Đây có lẽ là cơ duyên đưa tôi đến với ngành y. Năm 2013 tôi về nhận nhiệm vụ tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, lúc đó tôi đã hơn 40 tuổi, tuổi cũng đã trải qua nhiều thử thách của cuộc đời, nên khi đến với người bệnh ung thư tôi có sự thấu hiểu những khó khăn mà người bệnh đang gánh chịu. Ngoài những nỗi đau thân thể, người bệnh ung thư còn có những nỗi đau sâu trong nội tâm, họ khủng hoảng khi đối diện với bệnh, họ lo âu, trầm cảm, căng thẳng.
Phóng viên: Theo chị để có để chăm sóc, hỗ trợ tốt nhất cho bệnh nhân ung thư trong quá trình điều trị, người điều người cần những yếu tố nào? Điều gì là quan trọng nhất?
Điều dưỡng Phan Thị Thu Huệ: Với người bệnh ung thư, người điều dưỡng cần có những đức tính để thấu cảm như: tình yêu nghề, lòng nhân ái, sự kiên nhẫn và biết lắng nghe, đức hy sinh, tận tụy phục vụ. Tôi nghĩ rằng ngoài kiến thức chuyên môn sâu, không ngừng học hỏi để làm công việc này cũng cần có một tinh thần sống lạc quan để có thể động viên, truyền cảm hứng đến người bệnh. Vì vậy trong công tác chăm sóc người bệnh ngoài công tác chuyên môn chúng tôi chú trọng nâng cao kỹ năng giao tiếp. Bên cạnh đó, việc cải thiện môi trường cũng vô cùng quan trọng. Làm thế nào tạo nên một môi trường xanh sạch, thân thiện giúp người bệnh cảm thấy được gần gũi, tin cậy, đồng cảm, yêu thương đó là điều chúng tôi luôn trăn trở và nỗ lực mỗi ngày.
Tôi cảm thấy vui và tự hào vì đội ngũ điều dưỡng của Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu là những người có trái tim trong sáng, thiện lành. Bạn có để gặp bất cứ người bệnh nào đang điều trị tại đây và trò chuyện với họ để hiểu hơn về chúng tôi.

Điều dưỡng Phan Thị Thu Huệ.
Phóng viên: Chị có thể chia sẻ một câu chuyện, một kỷ niệm đặc biệt trong quá trình công tác về một bệnh nhân đặc biệt?
Điều dưỡng Phan Thị Thu Huệ: Một kỷ niệm nhớ mãi trong hành trình làm nghề, đó là một thanh niên bị u não giai đoạn quá muộn khó đáp ứng điều trị. Bố của thanh niên là một bác cựu chiến binh, bác ấy đã từng ra vào các trận chiến để bảo vệ đất nước, vậy mà giờ đây bác bất lực khi người con trai duy nhất chỉ còn tính từng ngày. Nhìn những giọt nước mắt lăn trên gương mặt khắc khổ của bác, lòng tôi chùng lại, thương cho những nỗi đau trực tiếp và gián tiếp của con người. Tôi hiểu sâu sắc nỗi đau mà người bệnh ung thư và gia đình họ phải đương đầu. Một trường hợp khác khiến tôi cũng rất day dứt. Đó là một người phụ nữ trẻ, bạn ấy đang ở đỉnh cao sự nghiệp khi làm Tổng Giám đốc một ngân hàng. Nhưng rồi bạn ấy phát hiện mắc ung thư giai đoạn khá muộn. Dù bạn ấy rất kiên cường, song tôi nhìn thấy đôi mắt trĩu nặng, thấy dáng đi mệt mỏi cùng những chai truyền, dây truyền loằng ngoằng. Thật thực vô cùng xót xa!
Phóng viên: Để người bệnh ung thư có chất lượng cuộc sống tốt nhất theo chị cần những điều gì?
Điều dưỡng Phan Thị Thu Huệ: Để người bệnh ung thư có chất lượng cuộc sống tốt, tôi nghĩ rằng người bệnh cần được cung cấp thông tin chính xác kịp thời, giúp người bệnh và người nhà người bệnh hiểu rõ về bệnh, quá trình điều trị, các tác dụng có thể xảy ra, cách phòng ngừa và ứng phó. Người bệnh cần được một hệ thống chăm sóc toàn diện, bác sỹ giỏi, các dịch vụ kỹ thuật cao, chính xác. Điều dưỡng ân cần, chăm sóc chuyên nghiệp, giao tiếp với người bệnh đầy lòng nhân ái.
Những ngày qua tôi cũng nghe nói về chính sách tiến tới miễn viện phí cho người dân, tôi thực sự rất mong muốn chính sách này sớm thành hiện thực. Bởi với người bệnh, đặc biệt là người bệnh ung thư việc được miễn viện phí có ý nghĩa rất lớn. Bởi với họ, dù một đồng cũng đáng quý. Bây giờ họ đến viện không chỉ phải lo viện phí mà còn rất nhiều chi phí khác kèm theo. Và để chữa ung thư là một chặng đường dài, là một hành trình chứ không phải chỉ trong một đợt điều trị.
Phóng viên: Nhân ngày Điều dưỡng Quốc tế, chị có suy nghĩ và điều gì muốn chia sẻ?
Điều dưỡng Phan Thị Thu Huệ: Nhân ngày Điều dưỡng Quốc tế xin thông qua Đài Hà Nội gửi đến những người điều dưỡng, những chiến binh thầm lặng, luôn tận tâm tận lực với nghề, những con người ngày đêm chăm sóc người bệnh xoa dịu những nỗi đau, khích lệ tinh thần sống của người bệnh lời chúc thân thương nhất. Chúc tất cả nhân viên y tế nói chung và điều dưỡng nói riêng sức khỏe, hạnh phúc, đóng góp được nhiều giá trị trong sứ mệnh chăm sóc người bệnh.
Phóng viên: Xin cảm ơn chị! Chúc chị sẽ luôn yêu nghề và luôn hỗ trợ đồng hành, truyền cảm hứng tích cực tới người bệnh và người nhà của họ.