Đề xuất miễn học phí cho học sinh các cấp học

Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM vừa có dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh THPT công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên THPT trên địa bàn TPHCM từ năm học 2025-2026 (không bao gồm học sinh đang học tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài).

Trước đó, HĐND TPHCM đã thông qua phương án miễn học phí cho bậc THCS, tổng kinh phí thực hiện khoảng 237 tỷ đồng. Trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh tiểu học được miễn phí theo Luật Giáo dục. Hiện còn trẻ mầm non dưới 5 tuổi và học sinh THPT, hệ giáo dục thường xuyên phải đóng học phí. Theo tính toán, nếu được thông qua, dự toán kinh phí thực hiện chính sách năm học 2025-2026 là 653 tỷ đồng (công lập: 423 tỷ đồng, ngoài công lập: 230 tỷ đồng).

Ghi nhận đến nay, cả nước có 7 địa phương miễn toàn bộ học phí cho học sinh và trẻ mầm non, gồm: Quảng Nam, Yên Bái, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu. Nếu thêm TPHCM thực hiện miễn học phí cho học sinh tất cả cấp học sẽ là tin vui với nhiều gia đình nơi đây. Tuy nhiên, vấn đề nhiều phụ huynh băn khoăn là có quản lý được các khoản thu xã hội hóa hay không?

Lâu nay, các bậc phụ huynh rất lo lắng khi ban đại diện cha mẹ học sinh nhân danh xã hội hóa đứng ra thu nhiều khoản vô lý. Mặc dù theo quy định đây là các khoản thu tự nguyện, không được ép buộc tuy nhiên khi triển khai tại các lớp, đa số đều đưa ra mức thu giống nhau, cào bằng. Chưa kể một số gia đình còn đi đầu đóng góp số tiền lớn hơn nhiều lần khiến cho những phụ huynh khác ít nhiều cảm thấy áp lực, khó từ chối đóng khoản cào bằng kia dù không ủng hộ. Không chỉ liên quan đến sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất của lớp học, của nhà trường, các khoản đóng góp có muôn hình vạn trạng, mỗi nơi mỗi khác với mức tiền đưa ra cũng khác nhau. Trong bối cảnh một tập thể lớp mấy chục học sinh, chắc chắn sẽ có những chênh lệch về điều kiện sống nên các mức đóng góp này không phải gia đình nào cũng theo được, nhưng vì không muốn con em mình bị cô lập nên phần nhiều phụ huynh đều chấp nhận nộp.

Đơn cử tại Hà Nội, ngay trong tháng 12 vừa qua, ban phụ huynh một lớp 11 Trường THPT Thăng Long đề xuất thu 800.000 đồng/học sinh cho một hoạt động văn nghệ của lớp. Với nhiều gia đình đây là một mức thu cao. Nhiều ý kiến cho rằng số tiền này quá lãng phí và tốn kém cho một hoạt động văn nghệ nhưng thực tế, một lớp khác tại trường này đã thu tới hơn 50 triệu đồng để phục vụ cho hoạt động này.

Mặc dù thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhưng hiện tượng thu trái quy định vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là khoảng thời gian đầu mỗi năm học. Nhiều hình thức mới để vận động tiếp nhận tài trợ từ phụ huynh dưới danh nghĩa xã hội hóa giáo dục, “ép” phụ huynh tự nguyện tài trợ qua ban đại diện cha mẹ học sinh, qua các thầy cô giáo gây bức xúc dư luận.

Chính sách miễn giảm học phí các địa phương đang nỗ lực đề xuất và triển khai là tin vui với nhiều gia đình. Song song với đó, phụ huynh đều mong muốn có thêm các chế tài để xử lý dứt điểm nạn lạm thu trong trường học, trong đó có sự vào cuộc mạnh mẽ từ phía địa phương trong việc quy định các khoản được phép thu và không được phép thu cùng với mức trần. Tăng cường thanh kiểm tra thường xuyên, đột xuất và xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm để không tái diễn tình trạng lạm thu vốn nhức nhối lâu nay, phát huy ý nghĩa nhân văn của chính sách miễn, giảm học phí là giảm áp lực cho các gia đình, để mọi trẻ em đều có cơ hội tham gia học tập.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-xuat-mien-hoc-phi-cho-hoc-sinh-cac-cap-hoc-10296733.html
Zalo