Vui sao nước mắt lại trào…

'Ngày 30/4/1975, khi vào đến nội đô Sài Gòn, đi giữa rừng cờ hoa của đồng bào miền Nam, gặp lại đồng đội từ nhiều cánh quân khác, tôi vui sướng, xúc động đến trào nước mắt… Cuối cùng thì giấc mơ sau mấy chục năm đã thành hiện thực', Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc lịch sử Ngày đại thắng của 50 năm về trước.

 Ngày 30/4/1975, nhân dân Thủ đô đổ ra phố Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) sau khi nghe tin Sài Gòn giải phóng. Ảnh tư liệu

Ngày 30/4/1975, nhân dân Thủ đô đổ ra phố Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) sau khi nghe tin Sài Gòn giải phóng. Ảnh tư liệu

Giấc mơ đã thành hiện thực

Ở tuổi 95, mỗi khi nhắc lại, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy vẫn nhớ như giờ phút cùng đồng đội chiến đấu trong những ngày cuối tháng 4/1975. Thời điểm ấy, ông là Phó Tư lệnh Sư đoàn 325, trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tuy thời gian chuẩn bị rất gấp nhưng với quyết tâm cao của toàn lực lượng, đến trưa ngày 26/4/1975, mọi công việc chuẩn bị đã hoàn thành.

"Vào lúc 17 giờ 30 ngày 26/4/1975, Quân đoàn 2 nhận nhiệm vụ tấn công theo hướng Đông Nam vào Sài Gòn. Ngày 27/4, chúng tôi đã giải phóng được Long Thành. Ngày 28/4, chúng tôi chiếm được Nhơn Trạch.

Sáng 29/4, chúng tôi đánh vào thành Tuy Hạ, bắn pháo khống chế sân bay Tân Sơn Nhất, đánh chiếm căn cứ hải quân Cát Lái, đánh vào Quận 9 và vượt phà Thủ Thiêm tiếp tục đánh vào Quận 4...

Chiến sự diễn ra rất ác liệt. Trưa ngày 30/4/1975, khi vào đến nội đô Sài Gòn, gặp lại đồng đội từ nhiều cánh quân khác, tôi vui sướng, xúc động đến trào nước mắt. Cuối cùng thì giấc mơ sau mấy chục năm đã thành hiện thực", Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh Sư đoàn 325, Quân đoàn 2

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh Sư đoàn 325, Quân đoàn 2

Khi đơn vị vượt sông Đồng Nai để đánh Cát Lái, hàng trăm tàu thuyền của người dân địa phương đã ra hỗ trợ, chở lực lượng chiến sĩ nhanh chóng vượt sông, đánh chiếm các cụm địch ở ven sông và thọc vào đánh chiếm căn cứ Cát Lái.

Chính nhờ sự hỗ trợ của nhân dân, sau khi đánh chiếm được căn cứ Cát Lái, đơn vị do Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy chỉ huy nhanh chóng vào đánh chiếm Quận 9, vượt sông qua bến phà Thủ Thiêm chiếm Quận 4 và khu vực Tân Cảng.

"Sau 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, tôi mới đi về hướng Dinh Độc Lập. Từ xa, nhìn thấy lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, cảm xúc vui sướng như vỡ òa. Dọc hai bên đường, nhân dân đã hòa mình vào dòng người mừng ngày thắng lợi. Cờ hoa rợp trời", Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy xúc động nhớ lại.

Những anh hùng trên chiếc xe tăng 390 huyền thoại

Đã 50 năm trôi qua nhưng khoảnh khắc cánh cổng chính của Dinh Độc Lập bị chiếc xe tăng 390 thuộc Lữ đoàn xe tăng 230 húc đổ vào sáng ngày 30/4/1975 đã trở thành bất tử. Đó còn là biểu tượng của đại thắng Mùa xuân năm 1975 của dân tộc ta.

Nhân dân Xóm Chiếu (Sài Gòn) chào đón quân giải phóng ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN

Nhân dân Xóm Chiếu (Sài Gòn) chào đón quân giải phóng ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN

Mỗi khi nhắc lại khoảnh khắc lịch sử ấy, các chiến sĩ trên chiếc xe tăng 390 năm xưa vẫn vẹn nguyên khí thế của một thời trai trẻ.

Trung úy Vũ Đăng Toàn, chính trị viên Đại đội, trưởng kíp trên xe tăng 390 ngày ấy, nhớ lại: "Sáng ngày 30/4/1975, khi xe tăng 390 của chúng tôi đến cổng Dinh Độc Lập đã có xe tăng mang số 843 chở Đại đội trưởng Bùi Quang Thận (Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp Quân đoàn 2 - PV) có mặt trước đó, nhưng đậu chếch sang cửa phụ bên trái.

Thời điểm ấy, lái xe tăng 390 - trung sĩ Nguyễn Văn Tập xin ý kiến trưởng xe về hướng xử lý tiếp theo. Gần như ngay lập tức, tôi nói: Chú tông thẳng vào cổng chính. Đồng chí Tập chỉnh hướng chính diện, tăng ga, tông thẳng vào cổng chính và dừng lại ở tiền sảnh Dinh Độc Lập", Trưởng kíp trên xe tăng 390 Vũ Đăng Toàn nhớ lại.

Nam nữ thanh niên Sài Gòn chào đón các chiến sĩ tự vệ vào giải phóng thành phố. Ảnh tư liệu

Nam nữ thanh niên Sài Gòn chào đón các chiến sĩ tự vệ vào giải phóng thành phố. Ảnh tư liệu

Theo lời kể của Trung úy Vũ Đăng Toàn, trong thời khắc quan trọng, dù biết khi xe tông vào có thể tất cả anh em trên xe sẽ hy sinh nhưng ông vẫn quyết định và mệnh lệnh đã được đưa ra ngay lập tức.

"Nếu hôm đó cánh cổng Dinh Độc Lập vẫn còn cài điện, chắc 4 anh em chúng tôi đã hy sinh. Chúng tôi cũng không biết được phía sau cánh cổng ấy có những gì, bao nhiêu đạn pháo, lựu đạn có thể bay tới… Nhưng với suy nghĩ đã đến cổng cơ quan đầu não cuối cùng của địch, ta phải vào", Trưởng xe Vũ Đăng Toàn cho biết.

Khoảnh khắc ấy đã trở thành bất tử, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn, đất nước hoàn toàn thống nhất.

"Thời điểm chúng tôi vào Sài Gòn, đường phố khá vắng lặng. Nhưng chỉ 20-30 phút từ sau khoảnh khắc xe tăng 390 tông sập cổng chính Dinh Độc Lập, lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập thì người dân từ nhiều hướng tỏa ra khắp các ngả đường, cờ hoa tung bay, tất cả như vỡ òa trong niềm hân hoan, hạnh phúc…", Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ 1 trên xe tăng 390, xúc động nhớ lại.

4 người lính trên xe tăng 390. Từ phải sang: ông Ngô Sỹ Nguyên, ông Vũ Đăng Toàn, ông Nguyễn Văn Tập và ông Lê Văn Phượng trong ngày hội ngộ 30/4/2005. Ảnh: AFP

4 người lính trên xe tăng 390. Từ phải sang: ông Ngô Sỹ Nguyên, ông Vũ Đăng Toàn, ông Nguyễn Văn Tập và ông Lê Văn Phượng trong ngày hội ngộ 30/4/2005. Ảnh: AFP

Những ngày cuối tháng 4/2025, đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều cuộc gặp gỡ, tri ân các thế hệ chiến sĩ, anh hùng đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đã được diễn ra trên cả nước.

Và tại Dinh Độc lập năm xưa, nay là Hội trường Thống Nhất, đã diễn ra cuộc hội ngộ đặc biệt của các tướng lĩnh, anh hùng và các chiến sĩ trên chiếc xe tăng 390 huyền thoại. Với họ, niềm vui ngày hội ngộ chưa trọn vẹn vì sự thiếu vắng của đồng đội - Thiếu úy Lê Văn Phượng, sinh năm 1945, pháo thủ số 2, anh cả của xe - đã mất năm 2016, do bạo bệnh.

Nói về người đồng đội của mình, pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên chia sẻ, 50 năm sau ngày 30/4 lịch sử, 4 người trên chiếc xe tăng 390 giờ chỉ còn 3. Dù vậy, trong tim những người còn sống vẫn luôn nhớ về người đồng đội và những năm tháng cùng nhau chiến đấu vì khát vọng hòa bình.

Nguyễn Song

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vui-sao-nuoc-mat-lai-trao-20250428142602724.htm
Zalo