Miền Nam ơi, ta đã về đây!

Cách đây nửa thế kỷ, trong những ngày tháng chống mỹ gian lao, đi giữa làn mưa bom bão đạn, những người con của khắp mọi miền quê đã lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc để chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc.

Hôm nay, trong dòng người tiến về miền Nam, giữa hân hoan, tự hào và xúc động khi được hiện diện, cảm nhận sự kiện trọng đại kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), có những người lính năm xưa đang miệt mài trên hành trình trở về thời hoa lửa. Dấu chân người lính chồng lên bóng hình của chính mình trong lớp bụi thời gian. Ông Kiều Việt Đường, tổ dân phố Phú Thịnh 1, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng đã trở về chiến trường xưa trong một hành trình như thế.

Tháng 6/1968, chàng thanh niên Kiều Việt Đường khi ấy 18 tuổi lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, ông được biên chế về Trung đoàn 33, Quân khu 7 và trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Người lính công binh ấy đã tham gia chiến đấu tại mặt trận Đông Bắc Sài Gòn. Trong đó, khu vực Long Khánh, Bà Rịa, Biên Hòa là nơi ông cùng đồng đội kiên gan, bền chí nhằm tấn công chi khu của địch, giữ chân, ngăn không cho địch chi viện để quân chủ lực của ta tiến đánh, giải phóng Sài Gòn.

Trên đường cùng đơn vị di chuyển từ Long Bình về Vũng Tàu, vào đầu giờ chiều 30/4/1975, từ chiếc radio của đại đội, ông và đồng đội nghe tin báo: Vào hồi 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Suy nghĩ ấy không chỉ là niềm vui toàn thắng, là được nhìn thấy đất nước hòa bình, là được trở về với gia đình mà còn chất chứa biết bao nỗi xót xa khi nhớ tới năm tháng gian lao của đất nước, nghĩ về những đồng đội không được chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc. “Bắt đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị của tôi có hơn 70 đồng chí, khi Sài Gòn được giải phóng, chỉ còn lại chục người”, nói tới đây người cựu chiến binh già lặng đi.

Sau chiến thắng, đất nước vẫn còn ngổn ngang, ông Đường tiếp tục ở lại đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Năm đó liên lạc gián đoạn, khó khăn vô cùng, tờ giấy báo tử của một chiến sĩ trùng tên ông bị gửi nhầm địa chỉ, khiến cả gia đình ông đau xót. Sau những lần giỗ nhầm được tổ chức, ông mới được trở về quê hương.

Tìm lại những đồ vật cũ, chiếc ba lô đã bạc màu theo năm tháng, giấy tờ còn sót lại sau những ngày chiến đấu gian lao, bức hình đen trắng của ngày đầu nhập ngũ, giờ là kỷ vật mà ông giữ lại để nhớ về một thời hoa lửa. Giữa tháng 4/2025, ông cùng đồng đội về thăm lại chiến trường xưa trong bồi hồi, xúc động. Những ký ức xưa - nay cứ vậy xếp chồng lên nhau trong tâm trí người cựu chiến binh ở tuổi 75. Ông Đường bảo: Thành phố mang tên Bác giờ đây đẹp quá! Thăm lại chốn xưa tôi càng thêm nhớ thương đồng đội mình đã nằm xuống. Tự do, hòa bình đắt giá lắm! Tôi mong thế hệ trẻ sau này luôn tìm hiểu, yêu lịch sử của dân tộc, biết trân trọng hòa bình mà thế hệ cha anh đã hy sinh để có được.

Còn với cựu chiến binh Hoàng Văn Thân, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, hành trình trở lại chiến trường xưa sau 50 năm là kỷ niệm mà ông sẽ không quên trong cuộc đời. Chuyến đi khơi lại trong ông hồi ức của thời tuổi trẻ sục sôi lên đường nhập ngũ với khát vọng thiêng liêng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, để Bắc - Nam sum họp một nhà.

Sinh ra trong gia đình yêu nước, bố tham gia kháng chiến chống Pháp, mẹ tham gia hoạt động cách mạng, cả ông Thân và em trai đều quyết tâm trở thành chiến sĩ. Năm 1973, khi cuộc chiến đấu chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Thân viết đơn xin lên đường nhập ngũ, được biên chế về Trung đoàn 463, Quân đoàn 2, Binh đoàn Hương Giang.

Ngày ấy, điều kiện về trang thiết bị phục vụ chiến đấu của quân đội còn thiếu thốn đủ bề. Là chiến sĩ thông tin, để bảo đảm liên lạc thông suốt, ông cùng đồng đội phải khéo léo, linh hoạt, tùy điều kiện chiến đấu, thiết bị để áp dụng các biện pháp khác nhau, luôn đi trước rút sau, bảo đảm thông tin thông suốt phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên. Niềm hạnh phúc nhất trong cuộc đời người lính như ông Thân là vào ngày 30/4/1975, đơn vị ông tiến về Dinh Độc Lập sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc khoảng 1 tiếng đồng hồ. Thời khắc đó mãi mãi được ông gìn giữ, trân trọng với biết bao tự hào, hạnh phúc.

Ngày Sài Gòn được giải phóng, ông viết thư tay gửi tin báo về cho gia đình. Vậy nhưng trong suốt nhiều tháng lá thư thất lạc, khiến cả nhà đau xót nghĩ tới việc ông đã hy sinh. 2 năm sau đó, ông Thân mới ra quân, trở về nhà.

Thăm lại Sài Gòn sau 50 năm, ông Thân xúc động trước tình cảm nồng thắm của người dân nơi đây và càng thêm mừng vui khi chứng kiến vùng đất khốc liệt một thời, giờ lại phát triển, đổi thay nhiều đến vậy. Tìm về những di tích lịch sử, ông như nhìn thấy hình bóng mình cùng đồng đội của thời trai trẻ và càng thêm thương tiếc những người lính năm xưa đã hy sinh ở mảnh đất này.

Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có hàng ngàn, hàng vạn thanh niên của miền Bắc lên đường chi viện cho miền Nam ruột thịt.

Năm xưa, tiếng gọi “Miền Nam ơi, ta đã về đây!” vang lên, những người lính lên đường với trái tim sục sôi lý tưởng cách mạng cao đẹp vì độc lập, tự do, hạnh phúc. 50 năm sau, lời giục ấy tiếp tục thôi thúc trái tim và bước chân của người lính trở về thăm lại chiến trường xưa, để được sống lại phút giây tự hào và hạnh phúc khi đất nước kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam.

Quỳnh Trang

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/mien-nam-oi-ta-da-ve-day-post401029.html
Zalo