Rà soát, đánh giá lại Luật Giáo dục đại học
Trong hơn 5 năm thực hiện Luật Giáo dục đại học, dù số lượng trường đại học không thay đổi đáng kể nhưng quy mô, chất lượng đào tạo có sự gia tăng rõ rệt...
Ngày 17/12, tại Đại học Duy Tân, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Tọa đàm đánh giá sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhìn nhận trong hơn 5 năm thực hiện Luật Giáo dục đại học, dù số lượng trường đại học không thay đổi đáng kể nhưng quy mô, chất lượng đào tạo có sự gia tăng rõ rệt, đặc biệt là năng lực quản trị đại học, sự cạnh tranh, tự chủ của cơ sở giáo dục đại học đã được nâng cao.
Theo Thứ trưởng, trước những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế, một số quy định của Luật Giáo dục đại học đã bộc lộ bất cập nhất định so với yêu cầu thực tiễn phát triển của đại học Việt Nam.
Vì vậy, Thường trực Chính phủ thống nhất giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát và sơ kết 5 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và văn bản pháp luật liên quan, báo cáo Chính phủ năm 2024.
NHIỀU TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÓ SỰ TRƯỞNG THÀNH VƯỢT BẬC
Đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đại học) cho biết qua 5 năm thực hiện, Luật Giáo dục đại học cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển giáo dục đại học, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục đại học, nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm sự hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài cho đất nước và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cụ thể, chủ trương đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất thực hiện trong toàn hệ thống chính trị.
Từ các văn kiện, nghị quyết về chủ trương, đường lối của Đảng cho tới văn bản luật, nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội cũng như hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đều nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh thực hiện tự chủ, có chính sách đột phá, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, góp phần phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh đổi mới và hội nhập.
Hành lang pháp lý về tự chủ đại học tiếp tục được hoàn thiện. Trên cơ sở quy định của Luật, Bộ Giáo dục và Đại học và các Bộ ngành có liên quan đã khẩn trương, tích cực xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức triển khai, ban hành nhiều quy định, chính sách quan trọng góp phần hiện thực hóa chủ trương về đẩy mạnh tự chủ đại học, nhất là trên các lĩnh vực tự chủ về chuyên môn, về tổ chức, nhân sự và về tài chính.
Công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục đại học cũng đã có nhiều chuyển biến, thay đổi phù hợp với điều kiện tự chủ đại học.
Các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành nhiều quy định khung, tiêu chuẩn làm công cụ quản lý hữu hiệu, giảm thiểu cơ chế “xin - cho” trong quản lý giáo dục đại học.
Triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, công tác quản lý, quản trị đại học có chuyển biến tích cực.
Cơ chế tự chủ đã tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục đại học phát huy dân chủ, có sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo hơn trong xây dựng và tổ chức triển khai hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng một cách có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của người dân và nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động.
Việc thu hút, huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học đã bước đầu có sự đa dạng hóa; hiệu quả sử dụng nguồn lực có nhiều cải thiện và từng bước được nâng cao. Cơ chế tài chính cho giáo dục đại học dần được điều chỉnh, đổi mới.
Cơ sở giáo dục đại học công lập được giao thực hiện tự chủ được quyền quyết định giá dịch vụ đào tạo, bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý cũng như tự quyết định các khoản chi, mức chi phù hợp với mức độ, năng lực thực hiện tự chủ theo quy định.
Nhờ huy động được nguồn kinh phí dồi dào hơn, cơ sở giáo dục đại học tự chủ có thêm nguồn lực để tái đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và cải thiện các điều kiện bảo đảm chất lượng, nâng cao mức thu nhập cho cán bộ, giảng viên, từ đó giúp nhà trường thu hút, tuyển dụng được những người có năng lực, trình độ về công tác.
Chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên. Tỉ lệ cán bộ, giảng viên có học hàm, học vị tăng đáng kể; số lượng công trình khoa học được công bố trong nước và quốc tế tăng mạnh.
Một số cơ sở giáo dục đại học có sự trưởng thành vượt bậc về chuyên môn, học thuật, góp phần từng bước khẳng định vị thế và uy tín của giáo dục đại học Việt Nam trên trường quốc tế.
ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI ĐỂ ĐỒNG BỘ PHÁP LUẬT
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết quá trình đánh giá, sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023 có 2 mục tiêu là phân tích những khó khăn, thuận lợi, mặt được, những tồn tại hạn chế để từ đó đề xuất sửa Luật, xây dựng luật mới.
Đây cũng là sự đóng góp trí tuệ, chia sẻ khó khăn từ các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. Có những vấn đề chưa thể giải quyết ngay nhưng phải cùng nhau làm rõ những gì còn vướng mắc trong Luật, trong các văn bản hướng dẫn hay là ở khâu tổ chức thực hiện, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện…
“Những ý kiến này đều được Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận, bổ sung vào báo cáo trình Chính phủ để có đề xuất sửa đổi hoặc thay thế luật đảm bảo sự đồng bộ với các Luật khác như Luật Giáo dục, Luật Nhà giáo, Luật Khoa học công nghệ, qua đó có một hành lang pháp lý ngắn gọn, rõ để triển khai thực hiện đạt hiệu quả như mong muốn”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.