Sức nóng tỷ giá USD/VND trước áp lực cuộc chiến thuế quan

Sau khi tỷ giá USD/VND bật tăng mạnh tuần qua, nhà điều hành mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu và điều chỉnh giá bán USD tại sở giao dịch sau thời gian dài đi ngang. Giới phân tích cho rằng, diễn biến tỷ giá cần được theo dõi chặt chẽ trong nửa đầu năm 2025, bởi 'ẩn số' thuế quan có thể sẽ tiếp tục đẩy tỷ giá USD/VND lên cao.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô tháng 2/2025 vừa được Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS) công bố, nhóm phân tích đánh giá, thị trường tài chính đang trong bối cảnh tỷ giá USD/VND đang có xu hướng tăng mạnh từ cuối năm 2024. Dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng trong năm 2025, có thể lên đến mức 26.000 VND/USD vào cuối năm, phản ánh sự biến động mạnh mẽ từ các yếu tố bên ngoài.

Thêm áp lực từ "ẩn số" thuế quan

Tỷ giá hiện đang ở mức cao nhất trong nhiều tháng qua, với tỷ giá trung tâm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ngày 17/2 đạt mức 24.577 VND/USD, tăng 15 đồng. Tỷ giá USD của các ngân hàng thương mại có lúc lên 25.740 VND/USD (ngày 12/2).

Theo nhóm phân tích TPS, một trong những tác động lớn đến tỷ giá USD/VND là tình hình lạm phát tại Mỹ. Lạm phát tăng lên 3% trong tháng 1/2025, gây khó khăn cho kế hoạch cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Việc hạn chế tiến trình giảm lãi suất của Fed trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn ổn định và thị trường lao động vững vàng, đã giữ cho đồng USD mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, các chính sách thuế quan và cắt giảm thuế của Mỹ, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Donald Trump cũng gây ra sự không chắc chắn trong thương mại quốc tế. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác mà còn làm gia tăng áp lực lên các đồng tiền quốc gia, bao gồm cả đồng Việt Nam (VND). Chính sách thuế quan có thể sẽ tiếp tục đẩy tỷ giá USD/VND lên cao, vì dòng tiền quốc tế tiếp tục đổ vào USD như một kênh đầu tư an toàn.

Cuộc chiến thương mại kéo dài sẽ làm chậm lộ trình giảm lãi suất của Fed. Ảnh minh họa.

Cuộc chiến thương mại kéo dài sẽ làm chậm lộ trình giảm lãi suất của Fed. Ảnh minh họa.

"Trong bối cảnh này, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá trung tâm và tăng trần tỷ giá USD bán ra. Việc tăng trần tỷ giá USD cho phép NHNN có thêm công cụ để can thiệp vào thị trường sau này khi cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh dự trữ ngoại hối có thể bị ảnh hưởng" - nhóm phân tích TPS nhận định.

Tỷ giá lên 26.000 VND/USD là tích cực

“Việc tỷ giá tăng mạnh đầu năm còn gây bất ngờ với giới đầu tư khiến cho phản ứng của thị trường có phần thái quá trong các phiên ngày 12/02/2025, tuy nhiên dựa trên định hướng thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ trong năm nay của Chính phủ và tình hình bất ổn về chính trị thương mại thế giới, kịch bản tỷ giá USD/VND giới hạn tới 26.000 đồng/USD là một kịch bản tích cực” - nhóm phân tích nhận định.

Cùng chung quan điểm, nhóm phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, diễn biến tỷ giá cần được theo dõi chặt chẽ trong nửa đầu năm 2025, do lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed đối mặt với những trở ngại từ áp lực lạm phát của thương chiến, đặc biệt trong bối cảnh CPI cơ bản của Mỹ ổn định ở mức 3,2 - 3,3% so với cùng kỳ năm trước, do áp lực dai dẳng từ lĩnh vực dịch vụ.

Trong khi thị trường kỳ vọng Fed sẽ có hai đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, chi tiêu hộ gia đình mạnh mẽ, việc làm ổn định và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp bền vững cho thấy các yếu tố bất định vẫn đang tiếp diễn, tạo tiền đề cho một giai đoạn thận trọng của Fed thông qua sự phụ thuộc vào dữ liệu.

Cũng theo Mirae Asset, thương mại toàn cầu leo thang căng thẳng khi Tổng thống Trump áp thuế 25% lên hàng hóa Mexico, Canada và đồng thời áp thêm 10% đối với các mặt hàng từ Trung Quốc có tổng trị giá 525 tỷ USD. Phản ứng của Trung Quốc bao gồm đệ đơn lên WTO cùng biện pháp trả đũa nhắm vào than đá, LNG và các khoáng sản chiến lược như: vonfram, telua - những mặt hàng then chốt cho công nghệ cao của Mỹ.

Phân tích kỹ về tác động của các chính sách thuế quan lên các quốc gia, theo nhóm phân tích, tác động thực tế của cuộc chiến tranh thương mại này sẽ vượt ra ngoài phạm vi thương mại quốc tế, vì tất cả các bên đều sẽ chịu ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau.

Việt Nam với mức thâm hụt thương mại lên đến 123 tỷ USD với Mỹ vào năm 2024, có thể sẽ chưa ghi nhận bất kỳ tác động trực tiếp nhờ vào chiến lược “Trung Quốc +1" của các doanh nghiệp FDI.

Các ước tính cho thấy thương chiến kéo dài có thể làm giảm 0,6 điểm phần trăm GDP Trung Quốc và đẩy lạm phát cơ bản tại Mỹ tăng thêm 0,8 điểm phần trăm, từ đó ảnh hưởng gián tiếp đến lộ trình giảm lãi suất của Fed, bối cảnh tỷ giá và môi trường lãi suất tại Việt Nam.

Đối với Mỹ, Economist Intelligence Unit ước tính việc tăng thuế 20 điểm phần trăm đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ có thể làm giảm GDP của Trung Quốc khoảng 0,6 điểm phần trăm từ năm 2025-2027, trong khi Fed chi nhánh Boston ước tính rằng việc kết hợp thuế quan đối với Canada, Mexico và Trung Quốc có thể dẫn đến lạm phát PCE cơ bản tăng 0,8 điểm phần trăm.

"Do đó, một cuộc chiến thương mại kéo dài sẽ góp phần làm gia tăng áp lực lạm phát đối với hoạt động tiêu dùng nội địa của Mỹ, làm chậm lộ trình giảm lãi suất của Fed; qua đó tác động gián tiếp đến tỷ giá và môi trường lãi suất của Việt Nam" - Mirae Asset nhìn nhận.

Ứng phó với áp lực tỷ giá

Nhìn lại diễn biến trên thị trường ngoại tệ tuần qua, trong tuần từ 10/2 - 14/2, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng ở hầu hết các phiên. Chốt ngày 14/2, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.562 VND/USD, tăng 100 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Kể từ ngày 11/2 NHNN quay trở lại niêm yết tỷ giá mua giao ngay cao hơn 50 đồng so với tỷ giá sàn và tỷ giá bán giao ngay thấp hơn 50 đồng so với tỷ giá trần (sau thời gian dài niêm yết đi ngang lần lượt ở mức 23.400 và 25.450 VND/USD). Kết thúc tuần, tỷ giá mua giao ngay của NHNN ở mức 23.384 VND/USD và tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.740 VND/USD.

Sức nóng tỷ giá USD/VND trước áp lực cuộc chiến thuế quan. Ảnh tư liệu.

Sức nóng tỷ giá USD/VND trước áp lực cuộc chiến thuế quan. Ảnh tư liệu.

Thị trường tiền tệ liên ngân hàng, lãi suất VND liên ngân hàng các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống giảm dần sau khi giật lên ở phiên ngày thứ hai. Chốt ngày 14/2, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch ở mức: qua đêm 4,02% (giảm 0,48 điểm phần trăm); 1 tuần 4,35% (giảm 0,33 điểm phần trăm); 2 tuần 4,63% (giảm 0,17 điểm phần trăm); 1 tháng 4,80% (giảm 0,10 điểm phần trăm).

Lãi suất USD liên ngân hàng giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Phiên 14/2, lãi suất USD liên ngân hàng, giao dịch tại: qua đêm 4,33% (giảm 0,04 điểm phần trăm); 1 tuần 4,40% (giảm 0,02 điểm phần trăm); 2 tuần 4,48% (giảm 0,03 điểm phần trăm) và 1 tháng 4,53% (giảm 0,05 điểm phần trăm).

Trên thị trường mở tuần qua, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu hai loại kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày với tổng khối lượng là 109.000 tỷ đồng, lãi suất cùng giữ ở mức 4%. Có 85.633,76 tỷ trúng thầu và có 121.138,62 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.

NHNN chào thầu tín phiếu NHNN đấu thầu lãi suất ở kỳ hạn 7 ngày. Có 19.599,6 tỷ đồng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu giảm nhẹ ở hai phiên cuối tuần, từ mức 4% lần lượt xuống 3,97% và 3,9%. Có 16.999,8 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua./.

Ngân hàng Nhà nước hút ròng trở lại 38 nghìn tỷ đồng

Tuần từ 10/2 - 14/2, NHNN hút ròng 38.104,66 tỷ đồng khỏi thị trường bằng kênh thị trường mở. Có 119.535,76 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 19.599,6 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.

Ánh Tuyết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/suc-nong-ty-gia-usdvnd-truoc-ap-luc-cuoc-chien-thue-quan-170613.html
Zalo