Hợp nhất để cùng cất cánh
Việc chung một 'mái nhà' không có nghĩa là phải huy động toàn bộ nghệ sĩ thuộc các loại hình nghệ thuật, cùng dàn dựng chung một tác phẩm...

Minh họa/INT.
Tin các nhà hát cải lương, chèo, tuồng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hợp nhất thành Nhà hát Sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam trong tháng 7 này đem lại không ít băn khoăn, e ngại.
Có người cho rằng, sự hợp nhất này khiên cưỡng đến… vô lý và đặt ra nhiều câu hỏi hồ nghi: “Ba loại hình nghệ thuật đó không có sự tương đồng thì sao có thể cùng xây dựng những tác phẩm?”; “Sắp có ca mới hay chăng?”; “Trong một vở diễn nếu kết hợp cả 3 loại hình nghệ thuật này thì thế nào nhỉ?”; “Sáp nhập như vậy sẽ thành một mớ hỗn độn?”…
Những thắc mắc có phần gay gắt ấy không phải không có cơ sở. Cách đây mấy năm, nhiều đơn vị kịch nói, cải lương, chèo, ca múa nhạc… ở các địa phương thực hiện sáp nhập vào trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh/thành phố. Khi đó, không ít vở diễn được hoàn thành từ sự “hợp lực” của nghệ sĩ các đoàn, nghĩa là trong tác phẩm cải lương cũng có sự tham gia của diễn viên chèo, kịch nói và ngược lại.
Mỗi loại hình nghệ thuật có đặc thù riêng nên cách hát, diễn, dáng điệu, đài từ… của nghệ sĩ cũng khác nhau. Thế nên, sự “hợp lực” đầy gượng ép ấy không khỏi khiến cho vở diễn bị thiếu ăn khớp, chuẩn chỉnh.
Nhưng, đó là câu chuyện thuộc về cách quản lý của các trung tâm văn hóa nghệ thuật khi thực hiện việc sáp nhập còn mang tính cơ học, cào bằng về công việc giữa các đoàn nghệ thuật, chưa sát sao trao đổi với nghệ sĩ để cùng tìm giải pháp phát huy thế mạnh và tạo ra sự độc lập của mỗi loại hình nghệ thuật. Trong khi, việc chung một “mái nhà” không có nghĩa là phải huy động toàn bộ nghệ sĩ thuộc các loại hình nghệ thuật cùng dàn dựng chung một tác phẩm để hoàn thành chỉ tiêu.
Tuy nhiên, đó chỉ là tồn tại trong giai đoạn đầu để dần điều chỉnh cho việc sáp nhập đi vào đúng nhu cầu thực tế, các đoàn nghệ thuật hoạt động hiệu quả hơn. Và cũng từ những bài học đó để giờ đây các nhà hát nghệ thuật truyền thống Trung ương tiến hành hợp nhất với mục tiêu cơ cấu lại cách vận hành, tập trung tinh lực cho văn hóa truyền thống.
Đây cũng là niềm mong mỏi trong nhiều năm qua của các nhà hát, làm thế nào “ngọc quý” của cha ông được gìn giữ, phát huy mạnh mẽ, rộng và sâu hơn nữa trong vận hội mới của đất nước.
Và trong một nhà hát có nhiều loại hình nghệ thuật cùng hoạt động không phải là chuyện mới. Chẳng phải là từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước ở Hà Nội đã có Đoàn Lạc Việt sau là Đoàn Kim Lan gồm cả chèo, tuồng và luôn cùng sáng đèn hằng ngày. Mong rằng, giờ đây, việc hợp nhất quan trọng này sẽ tiếp tục thúc đẩy chèo - tuồng - cải lương, ba “viên ngọc” của nghệ thuật truyền thống dân tộc cùng cất cánh, tỏa sáng.