Công bằng và phù hợp

Theo Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 18-2-2025, các mặt hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ sẽ không còn được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT). Đây là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo tính công bằng trong hệ thống thuế, phù hợp với xu hướng quốc tế và góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.

Trước khi Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg được ban hành, các mặt hàng nhập khẩu có giá trị thấp gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế VAT theo Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg. Mặc dù quyết định này đã giúp thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng trong sản xuất, kinh doanh và lựa chọn hàng hóa nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó, hạn chế lớn nhất là tạo sự không công bằng trong cạnh tranh giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu, bởi hàng hóa sản xuất trong nước vẫn phải chịu thuế VAT đầy đủ, còn các sản phẩm nhập khẩu giá trị nhỏ từ nước ngoài về lại được miễn thuế, tạo lợi thế cho hàng hóa nước ngoài.

Cũng chính sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT cùng chính sách ưu đãi về thuế đối với những mặt hàng giá trị nhỏ nhập khẩu đã khiến lượng hàng hóa đổ vào nước ta gia tăng đột biến trong những năm gần đây. Thậm chí, không ít doanh nghiệp còn tận dụng chính sách miễn thuế này để chia nhỏ lô hàng, lách luật nhằm tránh bị đánh thuế VAT. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2023, tổng trị giá nhập khẩu của hàng hóa giá trị nhỏ qua dịch vụ chuyển phát nhanh lên tới 27,7 ngàn tỷ đồng, nếu tất cả mặt hàng này phải chịu thuế VAT 10%, ngân sách nhà nước sẽ thu thêm khoảng 2,7 ngàn tỷ đồng - đây là con số không hề nhỏ.

Việc bãi bỏ chính sách miễn thuế VAT đối với hàng hóa giá trị nhỏ không chỉ làm tăng nguồn thu ngân sách mà còn phù hợp với định hướng của Chính phủ về cải cách thuế và là bước đi quan trọng để hoàn thiện hệ thống thuế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Mặc dù việc triển khai trước mắt có thể gặp không ít khó khăn nhưng chính sách này sẽ góp phần tạo ra sự công bằng trong thương mại, tăng thu ngân sách và phù hợp với xu hướng quốc tế.

Năm 2024, lần đầu tiên trong lịch sử, nguồn thu thuế từ hoạt động TMĐT vượt mốc 100.000 tỷ đồng. Đến nay, Tổng cục Thuế đã ghi nhận 116 nhà cung cấp nước ngoài, như Google, Meta, Netflix, TikTok… đăng ký, khai và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhóm này. Báo cáo của Google, Temasek và Bain&Company cũng cho thấy, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 39 tỷ USD vào năm 2025, chiếm xấp xỉ 70% giá trị nền kinh tế số và Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, cơ quan thuế vẫn thất thu do số tiền nộp thuế từ những “ông lớn” như Google, Amazon... chưa tương xứng doanh thu và còn bỏ sót rất nhiều trường hợp mua hàng qua mạng xã hội. Từ đó khẳng định, việc triển khai thực hiện Quyết định số 01 vào thời điểm này là vô cùng cần thiết.

Quyết định số 01 còn cho thấy, việc thu thuế VAT đối với hàng nhập khẩu giá trị thấp không chỉ chống thất thu thuế mà còn góp phần bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi hàng hóa nhập khẩu không còn lợi thế về giá do miễn thuế, các sản phẩm nội địa sẽ có cơ hội cạnh tranh bình đẳng và công bằng hơn, đồng thời là giải pháp quan trọng trong việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đây cũng là bước đi cần thiết để hoàn thiện hệ thống thuế, tạo môi trường kinh doanh công bằng và phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.

Lâm Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/169358/cong-bang-va-phu-hop
Zalo