Hợp lưu di sản và bản sắc đô thị

Từ động lực, tầm cao mới của TPHCM khi hợp nhất cùng Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương, một siêu đô thị mới mở ra nhiều hướng phát triển toàn diện đời sống. Trong đó, có một dòng chảy tạo nên sức mạnh nội sinh - dòng hợp lưu các giá trị di sản văn hóa ở 3 vùng đất Đông Nam bộ, góp phần hình thành, nâng tầm bản sắc cho siêu đô thị, tự hào lan tỏa nhịp sống phát triển, đời sống văn hóa đa dạng, với các giá trị tinh thần đặc sắc của vùng đất phương Nam.

Nền tảng tăng trưởng tinh thần

Việc hợp nhất TPHCM với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương mở ra nhiều kỳ vọng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng như bảo tồn và phát huy hơn nữa các giá trị di sản xứng tầm với một siêu đô thị mới hàng đầu phía Nam.

Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM, chia sẻ, kể từ sau năm 1975, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử từng có suy nghĩ và đồng tình ý kiến đưa huyện Côn Đảo về địa phận TPHCM, để trao truyền, tiếp nối giá trị thiêng liêng của vùng đất này. Bởi TPHCM, đô thị hàng đầu phía Nam, sẽ có nhiều lợi thế trong việc phát huy giá trị lịch sử quý báu của di tích lịch sử này. Hiện tại, đặc khu Côn Đảo đã trở thành một phần của TPHCM - một siêu đô thị quy mô và năng động hàng đầu cả nước, giới chuyên gia kỳ vọng giá trị hào hùng từ vùng đất lịch sử thiêng liêng của dân tộc được phát huy tốt hơn bao giờ hết.

Bà Lê Tú Cẩm bày tỏ: “Tôi từng là tù chính trị Côn Đảo, vùng đất này thế hệ chúng tôi vẫn gọi là “bàn thờ Tổ quốc”. Từ lâu rồi, rất nhiều ý kiến mong muốn huyện Côn Đảo thuộc TPHCM, đô thị trung tâm của phía Nam, để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, lịch sử của nơi mà mỗi bước chân là một câu chuyện bi hùng. Bây giờ thì điều mong muốn này đã thành hiện thực, rất nhiều kỳ vọng để giá trị thiêng liêng ở Côn Đảo được phát huy, chạm đến mỗi người dân một cách sâu sắc hơn”.

Bên cạnh đó, việc hình thành siêu đô thị mới được các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa đánh giá sẽ góp phần nâng cao đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng các giá trị văn hóa của người dân… Cốt lõi của vấn đề này được cho là từ sự hình thành mạnh mẽ của đời sống công nghiệp, mà ở đó mức sống nâng cao, người dân bắt đầu chú trọng giá trị tinh thần.

 Buổi tổng diễn tập Lễ hội sông nước TPHCM lần 2-2024. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Buổi tổng diễn tập Lễ hội sông nước TPHCM lần 2-2024. Ảnh: HOÀNG HÙNG

“Việc hợp nhất này sẽ tạo lợi thế lớn để phát triển kinh tế, xã hội và hòa cùng dòng chảy phát triển đó của siêu đô thị mới, chắc chắn sẽ hình thành một đời sống đô thị công nghiệp phát triển. Khi mức sống được nâng cao sẽ thúc đẩy người dân quan tâm đến thưởng thức văn hóa, hình thành thói quen tìm hiểu giá trị di sản văn hóa. Nhiều nước phương Tây phát triển như Pháp, Đức... mà tôi từng đến, thiết chế bảo tàng của họ phát triển rất mạnh. Mỗi lĩnh vực trong đời sống luôn để lại một giá trị di sản nhất định, vì thế họ xây dựng đủ bảo tàng từ xe cộ, đồng hồ, máy móc công nghiệp đến văn hóa, lịch sử, nghệ thuật… để công chúng trong nước tìm hiểu và khai thác du lịch quốc tế”, bà Lê Tú Cẩm phân tích.

Có thể thấy, bài toán tăng trưởng kinh tế, đóng góp cụ thể vào GDP chung của thành phố rất dễ thấy qua thực tế lẫn số liệu thống kê, nhưng nền tảng tăng trưởng về văn hóa tinh thần vẫn còn như một giá trị tiềm ẩn. Một khi được định hướng và phát triển xứng tầm, nó sẽ là nền tảng và động lực cho guồng quay phát triển chung.

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, tâm linh

Từ đô thị TPHCM mới sau sáp nhập, tín ngưỡng dân gian được mở rộng, viết tiếp một đời sống tinh thần đa dạng sắc màu văn hóa của người dân. Điển hình như Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2013) sẽ được kết nối cùng Lễ hội Nghinh Ông đình Thắng Tam (Vũng Tàu, được Tổng cục Du lịch chọn là một trong 15 lễ hội lớn của cả nước).

Hay như lễ hội miếu Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu (dân gian thường gọi chùa Bà) thu hút hàng trăm ngàn lượt khách dịp đầu năm mới. Các điểm tham quan như nhà cổ Trần Văn Hổ, nhà cổ Trần Công Vàng, chùa Hội Khánh, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp… Những ngôi chùa, đình cổ, nhà cổ chứa đựng nhiều giá trị kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, là nơi để mọi người tìm về với giá trị truyền thống giữa cuộc sống hiện đại.

Từ dòng sông thời mở cõi

Việc hợp nhất TPHCM có thể nhìn rõ hơn từ sông Sài Gòn, một dòng chảy xuyên suốt, vắt mình qua lòng thành phố. Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Sài Gòn Water Bus, chia sẻ: “Đặc điểm nhận diện của sông Sài Gòn chính là nhiều khúc cong, uốn lượn mạnh. Nếu nhìn từ trên cao khi hợp nhất 3 tỉnh thành, dòng sông Sài Gòn chảy qua cả 3 nơi một cách mạnh mẽ, mà chúng ta có thể liên tưởng đến hình ảnh con rồng vươn mình. Siêu đô thị TPHCM gần như ôm trọn sông Sài Gòn, từ đây chúng ta có thể mở ra nhiều hướng phát triển giao thông, du lịch trên dòng sông đã khởi nguồn hình thành đô thị từ thuở cha ông mở cõi về phía Nam”.

Từ sông Sài Gòn, nhánh sông Soài Rạp, cảng Hiệp Phước, nơi xuất phát tàu cao tốc nối đặc khu Côn Đảo gần hơn với Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ lên tàu tìm đường cứu nước năm 1911. Các công ty du lịch lữ hành của TPHCM giờ đây sẽ nối dài, đưa Côn Đảo trở thành một điểm đến trong tour tuyến du lịch lâu nay cùng Bến Nhà Rồng, địa đạo Củ Chi… để làm mới, tăng chất các tour tuyến du lịch phục vụ khách trong, ngoài nước. Bước đệm này cũng là động lực thực tế để thu nhập của người dân Côn Đảo sẽ có bước cải thiện đáng kể trong thời gian tới.

Với sông Sài Gòn, nhiều tuyến du lịch bằng đường thủy nội thành mở ra trải nghiệm văn hóa địa phương hấp dẫn, độc đáo cho du khách. Từ bến tàu Bạch Đằng, du khách có thể đến phường Thủ Dầu Một, kết hợp di chuyển đường bộ đến các điểm di tích lịch sử văn hóa như: đình Phú Long, nhà cổ Trần Văn Hổ, chùa Bà Bình Dương, Công ty Gốm sứ Minh Long… như gần hơn với khách phương xa. Ngoài các điểm này, tuyến du lịch đường thủy còn có thể kết hợp với Làng sơn mài Tương Bình Hiệp, Làng gốm Lái Thiêu (đều nằm trên lưu vực sông Sài Gòn) để tạo nên những tour du lịch văn hóa đường sông hấp dẫn trong thời gian tới.

Khai thác vốn di sản phong phú và đa dạng

Việc hợp nhất TPHCM với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương góp phần làm dày thêm bộ sưu tập di sản cho siêu đô thị TPHCM mới, như: trận địa pháo cổ Vũng Tàu và bộ sưu tập các hiện vật trục vớt được từ những con tàu đắm. Trong đó, nổi bật là bộ sưu tập từ con tàu đắm ở hòn Cau (Côn Đảo) vào năm 1990, với 68.000 cổ vật, nhiều nhất là đồ gốm, sứ (men trắng, men lam xanh...) sản xuất ở các lò gốm trứ danh của Trung Quốc. Theo giới chuyên môn, tàu buôn này xuất phát từ một cảng ở phía Nam Trung Quốc (thời vua Khang Hy nhà Thanh), đang trên đường sang châu Âu thì bị bão đánh chìm ở độ sâu 40m, cách đây hơn 300 năm.

Hệ thống bảo tàng sẽ có thêm Bảo tàng gốm sứ cao cấp Minh Long, nơi lưu giữ tài liệu, hiện vật về nghề làm gốm sứ hơn 300 năm gắn với quá trình di dân của người Hoa (Trung Quốc) vào khai khẩn vùng đất Đông Nam bộ. Ông Lý Ngọc Minh (người sáng lập, chủ Công ty Minh Long) chia sẻ: “Tôi kỳ vọng thế hệ tiếp nối nghề gốm sứ sau này mang cái học của phương Tây và kế thừa truyền thống văn hóa phương Đông giữ vững ngọn lửa đam mê, sẽ tiếp nối hành trình phát triển rực rỡ của nghề gốm sứ, không chỉ làm giàu cho công ty mà cho quê hương, đất nước”.

Ngoài ra, một hướng bảo tồn các làng nghề truyền thống mới cũng bắt đầu khả quan từ thực tế. Trước đây, do quá trình đô thị hóa, TPHCM khá eo hẹp quỹ đất lẫn điều kiện để quy hoạch các làng nghề thủ công, điển hình như nghề đúc lư đồng An Hội (Gò Vấp). Với việc hình thành siêu đô thị mới, nhiều nhà nghiên cứu di sản nhìn nhận, thành phố sẽ có thêm cơ hội bảo tồn, tái hiện các làng nghề cổ truyền như đúc lư đồng, gốm sứ… quy hoạch thành cụm làng nghề truyền thống, bên cạnh các khu công nghiệp. Điều này không chỉ bảo tồn và phát huy được nghề truyền thống, mà còn góp phần hình thành sự đa dạng trong đời sống sinh hoạt xã hội.

VĂN PHONG - THIÊN THANH - HỒNG THUẬN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hop-luu-di-san-va-ban-sac-do-thi-post802218.html
Zalo