Người đàn ông ở Nam Định hơn 10 năm tạo 'cây nịnh vợ', giá nào cũng không bán
Hơn 10 năm qua, ông Trần Nhất Khoa (68 tuổi, trú tại làng Sắc, xã Mỹ Thắng, TP Nam Định) đã kiên trì uốn nắn một cây sanh theo hình dáng đặc biệt để tặng vợ.
Món quà đặc biệt tặng vợ
Ông Khoa có niềm yêu thích đặc biệt với cây cảnh. Với ông, chơi cây cảnh không chỉ là thú vui mà còn giúp ông rèn sự kiên nhẫn và có tinh thần thư thái. Đến nay, ông chơi cây cảnh được gần 30 năm.
Hơn 10 năm trước, khi mua về một gốc sanh nhỏ, ông nảy ra ý tưởng uốn cây theo thế “song thụ giao thân” - hai thân cây giao nhau, tạo thành điểm tựa vững chắc, tượng trưng cho tình phu thê gắn bó keo sơn để tặng vợ là bà Trần Thị Kim Oanh (66 tuổi). Bà Oanh là người rất ủng hộ niềm đam mê của chồng những năm tháng qua.

Ông Khoa đã dành hơn 1 thập kỷ để tạo tác "cây nịnh vợ"
Ông Khoa chia sẻ, việc tạo tác một cây cảnh có thế dáng mang ý nghĩa riêng đối với người không chuyên là rất khó. Ông đã tỉ mỉ làm từng đường dây uốn, cắt tỉa từng nhánh nhỏ để cây dần hình thành dáng thế theo ý muốn.
“Có những lần tôi uốn sai, phải cắt đi cả một cành lớn, tiếc lắm nhưng vẫn phải làm. Chăm cây cũng giống như giữ gìn hạnh phúc gia đình, cần kiên nhẫn, chịu khó và biết cách sửa sai”, ông Khoa nói.
Sau hơn một thập kỷ chăm chút, uốn nắn, cây đã đạt đến độ hoàn thiện, ông quyết định tặng vợ. Ông Khoa bộc bạch: “Tôi gọi vui đây là ‘cây nịnh vợ’ vì nó giúp tôi thể hiện được điều mà nhiều khi không thể diễn tả được bằng lời”.


Theo ông Khoa, cây có điểm tì đè giao nhau, tạo thành hình trái tim tượng trưng cho tình nghĩa phu thê
Bà Trần Thị Kim Oanh (66 tuổi) chia sẻ, khi nhận món quà đặc biệt từ chồng, bà rất xúc động. “Tôi rất hạnh phúc và tự hào vì chồng luôn quan tâm đến mình.
Lúc đầu tôi cũng không để ý lắm, chỉ nghĩ ông ấy thích cây cối thì cứ làm. Đến khi ông ấy bảo tặng cây này cho tôi và nói về ý nghĩa của dáng thế cây, tôi rất vui và xúc động vì thấy mình được trân trọng”, bà Oanh nói.
Giá cao cũng không bán
Mỗi cây cảnh không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật mà còn ẩn chứa một câu chuyện mang ý nghĩa sâu sắc của người tạo ra nó.
Đối với ông Khoa, "cây nịnh vợ" không chỉ thể hiện sự gắn kết tình cảm của vợ chồng ông mà còn để nhắn gửi đến con cháu, mong con cháu nhìn vào mà có thể hiểu được giá trị của gia đình.
“Thường ngày, chậu cây được đặt trong khoảng sân trước cửa nhà, ngày Tết thì tôi mang vào đặt ở bàn uống nước. Con cháu nhìn vào đó thấy cha mẹ hạnh phúc, tự nhiên cũng phấn khởi, cảm thấy ấm áp hơn”, ông Khoa tâm sự.
Ông Khoa chia sẻ, nhiều người khi nghe về ý nghĩa đặc biệt của chậu cây đã ngỏ ý muốn mua lại, thậm chí có người trả giá rất cao nhưng ông không bán.
“Tôi làm cây này không phải để kinh doanh mà để thể hiện tình cảm, gửi gắm tâm tư của mình với vợ. Đối với tôi, "cây nịnh vợ" này vô giá, vì tình nghĩa vợ chồng không thể đong đếm bằng tiền”, ông nói thêm.

Nhiều người trả giá "cây nịnh vợ" rất cao nhưng ông Khoa quyết không bán
Không chỉ riêng ông Khoa, cả làng nơi ông sống cũng có rất nhiều người đam mê cây cảnh. Dịp này, tại đình làng đang tổ chức triển lãm, trưng bày cây cảnh để những người cùng đam mê có thể giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Tại đây đang trưng bày hơn 130 tác phẩm cây cảnh lớn nhỏ của 57 người yêu cây, đa số là cây sanh, si. Điều đặc biệt, gần như tất cả những người đem cây ra trưng bày tại đình làng đều không kinh doanh cây cảnh.
Ông Khoa cũng mang “cây nịnh vợ” của mình ra đình làng để trưng bày, giao lưu. Câu chuyện của ông nhận được rất nhiều sự ngưỡng mộ, yêu thích.
"Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản là làm một món quà tặng vợ. Thấy vợ vui và thấy mọi người trân trọng giá trị của cây cảnh này, tôi càng cảm thấy việc mình làm có ý nghĩa hơn", ông Khoa bộc bạch.