Về đất Mường Ca Da thăm chùa Ông, động Bà
Vùng đất Mường Ca Da của xứ Thanh luôn thu hút khách du lịch với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ cùng các lễ hội, phong tục, tập quán đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái, Mông. Trong đó, chùa Ông, động Bà ở thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) là điểm đến yêu thích của nhiều du khách.

Chùa Ông được trang trí, xây dựng thêm nhiều tiểu cảnh đẹp.
Mảnh đất Mường Ca Da cổ gắn với những câu chuyện kỳ bí của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây cũng chính là một trong những sức hút với khách du lịch. Câu chuyện tình yêu thủy chung, son sắt nhưng đầy bi ai của chàng trai người Việt và cô công chúa nước Lào gắn liền với Di tích chùa Ông, động Bà đã làm xúc động biết bao du khách.
Di tích tọa lạc ngay dưới chân núi Chùa, khu phố 1, thị trấn Hồi Xuân. Bên tả sông Mã là chùa Ông, nhìn sang bên kia sông là động Bà. Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có một chàng trai tên Cả Cò, thường mang các vật dụng săn bắt đến thượng nguồn sông Mã và vùng mường Luông của nước Lào để buôn bán... Tại đây, Cả Cò gặp Xao La - con gái út của vua nước Lào và hai người bén duyên nhau. Sau thời gian hẹn hò, hai người được nhà vua đồng ý kết duyên vợ chồng nhưng với một điều kiện chàng Cả Cò phải ở rể. Vì yêu nàng Xao La, Cả Cò đã chấp nhận đề nghị này. Cuộc sống đang hạnh phúc thì Cả Cò nghe tin cha bị bệnh nặng liền xin phép vua Lào về thăm cha. Chồng về quê đã lâu mà không nhận được tin tức, nàng Xao La cùng con đã lên đường về vùng Mường Ca Da tìm chồng.
Nghe tin, Cả Cò băng rừng, vượt núi đón vợ con. Nhưng, cơn lũ dữ bất ngờ ập đến, nước sông Mã dâng cao, không có cách nào qua sông, Cả Cò đành ngậm ngùi đứng bên tả ngóng trông vợ con. Bên kia sông, nàng Xao La cũng đang đứng chờ chồng. Ngày qua ngày, nước sông Mã vẫn dâng cao, chảy xiết, tuy nhiên, mẹ con Xao La không trở về quê hương mà ở lại hang Pha Múng Mường đợi chồng. Cứ thế, hai vợ chồng cùng đứa con thơ ở đôi bờ sông Mã gọi tên trong vô vọng. Sau đó, ba người chết rồi hóa thành tượng đá.

Du khách chụp ảnh tại chùa Ông.
Cảm phục trước lòng chung thủy, yêu thương nhau của vợ chồng Cả Cò, Xao La, người dân địa phương đã lập đền thờ ở hai bên bờ sông Mã và đặt tên là chùa Ông, động Bà. Câu chuyện tình yêu bất diệt của đôi trai gái được người dân tộc Thái tại Quan Hóa truyền từ đời này sang đời khác. Bên cạnh đó, theo các cụ cao niên trong làng, chùa Ông là nơi linh thiêng được các bậc vua chúa xưa luôn luôn thờ phụng. Ngày nay, những người muốn xin “lộc” buôn bán, làm ăn thường đến chùa Ông còn những người mong cho gia đình hòa thuận thì đến động Bà.
Hiện nay, quanh khu vực chùa Ông, động Bà vẫn còn giữ được hệ sinh thái tương đối nguyên sơ, với hệ thống hang động phong phú, hấp dẫn, rừng nhiệt đới xanh tốt quanh năm. Bởi vậy, đến với di tích, du khách không chỉ được hòa mình vào không khí thiên nhiên trong lành, tươi đẹp mà còn được hiểu thêm về vùng đất Mường Ca Da nổi tiếng với nhiều truyền thuyết hấp dẫn...

Đông đảo du khách đến tham quan, vãn cảnh chùa Ông những ngày đầu xuân.
Vào dịp đầu xuân năm mới, chùa Ông, động Bà là điểm đến tâm linh của đông đảo du khách trong tỉnh. Chị Nguyễn Thị Thủy, một du khách đến từ TP Thanh Hóa, sau khi tham quan chùa Ông, động Bà, chia sẻ: “Bên cạnh vẻ đẹp thì những câu chuyện gắn liền với di tích đã giúp tôi hiểu hơn về điểm đến, về cái nhìn, quan điểm, phong tục của chính người dân nơi đây...".
Từ khu thắng cảnh này, du khách có thể dễ dàng di chuyển đến các điểm du lịch nổi tiếng của huyện Quan Hóa, như: điểm du lịch cộng đồng bản Hang (Phú Lệ), bản Bút (Nam Xuân), bản Vinh Quang (Phú Nghiêm); khám phá hang động kỳ bí: hang Phi, hang Co Phường, hang Co Luồng, hang Na...; trải nghiệm chèo bè trên lòng hồ Pha Đay, hồ Vinh Quang... Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của đồng bào các dân tộc như lễ hội Mường Ca Da (một trong những mường cổ của người Thái), xường Mường, cồng chiêng, khèn bè, khèn lá, các trò chơi dân gian truyền thống ném còn, chọi cù, kéo co, bắn nỏ...