Hợp tác điện ảnh: Bài học từ Hàn Quốc, cơ hội cho Việt Nam
Các chuyên gia Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm cho Việt Nam, mở ra hướng hợp tác sản xuất và phát triển ngành công nghiệp điện ảnh trong kỷ nguyên mới.

Các diễn giả tại hội thảo chuyên đề “Điện ảnh Hàn Quốc - Bài học thành công quốc tế và kinh nghiệm phát triển công nghiệp điện ảnh”. (Ảnh Diệu Linh)
Nhìn từ bài học thành công của Hàn Quốc
Mới đây, trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ III (DANAFF III), hội thảo chuyên đề “Điện ảnh Hàn Quốc - Bài học thành công quốc tế và kinh nghiệm phát triển công nghiệp điện ảnh” diễn ra với sự góp mặt của các nhà hoạch định chính sách, đạo diễn, nhà sản xuất, chuyên gia và học giả đến từ Hàn Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia khác.
Sự kiện phản ánh mối quan tâm ngày càng sâu sắc của Việt Nam đối với một trong những nền điện ảnh tiên phong châu Á, đồng thời thể hiện quyết tâm định hình một chiến lược phát triển bền vững cho ngành công nghiệp điện ảnh quốc gia.

TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, Giám đốc DANAFF. (Ảnh: Diệu Linh)
Phát biểu dẫn đề, TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, Giám đốc DANAFF cho rằng, đây là hội thảo thiết thực ở thời điểm này, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng công nghiệp điện ảnh vốn vẫn được đánh giá là mũi nhọn. Trong đó điện ảnh Hàn Quốc là tấm gương sáng cho điện ảnh Việt Nam và trong khu vực để nghiên cứu, học tập và phấn đấu dài lâu.
TS. Ngô Phương Lan chia sẻ: “Khi chọn chùm phim trong Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc, chúng tôi có rất nhiều suy nghĩ vì khi xem lại những phim thuộc những năm 1960 và phim kinh điển Việt Nam cùng thời thì có sự tuơng đồng đáng ngạc nhiên. Nhưng trào lưu hallyu đã tạo nên sự bùng nổ của điện ảnh Hàn Quốc.
Không phải nền điện ảnh nào cũng thành công cả mặt nghệ thuật và cả thị trường, có vị trí quan trọng trong nền công nghiệp điện ảnh toàn cầu. Những sự phát triển đó theo tôi phải vài hay vài chục năm mà có được, mà tích lũy từ chính sách, nỗ lực của người làm phim, các địa phương, tầm nhìn nhà quản lý, làm sao để đưa họ ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, bà cũng khẳng định, việc DANAFF chọn và vinh danh nhiều nhà làm phim xuất sắc của châu Á như một sự đón nhận, học hỏi từ các nền điện ảnh thành công của khu vực. Bà cũng bày tỏ vui mừng khi Liên hoan phim đã có vinh dự trao giải Thành tựu trọn đời cho Im Kwon Taek - nhà làm phim huyền thoại của điện ảnh Hàn Quốc.
Cũng tại hội thảo, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam cho biết: “Trong nhiều thập kỷ qua, điện ảnh Hàn Quốc đã trở thành một ngành công nghiệp văn hóa quan trọng trên trường quốc tế, không chỉ nhờ nghệ thuật kể chuyện đặc sắc, mà còn bởi sức hút đại chúng mạnh mẽ”.

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam. (Ảnh: Diệu Linh)
Theo Đại sứ Hàn Quốc, thành công này đến từ sự phối hợp đồng bộ giữa niềm đam mê sáng tạo, tinh thần hợp tác quốc tế và hệ thống chính sách hỗ trợ bài bản từ các thiết chế như Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), các liên hoan phim và mạng lưới sản xuất chuyên nghiệp.
Phó Chủ tịch KOFIC Yang Yun Ho cũng khẳng định: “Chúng tôi không chỉ dừng lại ở giao lưu, mà đang hướng đến một tương lai đồng sáng tạo và đồng sản xuất giữa Việt Nam - Hàn Quốc”. Những tác phẩm như Ký sinh trùng (Parasite), Khát vọng đổi đời (Minari), hay Trò chơi con mực (Squid Game) đã chứng minh rằng các câu chuyện rất Hàn Quốc vẫn có thể chạm đến cảm xúc phổ quát của nhân loại.
Chiến lược bài bản, tầm nhìn dài hạn
Một điểm nhấn quan trọng của hội thảo là các chia sẻ từ đại diện KOFIC - cơ quan đóng vai trò trung tâm trong chiến lược phát triển điện ảnh Hàn Quốc. Theo bà Park Hee Seong, từ năm 1999, KOFIC đã được tái cấu trúc để trở thành một thiết chế hỗ trợ toàn diện nhưng không can thiệp vào sáng tạo. “Chúng tôi đầu tư vào con người, hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các dự án, quản lý doanh thu để tái đầu tư và điều hành các học viện đào tạo”, bà nói.
Cách làm này được đạo diễn Phan Đăng Di đánh giá là “một mô hình hỗ trợ nghệ thuật rất đáng để Việt Nam tham khảo” - hỗ trợ nhưng không kiểm soát. Tư duy ấy cho phép điện ảnh Hàn vươn ra quốc tế mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc và sự tự do nghệ thuật.

Từ trái sang: Đạo diễn Im Kwon-taek, người sáng lập Liên hoan phim quốc tế Busan Kim Dong Ho, nhà sản xuất tại Đại học Dankook, Chủ tịch Hiệp hội các nhà làm phim nữ Hàn Quốc Kim Seonah. (Ảnh: Diệu Linh)
Người sáng lập Liên hoan phim quốc tế Busan Liên hoan phim quốc tế Busan Kim Dong Ho bổ sung: “Để tạo bước đột phá, Hàn Quốc đã bắt đầu bằng việc nuôi dưỡng một thế hệ đạo diễn trẻ đầy khát vọng như Park Kwang Su, Kim Ki-duk, Lee Chang-dong… Chính phủ hiểu rằng điện ảnh không chỉ là nghệ thuật, mà còn là một ngành kinh tế chiến lược, và đã đầu tư nghiêm túc để phát triển nó”.
Bên cạnh các nội dung chính sách, hội thảo còn là diễn đàn học thuật sâu sắc với các tham luận từ giới nghiên cứu của Việt Nam, Hàn Quốc và Mỹ. Những chủ đề về bản sắc dân tộc trong phim Im Kwon Taek, hình ảnh người phụ nữ trong phim hậu chiến, ảnh hưởng của Nho giáo, hay phong cách cách tân trong điện ảnh độc lập đã mở ra góc nhìn đa chiều về chiều sâu nghệ thuật của điện ảnh Hàn.
Nhà sản xuất phim và Chủ tịch Hiệp hội các nhà làm phim nữ Hàn Quốc Kim Seonah chia sẻ hành trình thiết lập tổ chức Women in Film Korea nhằm bảo vệ quyền lợi, tạo cơ hội công bằng cho các nhà làm phim nữ. “Không quan trọng bạn là nam hay nữ, mà là bạn có năng lực hay không. Và nếu có, bạn xứng đáng được hỗ trợ”, bà nói.

Giám đốc Viện phim Hàn Quốc Kim Hong Joon (phải) cho rằng, để thành công, phải có chiến lược dài hạn, một thế hệ làm phim mới đầy đam mê và một hệ sinh thái hỗ trợ hiệu quả. (Ảnh: Diệu Linh)
Giám đốc Viện phim Hàn Quốc (KOFA) Kim Hong Joon cho biết, Viện đang tích cực số hóa, dịch thuật và phổ biến các tác phẩm kinh điển của Hàn Quốc ra thế giới thông qua nền tảng trực tuyến, bảo tàng, trường học và các liên hoan phim quốc tế.
Ông nhận định: “Nếu Việt Nam bắt đầu từ những bước căn bản này, điện ảnh Việt sẽ sớm có tiếng nói riêng”.
Cơ hội vàng cho điện ảnh Việt Nam
Với tư cách chủ nhà tổ chức, TS. Ngô Phương Lan cho biết, DANAFF không chỉ là một sân chơi nghệ thuật mà còn là nơi khơi mở những mô hình hợp tác, phát triển ngành điện ảnh một cách bài bản. “Chúng tôi mong DANAFF sẽ trở thành bệ phóng để điện ảnh Việt đi ra thế giới - và thế giới đến với điện ảnh Việt”, bà phát biểu.

Các diễn giả phân tích sự thành công của điện ảnh Hàn Quốc. (Ảnh: Diệu Linh)
Từ góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Công ty BHD Ngô Thị Bích Hạnh chia sẻ: “Chính sách lớn đã có, điều cần bây giờ là cụ thể hóa nó bằng những quy chế thực tiễn. Hàn Quốc có hệ thống chính sách xuyên suốt và sự đồng hành mạnh mẽ từ cả khu vực công lẫn tư. Đó là điều Việt Nam nên hướng đến nếu muốn có một nền điện ảnh phát triển bền vững”.
Theo bà Hạnh, một dự án hợp tác Việt - Hàn giữa BHD và đối tác Hàn Quốc sẽ được công bố tại Liên hoan phim Busan vào tháng 10 tới. “Điện ảnh là cầu nối văn hóa sống động, là nơi những câu chuyện bản địa có thể chạm đến trái tim toàn cầu”, bà nhấn mạnh.
Tuy chưa có nền công nghiệp điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, nhưng Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu tích cực như doanh thu phòng vé tăng mạnh sau dịch, thị phần phim nội địa được củng cố, nhiều đạo diễn trẻ bắt đầu gây tiếng vang.
Song, như bà Hạnh đề xuất, để giữ được đà tăng trưởng này cần sự đồng lòng của Nhà nước, cộng đồng làm phim và công chúng. “Việt Nam cần một dàn phim, một dàn đạo diễn đủ mạnh để không trượt khỏi vòng quay của điện ảnh châu Á”.
Liên hoan phim không chỉ giúp khán giả Việt đến gần hơn với tinh thần và phong cách điện ảnh Hàn Quốc, mà còn mở ra một chương mới trong hành trình hợp tác giữa hai nền điện ảnh. Những bài học về chính sách, cách làm công nghiệp, tinh thần sáng tạo và tôn trọng cá nhân… là những gợi mở quý giá cho Việt Nam trong bối cảnh chuyển mình.

Những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Hàn Quốc. (Ảnh: Diệu Linh)
Các đại biểu từ Hàn Quốc liên tục nhấn mạnh rằng, để thành công, phải có chiến lược dài hạn, một thế hệ làm phim mới đầy đam mê và một hệ sinh thái hỗ trợ hiệu quả. Như Giám đốc KOFA Kim Hong Joon chia sẻ: “Các bạn trẻ Việt Nam rất tài năng, chỉ cần tin vào chính mình. Hàn Quốc cũng bắt đầu từ con số không, nhưng đã đi xa nhờ đam mê và tầm nhìn”.
Từ những nền tảng đang có, cộng với tinh thần hợp tác quốc tế được củng cố, điện ảnh Việt Nam hoàn toàn có thể viết nên câu chuyện thành công của chính mình - không chỉ bằng những bộ phim đơn lẻ, mà bằng cả một nền công nghiệp bền vững, bản sắc và hội nhập.