Xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh

Nửa đầu tháng 1/2025, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng mạnh 191% so với cùng kỳ năm 2024, đạt hơn 51 triệu USD.

Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024, trong cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), tôm loại khác chiếm tỷ trọng cao nhất 51,7% do Trung Quốc tăng khá mạnh nhập khẩu tôm hùm từ Việt Nam trong năm 2024. Tiếp đó tôm chân trắng chiếm 36,1% và tôm sú chiếm 12,2% tỷ trọng.

Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc.

Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc.

Năm 2024, xuất khẩu tôm sú sang Trung Quốc giảm mạnh hơn tôm chân trắng. Các sản phẩm tôm sú và tôm chân trắng chế biến giảm mạnh hơn các sản phẩm tươi/sống/đông lạnh. Tôm sú chế biến giảm mạnh nhất 44%.

Xuất khẩu tôm loại khác ghi nhận tăng mạnh 174%. Tôm khác chế biến tăng 199%, tôm khác sống/tươi/đông lạnh tăng 185%. Trong nhóm sản phẩm tôm khác này, chủ yếu là các mặt hàng tôm hùm như tôm hùm đá sống. xuất khẩu tôm hùm Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2024. Hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất tôm hùm của Việt Nam, chiếm đến 98 - 99%.

Theo số liệu của ITC, nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong năm 2024 đạt 6,8 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước đó. Chỉ nhập khẩu từ Việt Nam tăng trong khi Trung Quốc giảm nhập khẩu từ các nguồn cung còn lại.

Về sản phẩm nhập khẩu, năm 2024, tôm hùm đá và các loại tôm biển khác là sản phẩm được nhập khẩu nhiều thứ hai vào Trung Quốc, ghi nhận tăng 39% so với năm 2023. Các sản phẩm tôm nước ấm trong đó có tôm chân trắng đông lạnh nhập khẩu vào Trung Quốc ghi nhận giảm.

Trung Quốc có xu hướng giảm nhập khẩu tôm chân trắng

Cũng theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường tôm chân trắng tại Trung Quốc ngay tại thời điểm gần Tết Nguyên đán vẫn không có dấu hiệu ấm lên, giá giảm. Nguyên nhân của tình trạng này không phải do cung vượt cầu mà do khả năng tiêu thụ của tầng lớp trung lưu suy giảm đáng kể.

Tôm chân trắng từng là mặt hàng thường xuyên có mặt trên các bàn ăn của tầng lớp trung lưu, được ưa chuộng vì giá cả phải chăng và dinh dưỡng phong phú. Tuy nhiên, khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và tăng trưởng thu nhập giảm, chi phí sinh hoạt tăng, người tiêu dùng ngày càng chú ý đến hiệu quả chi phí và protein thủy sản đang dần chuyển từ "ưa thích" sang "tùy chọn". Trong bối cảnh này, tôm chân trắng là sản phẩm nhạy cảm với giá cả, phải chịu ảnh hưởng của sự suy giảm nhu cầu.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, xu hướng giảm tiêu dùng đặc biệt rõ rệt ở các thành phố lớn. Tiêu dùng thực phẩm dần trở lại mức hợp lý, thịt giá cả phải chăng, dễ bảo quản trở thành lựa chọn hàng đầu của hầu hết các gia đình. Đặc biệt ở thị trường trung cấp và bình dân, tình hình tôm chân trắng trái ngược hẳn với các mặt hàng thủy sản cao cấp như (tôm hùm, cá hồi, cua hoàng đế...) ở thị trường cao cấp. Mức tiêu dùng của người giàu tương đối ổn định.

Sự sụt giảm của thị trường tôm chân trắng không phải là hiện tượng đơn lẻ mà là sự phản ánh tình trạng dễ bị tổn thương của thị trường hàng tiêu dùng bình dân trước áp lực kinh tế tại Trung Quốc. Doanh nghiệp xuất khẩu tôm nên tiếp tục tăng cường thế mạnh xuất khẩu tôm hùm và đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị, có giải pháp hấp dẫn và kích thích nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng truyền thống như tôm chân trắng và tôm sú tại thị trường Trung Quốc.

Ecuador, đối thủ cạnh tranh với tôm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, chủ yếu chỉ cung cấp tôm chân trắng cho nước này, cũng ghi nhận giá trị xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm trong năm 2024. Năm 2024, xuất khẩu tôm Ecuador sang Trung Quốc đạt khoảng 3 tỷ USD, giảm 14% so với năm 2023. Năm 2024, xuất khẩu tôm chân trắng của Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) cũng giảm 5% đạt gần 305 triệu USD.

Diệu Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-khau-tom-sang-thi-truong-trung-quoc-tang-manh-373788.html
Zalo