Vai trò của người có uy tín trong giữ gìn bản sắc văn hóa
Huyện miền núi Đoan Hùng hiện có 25 người có uy tín trong đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy số lượng người có uy tín không nhiều như một số huyện miền núi khác trên địa bàn tỉnh, song đội ngũ người có uy tín của huyện luôn khẳng định vai trò kết nối cộng đồng các DTTS với chính quyền địa phương; đồng thời là những điển hình trong gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là những người am hiểu truyền thống văn hóa của dân tộc, ngày đêm trăn trở, tìm cách gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.
![Ông Âu Đức Hợi truyền dạy cách cắt giấy dán trong lễ Chí Dịt cho thế hệ trẻ tại địa phương.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_444_51484216/b9e2c056f3181a464309.jpg)
Ông Âu Đức Hợi truyền dạy cách cắt giấy dán trong lễ Chí Dịt cho thế hệ trẻ tại địa phương.
Nhận thức được bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị tinh thần bền vững nhất, là sắc thái cội nguồn khơi niềm tự hào mỗi dân tộc, nhiều năm qua, ông Lý Cao Thái - người có uy tín ở khu 3, xã Chân Mộng đã tích cực vận động các gia đình trong dòng họ và nhân dân trên địa bàn bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp của cha ông. Ông Lý Cao Thái cho biết: Để làm tốt công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, người có uy tín không chỉ gương mẫu đi đầu thực hiện, còn tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục để bà con duy trì, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Cao Lan mình. Thực hiện tốt hương ước, quy ước của thôn, bản, từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan... làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cộng đồng.
Được biết, ông Lý Cao Thái đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết gìn giữ những phong tục truyền thống và truyền dạy lại văn hóa cho thế hệ trẻ người Cao Lan. Nhờ vậy, những năm gần đây các phong tục, điệu hát, múa, nhạc cụ mang sắc thái văn hóa độc đáo của dân tộc Cao Lan như: Lễ Chí Dịt, ném còn, kéo co, bắn nỏ, hát Sình ca, Vèo ca, múa chim gâu, xúc tép... đã được người dân trong xã duy trì và phát triển.
Xã Chân Mộng hiện có 11 người có uy tín với nhiều thành phần, từ già làng, trưởng khu, Bí thư chi bộ khu đến trưởng các dòng họ, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí, người sản xuất giỏi... Đây cũng là xã có nhiều người uy tín nhất huyện. Bên cạnh việc đi đầu và vận động người dân tích cực phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao thì việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng được những người có uy tín chú trọng tuyên truyền, vận động bà con thực hiện.
![Những điệu múa cổ của đồng bào dân tộc Cao Lan, xã Chân Mộng được duy trì biểu diễn trong các lễ hội.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_444_51484216/fdb87c0f4f41a61fff50.jpg)
Những điệu múa cổ của đồng bào dân tộc Cao Lan, xã Chân Mộng được duy trì biểu diễn trong các lễ hội.
Trước xu thế giao lưu và hội nhập mạnh mẽ, số nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng ít dần đi mà không có lớp kế cận. Một số nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ mai một. Với sự am hiểu truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mình, ông Âu Đức Hợi ở làng Ngọc Tân, khu 13, xã Ngọc Quan đã cùng với các già làng trong khu bảo tồn, gìn giữ các loại hình văn hóa, phong tục tập quán dân tộc Cao Lan để ghi lại và trao truyền cho thế hệ trẻ... Bằng uy tín, tiếng nói của mình, ông Hợi không chỉ tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các hủ tục lạc hậu, thay vào đó là duy trì và phát triển các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Với sự nỗ lực của người có uy tín như ông Hợi và cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều năm nay khu 13 luôn duy trì trên 90% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17 hộ, hộ cận nghèo giảm còn 12 hộ.
Những năm qua, người có uy tín của huyện Đoan Hùng luôn đi đầu và giữ vai trò nòng cốt trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động của đội ngũ người có uy tín mà đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện ngày càng ý thức hơn về giá trị của bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Người dân đã biết giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong cộng đồng. Đồng thời, tích cực tham gia khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống, phục dựng các nghi lễ mang đậm nét bản sắc văn hóa của dân tộc. Phát huy những giá trị tốt đẹp trong ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa mới.
Đồng chí Trần Tuấn Anh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: “Thời gian tới, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Đoan Hùng sẽ tiếp tục phát huy vai trò của các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín để bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Coi trọng và làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thông qua việc thống kê, lập hồ sơ các di sản văn hóa; khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu sâu, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể và vật thể; bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền”.