Xã Đoài Phương: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Đoài Phương được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Kim Sơn, Sơn Đông (thuộc thị xã Sơn Tây); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của xã Cổ Đông (thuộc thị xã Sơn Tây).

Lý do lấy tên xã là Đoài Phương là bởi tên gọi Đoài Phương mang ý nghĩa văn hóa của địa phương. Đoài là sự khẳng định dấu ấn đậm nét của một vùng văn hóa xứ Đoài mà Sơn Tây là trung tâm, hạt nhân. Đoài còn có ý nghĩa là hồ, đầm, đây là yếu tố đặc thù của 3 địa phương có hồ Đồng Mô và nhiều ao, hồ. Như vậy, tên gọi Đoài Phương mang ý nghĩa sâu sắc gợi nhớ bản sắc văn hóa và thể hiện khát vọng về sự phát triển, giàu có, may mắn, thịnh vượng; phù hợp với lịch sử phát triển của Sơn Tây.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Đoài Phương

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Đoài Phương

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Đoài Phương

Xã Đoài Phương giáp phường Tùng Thiện và các xã: Thạch Thất, Hạ Bằng, Yên Bài, Hòa Lạc, Phúc Thọ của thành phố Hà Nội. Xã có diện tích tự nhiên 57,10 km²; quy mô dân số là 39.828 người.

Xã Kim Sơn (Thị xã Sơn Tây): Diện tích: 15,49 km²; Quy mô dân số: 8.054 người
Xã Sơn Đông (Thị xã Sơn Tây): Diện tích: 20,23 km²; Quy mô dân số: 16.451 người
Xã Cổ Đông (Thị xã Sơn Tây): Diện tích: 21,38 km²; Quy mô dân số: 15.323 người

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Đoài Phương

Xã Đoài Phương có hệ thống giao thông thuận tiện kết nối đến các trục chính của khu vực Sơn Tây và các vùng lân cận như Ba Vì, Phúc Thọ. Vị trí này tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, phát triển dịch vụ và thúc đẩy các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp nhẹ và thương mại. Đồng thời, xã Đoài Phương cũng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy liên kết vùng, góp phần thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới.

Đặc điểm kinh tế xã Đoài Phương

Xã Đoài Phương phát triển kinh tế đa dạng, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, có tiềm năng phát triển trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Với vị trí gần hồ Đồng Mô và Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, xã Đoài Phương có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Hồ Đồng Mô cùng với các ao hồ tự nhiên tạo nên cảnh quan thiên nhiên phong phú, thu hút du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng. Việc phát triển du lịch không chỉ giúp tăng trưởng kinh tế địa phương mà còn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất xứ Đoài.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Với diện tích tự nhiên rộng lớn, xã Đoài Phương có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Đồng thời, việc phát triển nông nghiệp sạch và hữu cơ cũng nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của địa phương.

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Đoài Phương

Xã Đoài Phương nằm trong không gian văn hóa xứ Đoài, một trong bốn vùng văn hóa lớn ven kinh đô Thăng Long. Xã Đoài Phương tổ chức các lễ hội đình làng mang tính cộng đồng cao, với các nghi lễ mang sắc thái tín ngưỡng dân gian độc đáo như lễ hội cầu mùa, lễ hội đền thờ các vị Thành hoàng làng.

Trên địa bàn xã có các đình, chùa, miếu nhỏ đặc trưng cho từng làng, phản ánh sự đa dạng trong tín ngưỡng dân gian. Các di sản văn hóa phi vật thể như ca trù, hát quan họ, hát chầu văn được duy trì nhưng mang những biến thể địa phương riêng, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa xã. Đặc biệt, xã Đoài Phương có đình Sơn Trung, đình Sơn Đông, đền Măng Sơn tại Cổ Đông được công nhận là di tích Quốc gia .

Xã Đoài Phương có bản sắc làng nghề truyền thống riêng biệt. Trong đó Kim Sơn nổi tiếng với nghề thủ công mỹ nghệ làm các sản phẩm từ tre, nứa,… Các làng nghề tại đây được bảo tồn và phát triển với quy mô vừa và nhỏ, góp phần tạo nên nét văn hóa đặc trưng của xã; Sơn Đông giữ gìn các nghề truyền thống liên quan đến nông nghiệp như làm rượu truyền thống, tổ chức các lễ hội gắn với mùa vụ; Cổ Đông với các di tích văn hóa và lịch sử, có sinh hoạt tín ngưỡng dân gian phong phú như các lễ hội đình làng, cầu mùa riêng biệt, không hoàn toàn trùng khớp với các lễ hội lớn của vùng xứ Đoài.

Mặc dù xã Đoài Phương đang phát triển theo hướng hiện đại hóa, nhưng các giá trị văn hóa truyền thống vẫn được bảo tồn và phát huy. Các hoạt động văn hóa, lễ hội và các làng nghề truyền thống vẫn được duy trì, góp phần tạo nên bản sắc riêng biệt cho địa phương.

Về y tế, Đoài Phương đang có những bước chuyển mình rõ rệt. Các trạm y tế địa phương được nâng cấp về cơ sở vật chất và trang thiết bị, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho người dân. Bên cạnh đó, địa phương cũng tăng cường kết nối chuyên môn với trung tâm y tế Sơn Tây, từng bước mở rộng dịch vụ, nâng cao năng lực y tế cơ sở, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao cho người dân.

Về giáo dục, Đoài Phương sở hữu hệ thống giáo dục tương đối hoàn chỉnh với đầy đủ các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông. Nhiều trường học trên địa bàn như Trường Tiểu học Kim Sơn, Tiểu học - THCS Sơn Đông đã được đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện dạy và học chất lượng. Địa bàn xã có cơ sở đào tạo trọng điểm là Học viện Phòng không - Không quân góp phần hình thành môi trường giáo dục tính kỷ cương, nền nếp, đóng vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng trí thức và lực lượng cán bộ cho cả nước.

Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Đoài Phương: Thôn Phúc Lộc, xã Đoài Phương
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đoài Phương: đồng chí Nguyễn Quang Hán
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đoài Phương: đồng chí Nguyễn Thế Hùng
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đoài Phương: đồng chí Phùng Thị Thanh.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Đài Hà Nội

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/xa-doai-phuong-nhung-thong-tin-chi-tiet-sau-sap-xep-344056.htm
Zalo