Không xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 trở lên: Kỳ vọng ngăn đà giảm sinh

'Định hướng 'không xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 trở lên' là chủ trương rất cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh mức sinh Việt Nam đang có xu hướng giảm sâu, nhất là ở vùng thành thị', chuyên gia Nguyễn Đình Cử nói với VietNamNet.

Văn phòng Trung ương Đảng vừa có văn bản thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về việc sơ kết thực hiện Nghị quyết 21/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 12) về công tác dân số trong tình hình mới và sửa đổi các quy định của Đảng, Nhà nước liên quan đến chính sách dân số.

Trong văn bản thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu, sửa đổi quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến việc xử lý vi phạm chính sách dân số và chủ động sửa đổi Hướng dẫn số 05/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo hướng không xử lý kỷ luật trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, đồng bộ với việc sửa đổi các quy định của pháp luật (không hồi tố những trường hợp đã bị xử lý kỷ luật).

Bộ Chính trị giao Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Dân số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng trong năm 2025. Trước mắt, Bộ Chính trị yêu cầu khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật có quy định về số con, hoàn thành trong quý 1/2025.

Chủ trương cấp thiết

"Đây là chủ trương rất cấp thiết, cấp bách và rất đúng", Giáo sư Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội), nói với VietNamNet ngày 20/2. Giáo sư Cử nhấn mạnh điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh mức sinh chung trên cả nước đang có xu hướng giảm sâu, đặc biệt ở vùng thành thị.

Từ trước tới nay, quy định "kỷ luật trường hợp sinh con thứ 3 trở lên" không áp dụng với người dân. Cả nước hiện có hơn 5,6 triệu đảng viên, theo Giáo sư Cử, định hướng quy định "không xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 trở lên" không chỉ tác động đến nhóm người này mà phạm vi ảnh hưởng có tính tổng thể.

Vị chuyên gia đánh giá nếu được thực thi, quy định trên mang tính đột phá trong chính sách, sẽ góp phần cải thiện, ngăn đà giảm sinh hiện nay, "mở đường" cho việc sửa đổi các quy định khác, cụ thể là sửa đổi Pháp lệnh Dân số năm 2008, xây dựng Luật Dân số, tạo nên quy định đồng bộ trong hệ thống chính trị.

"Sốt ruột khi mức sinh giảm ngày càng thấp"

"Quan sát thấy mức sinh của người Việt ngày càng xuống thấp, tôi rất sốt ruột", Giáo sư Cử chia sẻ.

Theo kết quả Điều tra giữa kỳ dân số và nhà ở do Tổng cục Thống kê mới công bố, mức sinh của người Việt năm 2024 là 1,91 con/phụ nữ, mức thấp nhất được ghi nhận trong lịch sử. Đây là năm thứ 2 mức sinh tiếp tục giảm dưới 2 con.

Tổng cục Thống kê đánh giá, năm 2024, tổng tỷ suất sinh của Việt Nam thấp hơn so với trung bình của các nước Đông Nam Á (2 con/phụ nữ). Mức sinh của Việt Nam chỉ cao hơn 4 nước trong khu vực là Brunei (1,8 con/phụ nữ), Malaysia (1,6 con), Thái Lan và Singapore (1 con/phụ nữ).

Theo kết quả điều tra năm 2024, mức sinh của khu vực thành thị là 1,67 con/phụ nữ, thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,08 con). Ở nông thôn, từ năm 2022 trở về trước, mức sinh luôn cao hơn mức sinh thay thế nhưng từ 2 năm trở lại đây mức sinh bắt đầu giảm mạnh và đã thấp hơn một chút so với mức sinh thay thế.

Số địa phương có mức sinh dưới mức sinh thay thế đang có xu hướng tăng. Cụ thể, năm 2019 có 22 tỉnh, năm 2023 có 27 tỉnh và năm 2024 là 32 tỉnh. TPHCM và đa số các tỉnh thuộc Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế (từ 1,39-1,74 con/phụ nữ).

Thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay Cục Dân số đã hoàn thiện hồ sơ đề xuất xây dựng Luật Dân số để báo cáo Chính phủ; đang tập trung hoàn thiện thể chế, cụ thể là hoàn thành dự thảo luật này để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 (năm 2025) nhằm đưa Nghị quyết số 21-NQ/TW đi vào thực tiễn cuộc sống.

Dự Luật Dân số do Bộ Y tế soạn thảo được xây dựng theo định hướng không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định và nghĩa vụ cho mỗi cá nhân, cặp vợ chồng. Đây được đánh giá là thay đổi căn bản trong Dự Luật Dân số so với Pháp lệnh Dân số.

Với kịch bản mức sinh thấp, 24 năm nữa tỷ lệ tăng dân số tại Việt Nam ở mức âm

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số, Bộ Y tế nhìn nhận thực tế tại một số vùng đô thị, kinh tế, xã hội phát triển, xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện. Mức sinh đã xuống thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế, tập trung ở vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Duyên hải miền Trung. Cơ quan này nhiều lần dự báo mức sinh sẽ tiếp tục giảm trong các năm tới.

Giáo sư Cử cho hay, mức sinh giảm thấp kéo dài gây ra nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội... như bài học của nhiều quốc gia, ngoài ra còn gây lãng phí tài nguyên.

"Già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh. Tôi vừa có chuyến đi công tác ở Thái Bình, tại một xã ở huyện Thái Thụy có tới 20% là người già", Giáo sư Cử chia sẻ.

Trong dự báo dân số Việt Nam tới năm 2069, ở kịch bản mức sinh thấp, Việt Nam sẽ đối diện với nguy cơ tỷ lệ tăng dân số bình quân ở mức âm (-0,04%) vào năm 2059. Trong khi đó, nếu ở phương án mức sinh trung bình, 10 năm sau đó (2069), con số này mới đạt mức 0.

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khong-xu-ly-ky-luat-dang-vien-sinh-con-thu-3-tro-len-ky-vong-ngan-da-giam-sinh-2372953.html
Zalo