Bắt nhịp đào tạo nhân lực ngành đường sắt cao tốc
Trường ĐH đổi mới công tác đào tạo, tiếp cận công nghệ hiện đại để đáp ứng yêu cầu nhân lực của đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.
![Đại diện Khoa Xây dựng cầu đường, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng trình bày chương trình đào tạo chuyên ngành Xây dựng đường sắt - metro theo chuẩn quốc tế.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_181_51485320/037ee1e8d2a63bf862b7.jpg)
Đại diện Khoa Xây dựng cầu đường, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng trình bày chương trình đào tạo chuyên ngành Xây dựng đường sắt - metro theo chuẩn quốc tế.
Ngày 15/2, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng tổ chứcHội thảo “Công nghệ xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho dự án đường sắt tốc độ cao”.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà quản lý, chuyên gia, kỹ sư và các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và giao thông trong nước và quốc tế.
![Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_181_51485320/0575ebe3d8ad31f368bc.jpg)
Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu.
Hội thảo hướng đến mục đích tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra giải pháp thực tế. Mục tiêu là cập nhật các công nghệ tiên tiến trong xây dựng hạ tầng đường sắt tốc độ cao, đồng thời xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực phù hợp với thực tiễn.
Ngành đường sắt Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đặc biệt với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị tại các thành phố lớn. Trong 5 - 20 năm tới, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này dự kiến tăng cao, với khoảng 26.000 - 32.000 lao động cần thiết cho giai đoạn thi công và gần 14.000 lao động cho giai đoạn vận hành. Điều này đòi hỏi đổi mới công tác đào tạo và tiếp cận các công nghệ hiện đại để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hội thảo có 4 tham luận chính được trình bày bởi các chuyên gia, nhà khoa học gồm: Báo cáo “Chủ trương, định hướng phát triển dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và nhu cầu nguồn nhân lực” do ông Hoàng Anh Dũng, Phó Ban Quản lý kết cấu hạ tầng, Tổng công ty đường sắt Việt Nam trình bày.
Ông Oishi Eiichi -Giám đốc JEM Inc., Nhật Bản trình bày về “Một số dự án đường sắt điển hình tại Singapore và Hồng Kông: Nhận định, thách thức và bài học kinh nghiệm”.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Invest Global chia sẻ về “Công nghệ tiên tiến trong xây dựng hạ tầng đường sắt tốc độ cao: Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam”.
PGS.TS Phan Hoàng Nam, Phó Trưởng khoa Xây dựng Cầu đường, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN thông tin về “Phát triển chương trình đào tạo chuyên ngành Xây dựng đường sắt - metro theo chuẩn quốc tế, đáp ứng nguồn nhân lực cho hạ tầng đường sắt tốc độ cao và đô thị”.
![Ông Oishi Eiichi -Giám đốc JEM Inc., Nhật Bản trình bày báo cáo tại Hội thảo.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_181_51485320/c9f23164022aeb74b23b.jpg)
Ông Oishi Eiichi -Giám đốc JEM Inc., Nhật Bản trình bày báo cáo tại Hội thảo.
Ngoài ra, các đại biểu tham gia Hội thảo đã thảo luận các nội dụng xoay quanh các chủ đề chính như Công nghệ tiên tiến trong xây dựng đường sắt tốc độ cao; Định hướng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho dự án đường sắt tốc độ cao và phát triển chương trình đào tạo; Hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao.
Đến thời điểm này, đã có 4 cơ sở giáo dục đại học mở ngành đào tạo lĩnh vực xây dựng đường sắt – metro gồm Trường Đại học Giao thông vận tải; Trường Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cho biết: "Sự chuẩn bị cho dự án đường sắt cao tốc, nhất là về nhân sự, cũng cấp bách, cấp thiết như đầu tư cho lĩnh vực vi mạch-bán dẫn. Nghĩa là phải làm ngay không chần chừ. Trong đó, trách nhiệm của nhà trường, là sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực, bởi dự án đòi hỏi có cán bộ, có chuyên viên làm việc ở nhiều khâu từ điện khí hóa, thiết bị công nghệ mới, thông tin tín hiệu, vận hành hệ thống, vận hành toa tàu…".
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng dự kiến mở Chuyên ngành Xây dựng đường sắt – metro thuộc Ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông và tuyển sinh từ năm 2025.
Trường hiện đang đào tạo 37 ngành/chuyên ngành, đầy đủ các lĩnh vực Cơ khí-Cơ khí Giao thông, Máy tính và CNTT, Điện-Điện tử, Kiến trúc – Xây dựng – QLDA, Hóa, Môi trường, hoàn toàn có đủ nguồn lực, điều kiện cho việc đào tạo cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho ngành đường sắt.
Ngoài mở ngành đường sắt - metro dự kiến sẽ kịp tuyển sinh năm 2025, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, nhà trường sẽ có thêm những khóa đào tạo ngắn hạn, đào tạo chuyển đổi đến bổ sung nâng cao kỹ năng kịp thời (Upskills) cho người học, nhanh chóng bắt kịp vị trí công việc.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, khối nhân lực khai thác vận hành (vận hành chạy tàu và bảo trì hệ thống, từ năm 2035 - 2036) cần khoảng 13.880 lao động, trong đó khoảng 20% có trình độ đại học trở lên (trên 2.500 kỹ sư). Khối xây dựng là nhóm có nhu cầu nhân lực lớn nhất, lên tới 220.000 - 240.000 người. Tại thời kỳ cao điểm, cần tới 18.000 - 20.000 kỹ sư, với 20 - 30% trong số đó là kỹ sư chuyên ngành xây dựng đường sắt (hạ tầng, phương tiện đường sắt).