Ký ức về ngày 30/4 của cựu phóng viên Mỹ học ăn nước mắm, cưới vợ Việt Nam
Đoàn cựu phóng viên chiến trường từng đưa tin về chiến tranh tại Việt Nam, phóng viên từ một số nước trực tiếp hỗ trợ cuộc kháng chiến của Việt Nam đang có chuyến thăm TPHCM nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Họ đến từ nhiều quốc gia và từng chứng kiến thời khắc lịch sử của Việt Nam cách đây 50 năm. Trở lại TPHCM dịp đặc biệt này, các cựu phóng viên có một hành trình đầy cảm xúc.
Trước ngày lễ kỷ niệm 30/4, các cựu phóng viên đã đến thăm địa đạo Củ Chi, bảo tàng Chứng tích chiến tranh, giao lưu với sinh viên Việt Nam.

Các cựu phóng viên chiến trường trải nghiệm tại địa đạo Củ Chi. Ảnh: Minh Nhật

Nhiều thành viên trong đoàn không khỏi ngỡ ngàng khi nơi đây vẫn vẹn nguyên cấu trúc ban đầu. Ảnh: Minh Nhật
Tình yêu với Việt Nam chưa bao giờ phai nhạt trong tim tôi
Trong những phóng viên này có người đã ngoài 80 tuổi, chân đi đã run, nhưng ai cũng hào hứng khi đến thăm những địa điểm là biểu tượng cho ý chí kiên cường của quân và dân Việt Nam.
Cựu phóng viên The New York Times và Tạp chí TIME - ông Tom Fox sử dụng tiếng Việt thành thạo. Ông kể lại kỷ niệm trong suốt những năm Việt Nam còn chìm trong khói lửa chiến tranh.

Cựu phóng viên The New York Times và Tạp chí TIME - ông Tom Fox. Ảnh: Minh Nhật
Năm 1966, khi vừa đủ tuổi nghĩa vụ, ông từ chối tham gia nhập ngũ mà xin đến Tuy Hòa, Phú Yên để làm tình nguyện viên giúp đỡ người dân. Ông đi khắp nơi ở miền Nam Việt Nam để giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi, gia đình bị nghèo đói do chiến tranh.
Ông tận mắt chứng kiến những khổ đau mà người dân Việt Nam phải trải qua và quyết định trở thành một phóng viên. Ông bắt đầu học tiếng Việt, học ăn nước mắm... Năm 1971, Tom Fox cưới một cô gái Cần Thơ.
“Tôi hạnh phúc lắm, chúng tôi cưới nhau hơn 50 năm rồi, có với nhau 2 người con và 3 đứa cháu. Tình yêu với Việt Nam chưa bao giờ phai nhạt trong tim tôi” - cựu phóng viên người Mỹ nói.
Ông từng đọc rất nhiều tác phẩm văn học Việt Nam, đặc biệt là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ông có tình cảm với đất nước, con người Việt Nam nên đã trở lại miền Nam trong vai trò phóng viên chiến trường.

Các cựu phóng viên thăm các điểm di tích của TPHCM. Ảnh: Minh Nhật

Ảnh: Minh Nhật
Lần trở lại năm nay, ông nói mình được chứng kiến "sức sống mãnh liệt của những người trẻ Việt Nam, tình cảm yêu thương chính mình và yêu thương lẫn nhau".
Quay lại để nuôi dưỡng thêm sợi dây gắn kết với Việt Nam
Từng đưa tin cảnh quân đội Mỹ rút quân khỏi Việt Nam năm 1973, bà Edith Madelen Ledever là người duy nhất trong số các cựu phóng viên chiến trường trở lại Việt Nam dịp 30/4 vẫn đang “cầm bút” (bà đang là Trưởng Văn phòng hãng tin AP tại Liên Hợp Quốc).
Năm 1973, bà là nữ phóng viên chiến trường duy nhất ở Việt Nam, sau đó có thêm vài đồng nghiệp nữ cũng được AP cử đến.

Bà Edith Madelen Ledever. Ảnh: Minh Nhật
Bà kể từng trở lại Việt Nam năm 1993 - đúng 20 năm sau lần đầu tiên. Khi đó, điều khiến bà ngạc nhiên nhất là ở đâu cũng được người dân chào đón. Họ không hề thù hằn người Mỹ. Sau đó, bà đã nhiều lần trở lại Việt Nam, đến TPHCM để dự lễ kỷ niệm 35 năm, 40 năm và giờ là 50 năm thống nhất đất nước.
Trước kia, bà quen với cái tên Sài Gòn và hiện nay là TPHCM. Thành phố ngày càng phát triển với nhiều nhà cao tầng và cửa hàng, nhưng điều bà ấn tượng nhất vẫn là sự cởi mở của người dân.
Bà tâm sự: "Trước đây, tôi chỉ đưa tin về chiến tranh, còn lần này, tôi đi dọc chiều dài Việt Nam để cảm nhận vẻ đẹp của hòa bình. Tất cả chúng tôi đều có những tình cảm rất sâu sắc với đất nước này và bây giờ quay lại đây để nuôi dưỡng thêm sợi dây gắn kết”.
50 năm sau cuộc chiến, bà cảm nhận Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Bà cũng hy vọng trong 5 năm nữa, khi quay trở lại, bà sẽ được thấy một Việt Nam năng động, phát triển và thành công hơn nữa.

Ảnh: Minh Nhật
Phớt lờ những cảnh báo “nên rời khỏi Sài Gòn”
Ông Nayan Chanda (người Ấn Độ) - phóng viên thường trú của tạp chí Far Eastern Economic Review tại Đông Dương - thì chia sẻ kỷ niệm về bữa ăn sáng với một chiến sĩ giải phóng quân ngay tại nhà mình.
Có mặt ở Sài Gòn vào những thời điểm đầu tiên sau ngày 30/4/1975, ông tình cờ nấu bữa sáng cho một người chiến sĩ, và cùng ăn sau khi vượt qua những căng thẳng và nghi ngờ.
“Có lẽ, chiến sĩ này vào nhà tôi để tìm xem có lính của chính quyền cũ ẩn nấp hay không. Sau khi tôi mang một bài báo về Lenin do mình viết ra, hai chúng tôi đã vui vẻ cùng dùng bữa sáng” - ông Nayan Chanda kể.
Nhớ lại những năm tháng tác nghiệp tại miền Nam Việt Nam, ông Nayan Chanda cho biết đã phớt lờ những cảnh báo “nên rời khỏi Sài Gòn” để ở lại chứng kiến và ghi lại khoảnh khắc lịch sử của 50 năm trước - thời điểm mang tính quyết định, mở ra một chương mới cho người dân Việt Nam.

Ông Nayan Chanda. Ảnh: Minh Nhật
“Thay vì di tản như phần lớn các phóng viên quốc tế lúc bấy giờ, tôi quyết định ở lại Sài Gòn sau ngày 30/4 năm đó, để quan sát cuộc sống dưới chính quyền mới” - ông Nayan Chanda cho biết.
Và cũng nhờ đó, ông Nayan Chanda đã ghi lại bức tranh chân thực về bầu không khí “yên ắng đến lạ thường” trên đường phố Sài Gòn sáng 1/5/1975.
Trong cuộc gặp do TPHCM tổ chức mới đây, quyền Giám đốc Sở Ngoại vụ Phạm Dứt Điểm khẳng định rằng để thế giới biết đến cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, không thể không nhắc đến vai trò của các phóng viên quốc tế, đặc biệt là những người đã có mặt trên chiến trường miền Nam trong những năm tháng ác liệt nhất.
Ông Điểm nhấn mạnh: “Sự hiện diện của quý vị là minh chứng cho một tình cảm sâu nặng và lâu bền dành cho Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng”.
Sau 50 năm đất nước thống nhất, TPHCM mong muốn truyền tải thông điệp về một Việt Nam hòa bình, phát triển, hội nhập, năng động và nhân văn.