Xã Lâm Tân về đích nông thôn mới nâng cao

Năm 2015, Lâm Tân là xã thứ 2 của huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) được công nhận xã nông thôn mới, trong niềm vui và niềm phấn khởi của nhân dân xã nhà. Xác định xây dựng nông thôn mới là không có điểm dừng, thế là xã Lâm Tân bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao và đến năm 2024 đã về đích đúng theo mong đợi.

Giao thông nông thôn thuận lợi giúp người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa dễ dàng. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Giao thông nông thôn thuận lợi giúp người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa dễ dàng. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Trong 10 năm qua, xã Lâm Tân được đầu tư tổng nguồn vốn để thực hiện chương trình trên 131 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương hơn 35 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 23,6 tỷ đồng, ngân sách huyện gần 20,9 tỷ đồng, ngân sách xã 8,5 tỷ đồng, lồng ghép các chương trình 7,4 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp. Nhờ đó mà cơ sở hạ tầng của xã được phát triển rõ rệt, bộ mặt nông thôn có bước chuyển mình, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể.

Đồng chí Trần Quốc Giới - Chủ tịch UBND xã Lâm Tân cho hay: “Xã Lâm Tân xác định xây dựng nông thôn mới là lâu dài, có điểm đầu không có điểm kết thúc. Hằng năm, xã xây dựng lộ trình để thực hiện, đặc biệt là quy hoạch các tuyến lộ giao thông nông thôn, từ đó được sự đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, cũng như từ nguồn vốn của tỉnh, huyện đã hỗ trợ xây dựng các công trình. Đặc biệt, các chương trình mục tiêu quốc gia đã hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo những mô hình trong chăn nuôi, trồng màu. Trong năm 2024, thực hiện nghị quyết của Huyện ủy về xây dựng nông thôn mới nâng cao, cũng như kế hoạch của UBND huyện, xã củng cố ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao triển khai đến tất cả cán bộ, công chức, đảng viên và người dân trên địa bàn tích cực tham gia; phân công các thành viên thực hiện từng tiêu chí. Và xã đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, cũng như 21 chỉ tiêu nâng chất”.

Hiện nay, trên địa bàn xã có 3,85km đường xã, có các hạng mục cần thiết theo quy định (biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh…), trong đó tỷ lệ tuyến đường được bảo trì hằng năm, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp đạt tỷ lệ 100%. Có 3,7km đường ấp và đường liên ấp được cứng hóa và bảo trì hằng năm. Đường ngõ, xóm cứng hóa có chiều dài 39,24km, đạt tỷ lệ 91,88%. Ý thức của người dân về phong trào xây dựng nông thôn mới là rất lớn, khi tuyến lộ ngang nhà, người dân sẵn sàng hiến đất, khi công trình hoàn thành thì tiến hành trồng hoa, cây cảnh; tham gia thực hiện có hiệu quả các tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu. Từ đó, người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận lợi, dễ dàng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.

Ông Nguyễn Hoài Tâm, ấp Kiết Nhất A, xã Lâm Tân chia sẻ: “Hồi trước, lộ ở ấp ngập dữ lắm. Khi Nhà nước khởi công công trình, người dân rất vui mừng, đồng tình cùng chính quyền xây dựng lộ giao thông nông thôn để góp phần xây dựng nông thôn mới. Khi địa phương vận động trồng hoa trên lộ thì nhà nào cũng hưởng ứng, các tuyến lộ trồng hoa rất đẹp”.

Cùng với phát triển hệ thống giao thông nông thôn, xã còn được Trung ương, tỉnh, huyện đầu tư phát triển kiện toàn hệ thống thủy lợi phục vụ trong sản xuất. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động 3.350/3.350ha, đạt 100%. Tỷ lệ diện tích lúa được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước 3.350/3.350ha, đạt 100%; có 100% số công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng được bảo trì hằng năm. Trên địa bàn xã có Hợp tác xã Nông nghiệp Kiết Lập B hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2022. Xã có 1 sản phẩm được chứng nhận đạt 3 sao. Xã có mô hình sản xuất lúa áp dụng quy trình kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, theo tiêu chuẩn bền vững (SRP), áp dụng cơ giới hóa trong các khâu làm đất 100%, gieo sạ 40%, bơm tưới 100%, phun thuốc và thu hoạch 100%.

Xã có mô hình 1 triệu hécta sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh và mô hình sản xuất lúa - cá, áp dụng cơ giới hóa trong các khâu làm đất, bơm tưới, phun thuốc và thu hoạch… Qua đó, giúp người dân thuận lợi hơn trong canh tác lúa, trồng các loại màu và nhiều mô hình chăn nuôi khác. Đặc biệt, trong phát triển kinh tế, xã Lâm Tân còn tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, các đơn vị tín dụng khác trên địa bàn để phát triển và mở rộng mô hình trồng trọt, chăn nuôi, mua bán nhỏ, nhờ vậy thu nhập của người dân không ngừng nâng lên.

Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được thực hiện tốt. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được thực hiện tốt. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Qua kết quả điều tra, rà soát, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện nay là 72,75 triệu đồng/người/năm, cao gấp 2,3 lần so với thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 (31,6 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã là 2,05%, giảm 3,25 % so với năm 2015 (6,5%).

Hiện nay, tỷ lệ hộ có đăng ký trực tiếp và được sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất đảm bảo an toàn, tin cậy và ổn định đạt 1.753/1.756 hộ, đạt 98,83%. Trên địa bàn xã có 4/4 trường đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1, đạt tỷ lệ 100%, trong đó Trường Trung học cơ sở Lâm Tân đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2. Xã có lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời ở điểm công cộng; các loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức hoạt động thường xuyên. Trên địa bàn xã Lâm Tân có khu chợ tại ấp Kiết Nhất B; chợ xã đáp ứng yêu cầu chung theo tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm; điểm Bưu điện Văn hóa xã có bố trí máy tính phục vụ và hỗ trợ cho người dân đến thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Người dân trên địa bàn xã được cơ sở y tế lập hồ sơ, quản lý sức khỏe điện tử là 7.246/7.963 người, đạt 91%. Cùng với quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, hằng năm xã còn thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Bà Võ Thị Ngọt, ngụ ấp Kiết Nhất A, xã Lâm Tân tâm tình: “Tôi thấy xã Lâm Tân bây giờ rất tiến bộ, đường khang trang, trường học được xây dựng mới, Nhà nước quan tâm chăm lo đời sống người dân, cuộc sống người dân tại địa phương ngày càng nâng lên. Tôi và bà con ở đây rất phấn khởi với sự phát triển của xã”.

Trên địa bàn xã có 17 cơ sở sản xuất - kinh doanh, các cơ sở này đều lập thủ tục môi trường và có biện pháp thu gom, xử lý chất thải theo quy định. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định. Trên địa bàn xã có 3 công trình cấp nước tập trung, tất cả đều đang hoạt động bền vững, đạt tỷ lệ 100%; có 1.478/2.406 hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung, đạt tỷ lệ 61,4% hộ. Đội ngũ công chức của xã đều được trang bị máy tính để phục vụ công việc, giải quyết thủ tục hành chính. Xã có 23/23 thủ tục hành chính cấp xã đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần, đạt 100%. Xã có mô hình camera an ninh và các mô hình gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hoạt động thường xuyên, hiệu quả.

Đồng chí Khưu Tiến Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Lâm Tân cho biết: “Từ kết quả này, xã Lâm Tân tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu trong giai đoạn 2025 - 2030, xã được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu”.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, Đảng bộ, quân và dân xã Lâm Tân khẳng định đây là chủ trương đúng đắn và hợp lòng dân, làm thay đổi diện mạo nông thôn và đại bộ phận người dân đồng tình tham gia hưởng ứng tích cực. Dân chủ cơ sở, vai trò là chủ thể chương trình của người dân tiếp tục được nâng lên, qua đó, đã phát huy được nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần huy động được nhiều nguồn lực đóng góp thiết thực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, tiến tới nông thôn kiểu mẫu tại địa phương.

HOÀNG PHÚC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xay-dung-nong-thon-moi/202502/xa-lam-tan-ve-ich-nong-thon-moi-nang-cao-3511842/
Zalo