Nhà báo Trần Mai Hưởng: Tôi may mắn chứng kiến khoảnh khắc lịch sử
Ngày 30/4/1975, nhà báo Trần Mai Hưởng đã ghi lại khoảnh khắc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập. Sau 50 năm, hình ảnh ấy đã trở thành một biểu tượng ghi dấu ngày hòa bình.

Trưa ngày 30/4/1975, khi cánh cổng Dinh Độc Lập đổ và lá cờ giải phóng tung bay trong nắng rực rỡ, nhà báo trẻ Trần Mai Hưởng - lúc ấy mới hơn 20 tuổi - lòng rộn ràng nhìn quân Giải phóng tiến vào, ông nhanh chóng đưa chiếc máy ảnh chỉ còn vài cuộn phim của mình để chụp lại. Bức ảnh ông bắt được đúng khoảnh khắc xe tăng số hiệu 846 của Lữ đoàn 203 tiến qua cổng Dinh đã trở thành một di sản báo chí, ghi lại khoảnh khắc có tính biểu tượng của lịch sử.
Nhiều năm sau, ông vẫn miệt mài đi tìm danh tính những người lính trong khung hình, như một cách trả lại tên tuổi cho những người đã cùng ông làm nên thời khắc bất tử. Đối với ông, dù trong chiến tranh hay thời hòa bình, chất riêng của người lính vẫn luôn còn mãi.
Biểu tượng của thời khắc lịch sử
- Thưa nhà báo Trần Mai Hưởng, khi chứng kiến khoảnh khắc lịch sử ngày 30/4/1975, cảm xúc đầu tiên trong ông là gì?
- Cảm xúc đầu tiên ùa đến trong tôi vào khoảnh khắc lịch sử trưa 30/4/1975, khi lá cờ của quân Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, là sự xúc động nghẹn ngào. Bao ký ức về những năm tháng gian khổ, khốc liệt ngoài chiến trường chợt ùa về như một cuốn phim tua nhanh. Tôi nhớ lại Quảng Trị năm 1972, khi còn là chàng phóng viên 20 tuổi của Thông tấn xã Giải phóng, giữa bom đạn mà lòng chỉ có một mong muốn là được góp mặt, được ghi lại sự thật lịch sử bằng ngòi bút của mình.
Tôi nghĩ đến những đồng đội, những người lính đã nằm lại dọc đường hành quân, và tôi cảm thấy mình thật may mắn, thật vinh dự khi được sống sót để tận mắt chứng kiến thời khắc thiêng liêng ấy. Đó là một niềm tự hào không gì so sánh được.


Hình ảnh quân đội tiến vào trung tâm Sài Gòn tháng 4/1975. Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN.
- Bức ảnh “Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập” chụp trưa ngày 30/4/1975 của ông là một tác phẩm báo chí giá trị. Ông đã chụp bức ảnh đó như thế nào?
- Trên đường tiến vào trung tâm Sài Gòn, dòng người cuồn cuộn trên các ngả đường cuốn chúng tôi đi. Một em bé trai tên là Nguyễn Dũng, nhà ở phố Tôn Thọ Tường trèo ngay lên xe, nắm tay tôi, rồi thò đầu ra ngoài, vẫy tay la lớn:
- Hoan hô! Chiến thắng rồi!
Bác Lê Văn Cương, thợ may, nhà ở trên xa lộ, cùng hàng trăm thanh niên phóng xe đi theo đoàn quân vào trung tâm thành phố. Vừa vịn tay lên thành xe của chúng tôi, bác hát rất say sưa một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao: “Trùng trùng say trong câu hát. Lớp lớp đoàn quân tiến về”... Những người dân cùng những người lính chúng tôi hát theo bác.
Xe chúng tôi tiếp tục lao về phía Dinh Độc Lập. Người lái xe lúng túng vì thành phố quá lớn và có rất nhiều ngả đường. Sau mấy lần được chỉ dẫn, chúng tôi cũng đến nơi. Những chiếc xe tăng đi đầu đã đến trước ít phút. Cánh cửa sắt của Dinh Độc Lập bị hất tung.
Vừa vào trong Dinh, tôi và nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo nhảy ra khỏi xe thì thấy một chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu tiến qua cổng chính của Dinh. Một hình ảnh rất đẹp: Nắng rực rỡ, xe tăng vừa vào ngang cổng, cánh cửa sắt đổ sập vẫn nằm trên mặt đất, lá cờ giải phóng trên tháp pháo tung bay. Cùng những người lính tăng là các chiến sĩ bộ binh Sư đoàn 304 cùng hành tiến hiên ngang bên tháp pháo.
Tôi đưa máy ảnh lên ghi lại hình ảnh tuyệt vời đó. Đó chính là bức ảnh “Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập 30/4/1975” mà sau đó được chuyển ra Hà Nội, TTXVN phát đi, được sử dụng rộng rãi và trở thành một biểu tượng quen thuộc của Đại thắng Mùa Xuân cho đến ngày nay. Đó cũng là một kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm báo của tôi.
- Sau gần 50 năm nhìn lại, cảm xúc và suy ngẫm của ông về thời khắc ấy ra sao?
- Tôi đã sống qua những năm tháng hào hùng và bi tráng. Tôi đã chứng kiến khoảnh khắc lịch sử và cả những hy sinh, khổ đau, mất mát lớn lao của con người. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã ngã xuống trên chiến trường, với máy ảnh và vũ khí trong tay, những trang tin còn đang viết dở. Sự hy sinh đó là vô giá.
Là những người may mắn trở về, sự sống trong mỗi chúng tôi luôn trĩu nặng sự sống của cả bao người không còn có mặt. Vì thế, sống sao cho xứng đáng, sống cho cả mong ước của những người không trở về, luôn là một câu hỏi lớn cho mỗi con người hôm nay…
Ân tình của những người từng nắm tay nhau đi qua lửa đạn
- Sau này, ông có dịp gặp lại những người lính tăng trong bức ảnh ngày 30/4/1975?
- Lúc đang công tác tại Thông tấn xã Việt Nam, tôi cũng nghĩ đến việc này rất nhiều. Nhưng phải cho tới khi nghỉ hưu tôi mới có đủ thời gian để thực hiện tìm kiếm. Từ manh mối số 6 trên chiếc xe tăng trong tấm ảnh, tôi bắt đầu dò hỏi từng người. Nhà báo Đậu Ngọc Đản cho tôi số điện thoại của một người lính tăng, nhưng khi đến nơi hỏi ra thì họ bảo không phải. Người này tiếp tục chỉ tôi tới tìm cựu chiến binh tên Nguyễn Quang Hòa tại La Khê, Hà Đông.
Vừa đưa ra tấm ảnh, ông Hòa đã nhận ra ngay chiếc xe tăng 846 của mình và đồng đội. Dấu hiệu chính là tấm chắn bùn một bên đã bị địch bắn bay mất. Ông Hòa cũng nói rằng bản thân luôn cất giữ tấm ảnh này trong chiếc cặp làm việc của mình. Nhưng ông không muốn đi tìm người phóng viên năm xưa đã chụp nó bởi làm vậy sợ bị coi là kể công. Đối với ông, hoàn thành nhiệm vụ là điều trên hết, chiến công là của tập thể, của nhân dân.
Khi hỏi sâu hơn, tôi được biết anh Hòa là người La Khê (Hà Đông, Hà Nội). Anh từng là sinh viên Đại học Lâm nghiệp trước khi nhập ngũ. Sau này anh công tác tại Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp. Nhờ kết nối từ anh Hòa, tôi đã tìm được những người còn lại trên chiếc xe tăng. Trong đó gồm anh Trần Bình Yên, lái xe; anh Nguyễn Bá Tứ, pháo thủ số hai và anh Nguyễn Ngọc Quý, pháo thủ số một.
- Khi gặp lại, ông thấy cuộc sống của họ sau chiến tranh như thế nào?

Nhà báo Trần Mai Hưởng cùng những người lính xe tăng 846. Ảnh: NVCC.
- Ông Yên chọn về quê Hà Nam chăm lo cho khu vườn 300 gốc na. Ông nhận thêm việc sửa chữa lặt vặt ở xã như một cách giữ cho đôi tay không ngơi nghỉ.
Ông Tứ ở Hà Nội, từng ngày cần mẫn làm lái xe buýt, sau này vì sức khỏe không còn vững vàng, ông chuyển sang giúp vợ bán xôi ở ngõ chợ Ngọc Hà. Cuộc đời ông thêm phần vất vả khi cô con gái đầu chịu nhiều thiệt thòi vì chất độc da cam.
Ông Quý, ở Hải Phòng, cuộc sống có phần ổn định hơn khi con trai làm ăn tươm tất, dù bản thân cũng phải trải qua những ngày thị lực không được tốt, nhiều lần ra vào bệnh viện. Thời gian trôi đi, những vết thương không tên vẫn song hành cùng chúng tôi.
Trong dịp 50 năm này, tôi đã có dịp gặp lại vợ ông Tứ và ông Quý. Nhờ một tấm ảnh, giờ đây chúng tôi đã trở thành những người bạn. Mỗi khi nhà ai có việc gì tôi đều sắp xếp thời gian tới thăm.
- Ngoài những người lính trên, ông còn tìm kiếm thêm các nhân vật khác trong bức ảnh của mình không?
- Ngoài bốn nhân vật trên, tôi từng cố gắng tìm thêm hai người lính bộ binh ngồi trên chiếc xe tăng nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả. Có người từng kể lại rằng hai người bộ binh ấy được cho là đã hy sinh ở Campuchia.
Tôi cũng lần theo những manh mối ấy, tìm xem có ai nhớ hoặc từng đi cùng hai người bộ binh kia không, hỏi từ người lính ở Hải Dương đến những đồng đội từng chiến đấu trong mũi thọc sâu vào Sài Gòn ngày 30/4 thuộc trung đoàn 66 (Quân đoàn 2). Có người nhận, có người từ chối, có người thì nhớ mơ hồ, nhưng tất cả đều chưa đủ chắc chắn.
Ngay cả lúc nhờ phục dựng ảnh đưa lên mạng, nhiều người nhìn vào cũng không xác định được rõ ràng. Tôi vẫn hy vọng một lúc nào đó, có ai đó nhớ ra, lên tiếng, để tôi có thể gọi đúng tên những người từng đồng hành cùng mình trong thời khắc lịch sử ấy.

Sách Hồi ký phóng viên chiến trường của nhà báo Trần Mai Hưởng.
- Bên trong những con người đó còn phẩm chất gì của người lính vẫn còn hiện hữu rõ rệt?
Bên trong những con người ấy, tôi vẫn thấy rõ rệt một phẩm chất rất đặc trưng của người lính: sự âm thầm, tận tụy và tình đồng đội sâu sắc. Họ không phô trương, không nói nhiều, nhưng luôn sống chân thành và quan tâm đến nhau. Những năm tháng sống trong chiến trận, vào sinh ra tử, đã tạo nên ở họ một sự gắn bó không lời - một cái tình mà chỉ những người từng nắm tay nhau đi qua lửa đạn mới hiểu được.
Tôi không phải người trực tiếp chiến đấu, nhưng khi tiếp xúc với họ, tôi cảm nhận được cái chất lính ấy vẫn còn nguyên: sống đời bình dị, không đòi hỏi, và luôn giữ phẩm hạnh đẹp bên trong. Họ không cần phải cao giọng, không cần phải kể công. Cuộc sống của họ đơn sơ nhưng đầy nghĩa tình. Chính cái vẻ bình dị ấy mới khiến tôi càng trân trọng, vì nó không phải là điều dễ thấy ở đời thường. Đó là một di sản sống động của một thời trận mạc vẫn âm ỉ cháy trong tâm hồn họ.