Tỷ giá tăng có tạo áp lực lên thị trường chứng khoán?
Diễn biến thị trường chứng khoán những năm gần đây cho thấy có mối tương quan giữa tỷ giá USD/VND và các đợt điều chỉnh của VN-Index, dù không phải lúc nào cũng rõ ràng và trực tiếp. Tỷ giá tăng thường tạo áp lực lên VN-Index.
Tuần qua, tỷ giá trung tâm USD/VND liên tục đi lên. Tính từ phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ (ngày 3/2), tỷ giá trung tâm ở mức 24.325 đồng, đến 17/2 đã tăng tổng cộng 252 đồng.
Đồng USD tăng mạnh và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Một trong những nguyên nhân chính khiến USD mạnh lên là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với toàn bộ mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, Trung Quốc ngay lập tức có động thái đáp trả, công bố danh sách các mặt hàng Mỹ bị áp thuế mới. Động thái này làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại kéo dài, khiến USD trở thành kênh trú ẩn an toàn, thu hút dòng tiền đầu tư.
Bên cạnh đó, nguy cơ lạm phát tại Mỹ cũng đang gia tăng khi thuế nhập khẩu có thể làm giá hàng hóa leo thang. Trước tình hình này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ duy trì chính sách lãi suất cao để kiểm soát lạm phát. Chính sách này càng làm USD trở nên hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư, đẩy tỷ giá USD lên mức cao nhất trong nhiều tháng qua.
![Tỷ giá tăng thường tạo áp lực lên VN-Index.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_18_594_51501413/c791f894d5da3c8465cb.jpg)
Tỷ giá tăng thường tạo áp lực lên VN-Index.
Theo các chuyên gia kinh tế, đồng USD đang duy trì xu hướng tăng mạnh và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. So với đầu năm nay, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã tăng 0,18%, đang giao dịch ở mức 25.530 đồng, thiết lập mức đỉnh mới.
Khi đồng USD mạnh lên, dòng vốn toàn cầu thường có xu hướng đầu tư vào thị trường Mỹ nói chung, các tài sản định giá bằng USD nói riêng, khiến các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, bị rút vốn. Hệ quả là nhà đầu tư nước ngoài có động thái bán ròng trên thị trường chứng khoán (TTCK), góp phần tạo nên các đợt điều chỉnh ngắn hạn của VN-Index. Trong khi đó, tâm lý phòng thủ trước rủi ro toàn cầu khiến nhà đầu tư nội e dè hơn, nhất là khi chứng kiến những biến động khó lường trên thị trường tài chính quốc tế.
Diễn biến TTCK trong những năm gần đây cho thấy có mối tương quan giữa tỷ giá USD/VND và các đợt điều chỉnh của VN-Index, dù không phải lúc nào cũng rõ ràng và trực tiếp. Tỷ giá tăng tạo áp lực lên VN-Index, bởi sức hấp dẫn của tài sản định giá bằng VND như cổ phiếu, trái phiếu giảm, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi TTCK Việt Nam để đầu tư vào các tài sản bằng USD hoặc các đồng tiền mạnh khác.
Ngược thời gian, trong năm 2024, câu chuyện tỷ giá trở thành vấn đề nóng và trải qua nhiều biến động đáng chú ý với các đợt tăng mạnh vào tháng 3, tháng 6 và tháng 10. Những biến động này chịu tác động của hàng loạt yếu tố như chênh lệch lãi suất USD - VND, đà tăng của chỉ số DXY trên toàn cầu, giá vàng và thị trường tiền số tăng mạnh, nhu cầu nhập khẩu trong nước tăng trở lại khi kinh tế phục hồi... Trong năm 2024, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã tăng 4,7%, gây áp lực không nhỏ đến diễn biến và tâm lý thị trường chung, nhất là khối ngoại.
Theo thống kê của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán VPBank, khi tỷ giá tăng và mức tăng vượt quá 2% thì TTCK thường xuất hiện nhịp điều chỉnh. Mức độ điều chỉnh có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng khi tỷ giá tăng, khối ngoại bán ròng, tâm lý thị trường thận trọng, thị trường chịu áp lực trong ngắn hạn.
Chỉ diễn ra trong ngắn hạn?
Cũng theo ông Trần Hoàng Sơn, diễn biến tỷ giá vẫn đang được các doanh nghiệp cũng như các tổ chức kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo dõi sát sao. Tỷ giá tăng “nóng” ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn trên thị trường và tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, tùy thuộc vào từng ngành nghề.
Việc tỷ giá đang chịu áp lực lớn buộc NHNN thay đổi cơ chế điều hành.
Ngày 11/2/2025, NHNN đã thay đổi phương pháp xác định giá mua - bán USD, chuyển sang cơ chế bám sát biến động tỷ giá trung tâm hàng ngày thay vì duy trì mức cố định như trước đây. Theo đó, NHNN đã nâng giá bán USD thêm 248 điểm, đạt 25.698 VND/USD. Động thái này nhằm tăng cường khả năng thích ứng của tỷ giá VND/USD với các biến động quốc tế, giúp giảm thiểu tác động từ các cú sốc bên ngoài trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng.
Chứng khoán KIS nhận thấy mỗi khi NHNN tăng giá bán USD, chỉ số VN-Index thường chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn. Hiện tượng này đã lặp lại từ năm 2020. VND mất giá khiến nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ròng do lo ngại lỗ tỷ giá, dẫn đến dòng vốn rút ra, làm tăng biến động và tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư nội địa. Trong bối cảnh FED duy trì lập trường chính sách cứng rắn, áp lực lên VN-Index càng thêm rõ nét.
Về mặt lý thuyết, đồng VND yếu hơn có thể hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, tỷ trọng các doanh nghiệp xuất khẩu được niêm yết trên TTCK Việt Nam vẫn còn hạn chế (chỉ khoảng hơn 60 doanh nghiệp), chưa đủ để làm đảo chiều xu hướng suy giảm của toàn thị trường.
Nhưng về dài hạn, cơ chế mới sẽ giúp tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt hơn, hỗ trợ nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng tiếp tục tăng trưởng.
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Khối Nghiên cứu Đầu tư, Công ty cổ phần FIDT, so với các đồng tiền khác trong khu vực, VND nhìn chung vẫn giữ được mức ổn định tương đối, một phần nhờ chính sách điều hành của NHNN và dự trữ ngoại hối ổn định.
Thêm vào đó, tác động của tỷ giá lên doanh nghiệp có sự phân hóa: các công ty có doanh thu bằng USD hoặc xuất khẩu lớn có thể hưởng lợi, trong khi doanh nghiệp nhập khẩu hoặc vay nợ bằng USD đối mặt với áp lực chi phí tăng cao.
“Trong trung và dài hạn, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết là nhân tố chủ chốt định hướng xu thế của VN-Index. Các yếu tố vĩ mô như mặt bằng lãi suất, chính sách tài khóa và tốc độ tăng trưởng GDP sẽ góp phần quan trọng trong việc thu hút dòng tiền vào TTCK”, ông Huy nhận định.