Đồng Pi sắp được niêm yết, nhà đầu tư cần lưu ý gì?
Việc Pi có thể niêm yết thành công và đạt giá cao đang gây nhiều tranh cãi. Nhà đầu tư nên cẩn trọng, chú ý tới khuyến cáo của Bộ Công an.
Mới đây, thông tin Pi Network sẽ được niêm yết chính thức trên các sàn giao dịch vào 15h ngày 20/2 (giờ Việt Nam) làm dấy lên làn sóng phấn khích lẫn hoài nghi trong cộng đồng, đặc biệt tại Việt Nam.
Trên các hội nhóm về tiền ảo như Pi Network như: "Mua bán trao đổi Pi Network", "Pi Network Việt Nam"...liên tục xuất hiện các cuộc bàn luận xôn xao về việc "xả" hay gom Pi.
Không ít nhiều nhà đầu tư OTC (giao dịch phi tập trung) đã thu mua Pi với giá từ 30.000 - 50.000 VND. Bên cạnh đó, hàng loạt bài đăng nhận thu mua Pi cũng đã xuất hiện, thậm chí lời mời chào nạp Pi lên ví.
Giá Pi tăng đột biến khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào cú hích khi Open Network chính thức diễn ra.

Đồng Pi sắp được niêm yết. Ảnh minh họa
Dù có nhiều người lạc quan về triển vọng đầu tư đồng Pi song cũng có nhiều người bi quan. Một số người cho rằng, khi mà ai cũng chỉ chờ đồng Pi lên sàn để bán kiếm lời, ai sẽ là người mua vào? Do đó, hàng loạt các đợt bán xả hàng sẽ có khả năng tạo ra sự sập mạng.
Ngoài ra, cũng có người tỏ ra băn khoăn về việc trị giá của đồng Pi sẽ được tính toán như thế nào. Nếu đồng Pi được đội ngũ phát triển in thêm đến hàng triệu hàng tỷ đồng, ai sẽ quản lý và tính pháp lý của đồng Pi khi đó sẽ như thế nào.
Do vậy, một số người cho rằng, nên chờ đồng Pi lên sàn ổn định rồi mới cân nhắc đầu tư.
Trước đó, TS. Đặng Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ Blockchain, Trưởng Lab Blockchain thuộc Học viện Bưu chính Viễn thông đã đưa ra một góc nhìn khách quan và khoa học về hiện tượng Pi. Ông đặt vấn đề dưới nguyên tắc minh bạch - yếu tố cốt lõi để đánh giá bất kỳ dự án tiền mã hóa nào, qua đó có thể thấy Pi Network không công khai mã nguồn, khiến cộng đồng không thể kiểm chứng cách thức vận hành và cơ chế phân phối đồng Pi. TS. Đặng Minh Tuấn cũng khẳng định giá trị của tiền mã hóa không đến từ tài sản vật chất, mà được bản vị hóa dựa trên niềm tin.
Tại Việt Nam, tiền mã hóa chưa được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp. Các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa đối mặt với rủi ro pháp lý cao, nhất là khi Pi Network chưa có cơ chế giám sát từ các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên cân nhắc thêm các thông tin khác. Vào tháng 6/2023, Bộ Công an công bố đã phối hợp với công an các địa phương để điều tra hoạt động liên quan đến tiền ảo Pi.
Theo đại diện Bộ, các hoạt động liên quan đến Pi tại Việt Nam có dấu hiệu lôi kéo, lấy tiền của người trước trả cho người sau trong mô hình kinh doanh dạng nhị phân, đa cấp. Vì vậy, người dân cần thận trọng trước hành vi lôi kéo tham gia mô hình tiền ảo có lợi nhuận cao bất thường.
Hiện nay, tất cả giá trị của Pi chỉ là suy đoán. Không có cơ sở rõ ràng để định giá đồng Pi khi chưa có giao dịch chính thức hoặc ứng dụng thực tiễn rõ nét. Do đó, việc đầu tư vào một tài sản chưa có giá trị giao dịch công khai được coi là rủi ro lớn.