Việt Nam 'mở cửa' chào đón công ty Starlink của Elon Musk
Chính phủ dự kiến thông qua quy định cho phép Starlink hoạt động tại Việt Nam và giữ nguyên quyền sở hữu nước ngoài, đánh dấu bước ngoặt trong chính sách và có thể giảm áp lực thương mại từ Mỹ…

Việt Nam dự kiến sẽ ban hành quy định cho phép Starlink của tỷ phú Elon Musk cung cấp dịch vụ internet vệ tinh trong nước, đồng thời đảm bảo công ty vẫn giữ quyền sở hữu 100% đối với chi nhánh địa phương, Reuters đưa tin.
SpaceX đã cố gắng thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ lâu nhưng các kế hoạch bị đình trệ vào cuối năm 2023 sau khi chính phủ từ chối dỡ bỏ lệnh cấm đối với các nhà cung cấp internet vệ tinh thuộc kiểm soát nước ngoài.
Dự thảo quy định mới, có khả năng được Quốc hội thông qua trong một phiên họp bất thường vào ngày 19/2, sẽ cho phép các nhà cung cấp Internet có mạng lưới vệ tinh quỹ đạo thấp thuộc kiểm soát hoàn toàn của nước ngoài được triển khai hoạt động tại Việt Nam. Chính sách sẽ được thí điểm đến cuối năm 2030.
Quy định này nhằm mục tiêu gỡ bỏ các rào cản trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các dự án thuộc chương trình thí điểm sẽ cần sự phê duyệt từ Thủ tướng Phạm Minh Chính.
SpaceX và Bộ Thông tin - Truyền thông Việt Nam chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
Trong những tuyên bố trước đó, chính phủ cho biết SpaceX đang muốn đầu tư 1,5 tỷ USD và mở rộng mạng lưới nhà cung cấp tại Việt Nam. Vào tháng 9/2024, Phó Chủ tịch cấp cao của SpaceX, ông Tim Hughes đã có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hà Nội, bày tỏ mong muốn cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh cho Việt Nam, đặc biệt hỗ trợ giáo dục, đào tạo, phòng chống thiên tai.
Dịch vụ Internet vệ tinh Starlink vào Đông Nam Á từ đầu 2023, khởi đầu với Philippines, Malaysia và dự kiến sẽ mở rộng sang một số quốc gia khác trong thời gian tới. Trên website của hãng, Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia chưa có thời gian cụ thể hoặc chờ phê duyệt.
Nếu nhiều doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam đăng ký sử dụng Starlink, điều đó có thể giúp giảm thặng dư thương mại khổng lồ mà Việt Nam có với Mỹ, theo một người am hiểu về các cuộc thảo luận tiết lộ với Reuters.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ năm ngoái đạt mức kỷ lục 123,5 tỷ USD, cao thứ tư trong số các đối tác thương mại của Mỹ, theo dữ liệu từ Washington.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu đội ngũ cố vấn xây dựng chính sách thuế quan đối ứng đối với tất cả các quốc gia áp thuế lên hàng hóa Mỹ, với thời hạn hoàn thành trước ngày 1/4. Các trợ lý của ông cho biết những quốc gia có thặng dư thương mại lớn sẽ được giám sát kỹ lưỡng.
Nếu bị áp dụng, thuế quan bổ sung của Mỹ có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế Việt Nam.
Để thu hẹp thặng dư thương mại với Mỹ, Việt Nam cũng đã đề xuất nhập khẩu thêm nông sản Mỹ và đang thảo luận về các mặt hàng nhập khẩu tiềm năng khác.