Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ đào tạo 'chui': Hành vi coi thường pháp luật
Việc đào tạo 'chui' tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không chỉ ảnh hưởng đến người học, mà còn đe dọa đến chất lượng giáo dục.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội về việc chấn chỉnh công tác tuyển sinh và đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh.
Nguyên nhân là do, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở "chui" các lớp đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh. Nhiều học viên theo học các lớp này phải đóng mức phí rất cao, tổng các khoản lên tới 47,5 triệu đồng. Với 2 lớp văn bằng 2 tại cơ sở Nguyễn Đức Cảnh của nhà trường, tổng số tiền thu theo danh sách sinh viên là gần 4 tỷ đồng.
Khi thông tin sự việc lan ra, trường này lại nói đây là các lớp học không do nhà trường mở. Muốn lấy lại tiền học, học viên phải tìm đến các cá nhân có liên quan, nhà trường không chịu trách nhiệm.
Tuy vậy, điều đáng chú ý, quyết định công nhận đầu vào có dấu đỏ của nhà trường và do Phó Hiệu trưởng Vũ Văn Hóa đã ký. Quá trình đào tạo có sự tham gia của một số giáo viên trong trường.
Trước sự việc này, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu trường này khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện phương án đảm bảo quyền lợi chính đáng của người học liên quan theo đúng quy định.
Đồng thời, cử đại diện theo pháp luật tham dự buổi làm việc với Bộ GD&ĐT để xem xét, lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh.
Khi đào tạo không còn để phục vụ nền tri thức
Đây cũng không phải lần đầu tiên, cơ sở đại học này có những "lùm xùm" về hoạt động đào tạo, trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, sự tổn thất lớn nhất là thuộc về học viên, nếu họ biết đây là đào tạo "chui", chắc chắn cơ sở này sẽ không ai theo học.
Theo chuyên gia, từ lâu việc đào tạo trái quy định pháp luật đã là nỗi nhức nhối, đe dọa nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục. Cùng với đó, đây cũng thể hiện sự biến chất của cơ sở giáo dục, khi hoạt động đào tạo không còn vì mục đích cao nhất là tri thức, thay vào đó là lợi nhuận.
"Dù thực hiện dạy học nghiêm túc hay không nghiêm túc, việc tổ chức đào tạo "chui", không làm đúng chức năng quyền hạn, thì đều là hành vi coi thường pháp luật. Bộ GD&ĐT cần phải nghiêm túc xử lý, thậm chí là xử lý hình sự nếu cần thiết, không bao che cho những vi phạm, để đây trở thành vụ việc điển hình", ông Lê Viết Khuyến đánh giá.
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học bày tỏ, sự việc này trách nhiệm thuộc hoàn toàn về nhà trường và không phải lỗi của người học. Với sự tin tưởng, khó phân biệt, học viên rất khó biết được cơ sở nào hay chương trình học là đào tạo trái phép.
Hiệu trưởng không biết là vô trách nhiệm
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Minh Thúy – Văn phòng Luật sư Vạn Bảo, đoàn Luật sư Hà Nội đánh giá: "Qua sự việc này, chúng ta có thể thấy rõ được vấn đề về quản lý chất lượng đào tạo, quản lý các lớp đào tạo trong nhà trường. Để sự việc như trên xảy ra trong thời gian dài là trách nhiệm của cả một tổ chức và các cá nhân có liên quan - trong đó đầu tiên phải kể đến là trách nhiệm của người đứng đầu - hiệu trường nhà trường".
Theo luật sư, không thể nói rằng việc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở lớp học khi chưa được cấp phép là không có trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường.
Tuy nhiên, để xác định được chính xác mức độ chịu trách nhiệm của hiệu trưởng cần phải căn cứ vào mức độ thiệt hại, tính chất nghiêm trọng của sự việc để đưa ra chế tài và hình thức phù hợp với sai phạm của người đứng đầu một sơ sở giáo dục đại học.
Trước băn khoăn, ở đây có sự vô lý, buông lỏng trách nhiệm khi lãnh đạo nhà trường này quy kết việc đào tạo văn bằng 2 là do một số cá nhân hay không.
Bà Nguyễn Minh Thúy cho biết: "Đúng là có sự vô lý ở đây. Vì như đã phân tích ở trên, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng đào tạo, hiệu quả giáo dục, xây dựng các ngành, các lớp đào tạo phù hợp với cơ sở giáo dục do mình phụ trách".
Tuy nhiên, khi xảy ra sự việc vi phạm các quy định liên quan đến giáo dục, đào tạo tại cơ sở giáo dục do mình là người đứng đầu, vị lãnh đạo này lại quy kết nói rằng không biết sự việc trên và đó là do các cá nhân giảng viên tự mở lớp và thu học phí.
"Vậy câu hỏi đặt ra là vai trò quản lý của hiệu trưởng là gì? Lãnh đạo có thực sự sát sao, quan tâm đến chất lượng giáo dục, đào tạo, các ngành học, mà nhà trường được phép đào tạo và cấp bằng hay không?
Thậm chí, khó có thể vừa chót lọt được sự việc đào tạo "chui", lại cũng không hay biết về tình hình tài chính (thông qua việc thu học phí bất hợp lý), sử dụng cơ sở vật chất,… của nhà trường", nữ luật sư phân tích.
Mặc dù vậy, trường hợp này chưa đáp ứng yếu tố cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bà Thúy cho hay: "Ở đây, đúng là nhà trường đã đưa ra những thông tin không đúng để thu học phí của học viên. Tuy nhiên, việc thu học phí này tương ứng với hành vi có đào tạo của nhà trường, chứ không phải là thu học phí nhưng không đào tạo gì. Hành vi vi phạm ở đây là hành vi thông tin sai về việc đủ điều kiện mở lớp và cấp bằng. Do vậy, hành vi này chưa đáp ứng đủ các yếu tố".
Trong trường hợp này, để đảm bảo quyền lợi cho học viên, ban lãnh đạo nhà trường cần giải trình và xin ý kiến Bộ GD&ĐT về việc đề nghị các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện cấp bằng tiếp nhận những học viên đó, và đào tạo lại hoặc đào tạo tiếp để đạt đúng yêu cầu và điều kiện cấp văn bằng cho họ.
Trường hợp không được sự chấp thuận của Bộ GD&ĐT cũng như các cơ sở giáo dục đủ điều kiện khác, thì Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phải hoàn trả lại toàn bộ học phí đã thu của các học viên.