EU 'đứng ngồi không yên' trước các đòn thuế quan của ông Trump
Chính sách 'Nước Mỹ trên hết' của ông Trump đang khiến căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU leo thang, đẩy mối quan hệ kinh tế xuyên Đại Tây Dương vào giai đoạn đầy thách thức.

Chính sách thuế quan mới của Mỹ đang đẩy mối quan hệ của nước này với EU rạn nứt. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ấn định ngày 12/3 là thời điểm bắt đầu áp thuế 25% đối với tất cả sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu, đồng thời hủy bỏ các ngoại lệ trước đó dành cho Canada, Mexico, Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác thương mại khác.
Ông Trump cũng chỉ đạo nhóm kinh tế xây dựng kế hoạch áp thuế đối ứng, nhằm đưa ra mức thuế quan tương ứng với từng quốc gia đang đánh thuế hàng hóa của Mỹ.
Mới nhất, ông Trump cho biết thuế quan 25% đối với ôtô có thể có hiệu lực sớm nhất vào ngày 2/4, đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu đối với dược phẩm và chip bán dẫn, khởi điểm từ 25% hoặc cao hơn và có thể tăng mạnh trong vòng một năm, Reuters đưa tin.
Chính sách “Nước Mỹ trên hết” này của Tổng thống Trump có thể khơi lại những căng thẳng âm ỉ từ nhiệm kỳ trước và đẩy mối quan hệ vốn được coi là “đồng minh” xuyên Đại Tây Dương vào giai đoạn đầy thách thức.
Mối quan hệ kinh tế lớn nhất thế giới
The Morningstar cho biết theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), EU đã bán hàng hóa trị giá 532 tỷ euro (558,2 tỷ USD) cho Mỹ năm 2024, cao hơn 199 tỷ euro (207,5 tỷ USD) so với doanh số mà các doanh nghiệp Mỹ bán cho người mua châu Âu. Điều này dẫn đến thặng dư thương mại hai bên cao hơn mức 157 tỷ euro (163,7 tỷ USD) được ghi nhận vào năm 2023.
Tuy nhiên, thâm hụt thương mại rộng hơn này cũng phản ánh sự suy giảm giá trị bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ sang châu Âu. EU đã tăng mua LNG Mỹ từ năm 2022 khi khu vực này tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho việc mua LNG từ Nga.
Theo thông tin từ Ủy ban Châu Âu, EU là nhà cung cấp quan trọng cho Mỹ, bao gồm các thành phần thuốc và sản phẩm dược phẩm, máy móc, thiết bị tiên tiến, cũng như các bộ phận và linh kiện hàng không vũ trụ.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Thương mại Mỹ và ImportGenius cho thấy nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất từ EU vào Mỹ năm 2024 chính là dược phẩm, đạt tổng giá trị 127 tỷ USD.

Tổng số TEU (container) nhập khẩu dược phẩm từ EU vào Mỹ hàng tháng trong giai đoạn 1/2023 đến 1/2025. Biểu đồ: CNBC.
Ngoài ngành dược phẩm, một số nhóm hàng nhập khẩu lớn từ EU vào Mỹ năm 2024 bao gồm: máy móc và linh kiện cơ khí (89,8 tỷ USD), ôtô và phương tiện vận tải (60,3 tỷ USD), máy móc điện và linh kiện (39,2 tỷ USD), theo CNBC.
Phân tích Bills of Lading - chứng từ vận tải chi tiết về hàng hóa nhập khẩu - cho thấy danh mục nhập khẩu từ EU vào Mỹ còn phong phú hơn nhiều. Một số mặt hàng đáng chú ý như: rượu, linh kiện cho Bosch và John Deere, gạch men từ Ireland và Tây Ban Nha, pin lithium-ion từ Ba Lan...
Trong đó, nhập khẩu rượu vang từ EU vào Mỹ năm 2024 cũng đạt 5,5 tỷ USD, tương đương 14.000 container/tháng - gần bằng một nửa sức chứa của một tàu hàng cỡ lớn.
Ở chiều ngược lại, EU là bên mua khí đốt và dầu mỏ lớn nhất của Mỹ, đồng thời là một trong các đối tác lớn nhất về xuất và nhập khẩu dịch vụ của nước này.

Thương mại hàng hóa, dịch vụ giữa EU và Mỹ từ năm 2010 đến 2023 (theo số liệu từ Eurostat). Biểu đồ: European Parliament.
Với mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và EU, triển vọng kinh tế châu Âu sẽ trở nên khó lường hơn trong tương lai gần do chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đe dọa áp thêm thuế đối với hàng nhập khẩu từ khối này.
Một số lĩnh vực của châu Âu, như xuất khẩu dược phẩm, ôtô, thiết bị hạt nhân và thiết bị y tế, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi thuế quan. Tuy nhiên, với năng lượng là mặt hàng nhập khẩu chính từ Mỹ, khả năng trả đũa có thể bị hạn chế.
“Ngòi nổ” thuế quan đối với kinh tế EU
Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ áp thuế đối với EU và yêu cầu các cơ quan liên bang điều chỉnh thuế quan Mỹ tương xứng với mức thuế mà các nước khác đang áp dụng với hàng hóa Mỹ.
Washington lập luận rằng EU đánh thuế 10% đối với ôtô Mỹ, trong khi Mỹ chỉ áp thuế 2,5% đối với xe châu Âu. Nếu được triển khai, mức thuế 25% đối với ôtô nhập khẩu sẽ là "cơn địa chấn" đối với ngành công nghiệp ôtô, đặc biệt với Đức - ngành công nghiệp biểu tượng cho nền kinh tế lớn nhất EU này.
Ngoài ra, mức thuế 25% đối với ngành dược phẩm - ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu của EU với Mỹ sẽ mang đến nhiều tác động tiêu cực đến cả 2 nền kinh tế. Tuy nhiên, EU có thể chịu thiệt hại nặng nề hơn trong cuộc đối đầu thương mại này, với mức tăng trưởng kinh tế có nguy cơ giảm tới 1% trong những năm tới và làm trầm trọng hơn sự suy thoái kinh tế đang diễn ra tại đây, theo The New York Times.
Nguyên nhân là sự suy giảm trong thương mại xuyên Đại Tây Dương và sự sụt giảm đầu tư vào châu Âu, theo phân tích từ công ty dịch vụ tài chính Morningstar DBRS.
“Tác động tiêu cực sẽ tập trung vào năm 2025 và 2026, ảnh hưởng nặng nề nhất đến các quốc gia có ngành sản xuất lớn với mức độ phụ thuộc cao vào thương mại Mỹ - EU”, các chuyên gia nhận định trong một báo cáo nghiên cứu.
Mức thuế mới có thể làm hàng hóa EU trở nên đắt đỏ hơn, suy giảm khả năng cạnh tranh tại thị trường Mỹ. Tính toán sơ bộ từ Barclays cho thấy nếu kịch bản xấu nhất xảy ra với thuế suất 10%, lợi nhuận của các doanh nghiệp châu Âu có thể giảm 5-10%.
Các ngành công nghiệp chủ chốt của châu Âu đang đứng trước rủi ro lớn, bao gồm các nhà sản xuất ôtô như Mercedes, Michelin, Volvo, Volkswagen và BMW, vốn xuất khẩu hàng tỷ USD xe sang vào thị trường Mỹ; các công ty dược phẩm như Novo Nordisk - hãng sản xuất các loại thuốc giảm cân nổi tiếng Ozempic và Wegovy cũng chịu ảnh hưởng.

Dây chuyền lắp ráp Ozempic tại Nhà máy Novo Nordisk ở Đan Mạch. Ảnh: Reuters.
Luca Solca, chuyên gia phân tích hàng đầu về ngành xa xỉ tại công ty nghiên cứu Bernstein, nhận định rằng thuế nhập khẩu cao hơn sẽ giáng đòn mạnh vào các thương hiệu xa xỉ của châu Âu. Dù họ có thể áp dụng một số chiến lược để giảm bớt tác động, nhưng “mức thuế càng tăng cao, vấn đề càng nghiêm trọng”.
Ngoài ra, sự bất ổn thương mại có thể khiến chuỗi cung ứng của EU bị gián đoạn, gia tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu.
Một nguy cơ khác là hàng hóa từ Trung Quốc, Mexico và các nước ngoài EU có thể tràn vào thị trường châu Âu nhằm tránh thuế quan của Mỹ, tạo áp lực cạnh tranh khốc liệt lên các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp.
Ngành thép châu Âu cũng đang cảnh giác cao độ trước nguy cơ lặp lại tình trạng dư thừa công suất toàn cầu - từng xảy ra vào năm 2018 khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu. Các nhà sản xuất thép lớn như ArcelorMittal đã kêu gọi EU triển khai các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ ngành thép khu vực trước làn sóng cạnh tranh không công bằng.
Tương tự, các hãng thép như Voestalpine (Áo) và Aperam (Pháp) cũng thúc giục EU đàm phán ngay với Mỹ và chuẩn bị các biện pháp phòng vệ nếu thuế quan của Washington đẩy thép và nhôm dư thừa tràn vào châu Âu.
Ủy viên Kinh tế châu Âu, Valdis Dombrovskis, cũng lên tiếng cảnh báo thuế quan bổ sung của Mỹ không chỉ gây tổn thất cho doanh nghiệp EU mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và đẩy lạm phát leo thang.
Việc Mỹ áp thuế cao hơn cũng gây thêm thách thức cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), tổ chức đã liên tục cắt giảm lãi suất từ mùa Hè năm ngoái nhằm hỗ trợ nền kinh tế khu vực vốn đang suy yếu. Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde, tháng trước cảnh báo kế hoạch thuế quan của ông Trump “sẽ gây tác động tiêu cực trên phạm vi toàn cầu”.
Tương lai nào cho EU?
Trước áp lực từ Washington, EU đang thể hiện lập trường cứng rắn và đoàn kết. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố EU sẵn sàng đàm phán để tìm giải pháp, nhưng sẽ không ngần ngại đáp trả nếu bị áp thuế bất công.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả tương xứng với các chính sách thuế quan phi lý từ ông Trump. Ảnh: Reuters.
Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại của Nghị viện châu Âu, nhấn mạnh EU có thể thảo luận về thuế quan nhưng sẽ không đánh đổi quyền lập pháp, đặc biệt trong các lĩnh vực như thuế và nền tảng kỹ thuật số.
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Ba Lan, Adam Szłapka, cũng khẳng định thương mại quốc tế công bằng là yếu tố then chốt thúc đẩy năng suất, đổi mới và việc làm.
Một số quốc gia như Pháp và Đức đề xuất chiến lược kết hợp đối thoại và phòng vệ thương mại. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi EU tự bảo vệ lợi ích kinh tế của mình, trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định khối này đủ khả năng đối phó với bất kỳ chính sách thuế quan nào từ Mỹ.
Trong bối cảnh đó, trưởng đoàn đàm phán thương mại EU, Maros Sefcovic, sẽ gặp các quan chức Mỹ vào ngày 19/2, bao gồm Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick, ứng viên Đại diện Thương mại Jamieson Greer và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kevin Hassett, để thảo luận về mức thuế mà ông Trump đe dọa áp dụng, Reuters cho biết.
Nhằm giảm thiểu tác động từ căng thẳng thương mại, EU đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường và củng cố sức mạnh nội khối. Liên minh này đề xuất tăng cường hợp tác song phương với Mỹ, trong đó có việc nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen thậm chí gợi ý EU có thể thay thế khí đốt Nga bằng LNG từ Mỹ, một động thái có thể mang lại hàng tỷ USD cho Washington.
EU cũng đang tích cực mở rộng các thỏa thuận thương mại với châu Á và các thị trường đang phát triển để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Hạn chót để EU đưa ra đề xuất với Washington là ngày 1/4, trước khi Bộ Thương mại Mỹ hoàn tất điều tra và đưa ra quyết định về chính sách thuế mới.
Nếu không có sự nhượng bộ đáng kể từ cả hai bên, nguy cơ một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Mỹ và EU ngày càng trở nên hiện hữu.