Chàng trai khuyết tật vượt lên số phận

Triệu Hồng Hồ Em (sinh năm 1989, ngụ xã Long Điền) là một minh chứng cho nhận định: 'Khiếm khuyết cơ thể không phải là rào cản, mà là cơ hội để khám phá sức mạnh tiềm ẩn bên trong mỗi con người'. Với đôi tay tài hoa và ý chí kiên cường, chàng trai 35 tuổi này đã biến những thanh tre, trúc mộc mạc thành nguồn sống, tự mình nuôi mẹ già, thắp lên hy vọng giữa cuộc đời đầy thử thách.

Quyết tâm tìm lối đi riêng

Năm 12 tuổi, cơn sốt bại liệt quái ác đã cướp đi sức khỏe, làm teo dần đôi chân và tay của Hồ Em. Bà Võ Thị Ảnh (sinh năm 1952, mẹ của Hồ Em) cho biết, đến nay vẫn không khỏi ám ảnh khi nhớ về những ngày tháng định mệnh ấy: “Năm đó, cơn sốt cao không chữa trị kịp thời đã khiến đôi chân con tôi teo lại và yếu dần. Không chỉ có đôi chân, đôi tay cũng bị teo nhỏ, cổ con tôi từ đó cũng không xoay trở được thoải mái như người thường. Hầu như ngày nào con tôi cũng bị đau cổ, đi lại thì chậm chạp, phải nhờ sự trợ giúp của đôi tay. Kể từ ngày đó, con tôi cũng gác lại tập sách, dù trước đó học khá giỏi. Thấy con từ người hoạt bát khỏe mạnh, bất ngờ lâm bệnh nặng, bỏ lại bao mơ ước dang dở!”. Nỗi đau thể xác cùng với việc phải gác lại ước mơ học hành là một cú sốc lớn đối với Hồ Em. Thế nhưng, chàng trai trẻ không cho phép mình gục ngã. Với sự động viên không ngừng của mẹ, anh dần lấy lại tinh thần, quyết tâm tự tìm lối đi riêng cho cuộc đời mình, không để khiếm khuyết cản bước.

Triệu Hồng Hồ Em tự hào vì bản thân có thể tự lao động nuôi sống bản thân và mẹ già

Triệu Hồng Hồ Em tự hào vì bản thân có thể tự lao động nuôi sống bản thân và mẹ già

Năm 2010, trong hành trình tìm kiếm lẽ sống, Hồ Em bắt đầu mày mò với nghề chế tác đồ thủ công mỹ nghệ từ tre. Anh kể: “Càng làm càng đam mê và phát hiện mình có thể tìm thấy niềm vui từ đó, nên tôi dốc sức học hỏi, tự mình nghiên cứu cách làm hàng ngày. Thấy đồ thủ công từ tre của tôi đẹp mắt, bạn bè liền ngỏ ý mua và giới thiệu khách hàng giúp tôi bán kiếm thêm thu nhập. Bản thân tôi cũng không ngờ những món đồ thủ công của mình được nhiều người yêu thích đến vậy. Từ đó, tôi gắn bó với nghề đến bây giờ”.

Chế tác tre - nguồn sống và niềm đam mê

Những sản phẩm của Hồ Em vô cùng đa dạng, từ những chiếc xe đẩy thô sơ, chậu hoa kỳ công, những tòa nhà mô hình to lớn, hay các con vật ngộ nghĩnh. Anh có thể tạo ra bất cứ sản phẩm nào theo yêu cầu của khách hàng, chỉ cần có đủ thời gian nghiên cứu và chế tác. Giá trị sản phẩm cũng rất linh hoạt, từ 30.000 đồng cho những món nhỏ đến hơn 4 triệu đồng cho những sản phẩm lớn như ngôi biệt thự giao khách nước ngoài. Để nâng cao năng suất và đáp ứng nhu cầu thị trường, Hồ Em còn tự chế tạo máy cắt vật liệu tre và gần đây đã đầu tư máy cắt cỡ lớn hơn với giá hơn 5 triệu đồng, cho thấy sự nghiêm túc và tâm huyết không ngừng nghỉ với nghề.

Đằng sau mỗi sản phẩm tinh xảo của Hồ Em là bóng dáng tảo tần của người mẹ. Ngôi nhà nhỏ của 2 mẹ con lúc nào cũng chất đầy những thanh tre đã qua xử lý. Hồ Em bày tỏ: “Mẹ là người đã tìm mua và chọn từng cây tre tốt nhất để đốn mang về cho tôi thỏa chí theo nghề đã chọn. Tre để làm vật dụng thủ công phải là tre già, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Không những vậy, mẹ còn giúp tôi gọt, chuốt chẻ từng thanh tre và mang phơi nắng. Nhìn mẹ quá nửa đời người vẫn ngược xuôi vất vả vì tôi, tôi chỉ biết dặn mình không được buông bỏ, phải nỗ lực tốt hơn hôm qua để báo đáp mẹ!”. Tình yêu thương và sự hy sinh cao cả của bà Ảnh chính là nguồn động lực to lớn, tiếp thêm sức mạnh giúp Hồ Em vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống và công việc.

Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, lượng khách đặt hàng của Hồ Em cũng có phần giảm sút, nhưng những đơn hàng lai rai vẫn đủ để đảm bảo cuộc sống hàng ngày cho 2 mẹ con. Chia sẻ về thu nhập, Hồ Em cho biết: “Trước đây, mỗi tháng tôi bán sản phẩm và thu về hơn 5 triệu đồng, giờ thì chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng”.

Dù có nhiều lời mời làm việc tại các công ty chuyên cung cấp sản phẩm thủ công cho điểm du lịch, Hồ Em đều từ chối. Lý do không chỉ vì sức khỏe không cho phép di chuyển xa, mà còn vì anh không muốn để người mẹ đã cao tuổi phải một mình ở nhà. Quyết định này càng thể hiện tình hiếu thảo và trách nhiệm sâu sắc của anh đối với đấng sinh thành. Đáng quý hơn, khi nhiều người quen ở xóm tìm đến Hồ Em xin học nghề, anh đều sẵn lòng nhận lời và dạy miễn phí. Tuy nhiên, không ít người đã bỏ cuộc giữa chừng vì cho rằng quá khó. Hồ Em chia sẻ: “Làm thủ công mỹ nghệ từ tre, quan trọng là phải có niềm đam mê và sự sáng tạo”.

Triệu Hồng Hồ Em được Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên trong học tập, lao động giai đoạn 2016 - 2020; bằng khen UBND tỉnh An Giang vì có thành tích về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016 - 2021.

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chang-trai-khuyet-tat-vuot-len-so-phan-a423603.html
Zalo