Vĩnh Phúc: Dự kiến tăng số lượng học sinh lớp 9 được tuyển vào lớp 10 công lập
Tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS của cả nước bình quân đạt 17,8%, trong khi đó, tỷ lệ này ở Vĩnh Phúc nhiều năm qua đều đạt trên 30%.
Liên quan đến công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở của tỉnh, trao đổi tại nghị trường Kỳ họp thứ 19, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, một số đại biểu bày tỏ quan ngại tỷ lệ phân luồng quá cao của tỉnh những năm qua đang tạo nhiều áp lực và thiệt thòi, thậm chí cả hệ lụy cho học sinh, gia đình và xã hội.
Trả lời chất vấn của đại biểu, cử tri về vấn đề này, ông Nguyễn Phú Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc cho biết, vừa qua (ngày 5/12/2024 tại Hà Nội), Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức phiên họp Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh trong các cơ sở giáo dục trung học.
Theo đó, kết quả triển khai Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018-2025 theo Quyết định số 522/QĐ-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở của cả nước bình quân đạt 17,8%. Nhiều tỉnh/thành như Hà Nội, Hải Phòng chỉ đạt dưới 12%.
Trong khi đó, tỷ lệ này ở Vĩnh Phúc nhiều năm qua đều đạt trên 30%, là tỉnh nằm trong top 6 cả nước thành tích cao về phân luồng trên 30%.
Thực tế, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học tiếp cấp trung học phổ thông của Vĩnh Phúc giảm dần qua các năm học, từ khoảng 70% năm 2019 xuống còn khoảng 63% năm 2024. Điều này có phần áp lực cho học sinh trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông hằng năm.
Theo ông Nguyễn Phú Sơn, trước thềm năm học năm nay, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An đã có buổi làm việc với ngành giáo dục (ngày 29/8/2024). Tại buổi làm việc, Bí thư cũng đã đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu lại, tham mưu, đề xuất với tỉnh sửa một số nội dung liên quan kế hoạch, quyết định về tỷ lệ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, theo hướng tăng cơ hội và chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh, bảo đảm phù hợp với thực tiễn địa phương và hướng tới phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các tỉnh, thành phố cũng đã thống nhất báo cáo với Thủ tướng sửa Quyết định số 522/QĐ-TTg theo hướng không giao chỉ tiêu phân luồng chung cho các tỉnh thành, mà tùy theo yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của từng địa phương để phân luồng cho phù hợp.
Chính phủ hiện đã có dự thảo Nghị định quy định về hướng nghiệp và phân luồng, trong đó không còn quy định tỉ lệ phân luồng học sinh trung học cơ sở mà giao cho các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn quyết định tỷ lệ phân luồng cho phù hợp.
Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đang khẩn trương tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện điều chỉnh phân luồng theo hướng, trước mắt, tăng số lượng học sinh lớp 9 được tuyển vào lớp 10 bảo đảm nguyên tắc không tăng số lớp, không tăng giáo viên so với năm học 2024-2025, chỉ tăng số học sinh/lớp (từ 40 lên 45 học sinh/lớp).
“Cấp trung học phổ thông công lập toàn tỉnh hiện có 1.100 lớp. Nếu tăng mỗi lớp 5 học sinh, ngay từ lớp 10 năm học tới, sẽ có thêm từ 1.500-1.700 học sinh được vào trung học phổ thông công lập với quy mô khoảng 350 lớp, tương đương với mức tăng 10%, nâng tỷ lệ phân luồng từ 63% học sinh học lớp 10 công lập năm học 2024-2025 lên 73% vào năm học tới. Các giai đoạn tiếp theo, chúng tôi sẽ đề xuất tỉnh cho phép tăng từ 80 đến trên 80% học sinh vào lớp 10 công lập” – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc cho biết.
Về những định hướng mới trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc cho biết có 3 định hướng chính:
Thứ nhất, phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh vẫn phải giữ nguyên, đảm bảo cho các huyện, thành phố;
Thứ hai, tăng chỉ tiêu để giảm áp lực thi cử;
Thứ ba, Sở Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi minh họa ở môn Toán, Văn để học sinh lớp 9 năm nay ôn tập theo hướng đề thi không đánh đố, mức độ kiến thức cơ bản, bình thường, không ra khó để học sinh phải chịu nhiều áp lực.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc cũng lưu ý, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đề thi năm nay có điểm mới là không dùng dữ liệu, ngữ liệu có trong sách giáo khoa nên việc dạy học sinh thì các giáo viên và phụ huynh lưu tâm, không cần học nhiều, học khó mà phải học các kiến thức nền tảng một cách chắc chắn để thích ứng với mọi loại bài, không phải là học một bài chỉ biết một bài như học một tác phẩm văn học trong sách giáo khoa trước kia. Tất cả nhằm đánh giá và phát huy được tính sáng tạo của học sinh, vì thế ở đây, không phải học thêm nhiều sẽ được nhiều.