Tuyên truyền qua mô hình 'Tổ phụ nữ vần đổi công Việt Nam - Campuchia'

Mô hình này đã tạo việc làm ổn định cho đồng bào dân tộc Khmer và góp phần tuyên truyền, hạn chế tình trạng buôn bán người qua biên giới Tây Ninh.

Từ 5h sáng, các thành viên trong "Tổ phụ nữ vần đổi công Việt Nam - Campuchia" tất bật thu hoạch khoai mì trên cánh đồng thuộc xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Mô hình "Tổ phụ nữ vần đổi công Việt Nam - Campuchia" được thành lập từ năm 2014 nhằm góp phần tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng mua bán người qua biên giới, giúp chị em trong tổ xoay vòng hỗ trợ nhau giải quyết việc đồng áng khi vào mùa vụ, tạo việc làm ổn định cho đồng bào dân tộc Khmer.

Đặc biệt, mô hình còn tạo cầu nối giữa người lao động hai bên biên giới. Phía Campuchia có hai tổ đầu công do chị Cà Phíp và Sóc Niên phụ trách, với khả năng cung ứng hàng trăm lao động thời vụ. Việc qua lại làm việc giữa hai bên được thực hiện theo đúng quy định và có sự hỗ trợ tích cực của lực lượng Biên phòng.

Hiện nay, mô hình có 5 tổ đầu công theo địa bàn, với khoảng 20 thành viên/tổ, gồm có tổ trưởng, tổ phó và thư ký, do Hội phụ nữ ở xã đứng ra để quản lý. Trong 6 tháng đầu năm 2024, mô hình đã giúp 107 thành viên trong các tổ và 241 hội viên, phụ nữ ngoài tổ vần đổi được 17.377 lượt ngày công làm theo thời vụ. Tổng thu nhập đạt trên 2,7 tỷ đồng, bình quân mỗi lao động có thu nhập thêm từ 3 - 4,5 triệu đồng/tháng.

Ngoài giá trị kinh tế, mô hình còn giúp nâng cao nhận thức chính trị cho chị em phụ nữ, đặc biệt là đồng bào DTTS tại địa phương về vai trò đối ngoại nhân dân, hiểu rõ các quy định cư trú, đi lại trong khu vực biên giới. Qua đó góp phần hạn chế tình trạng mua bán người, không để phát sinh tệ nạn xã hội do thời gian nhàn rỗi.

Sau giờ lao động, các “Tổ phụ nữ vần đổi công Việt Nam - Campuchia" lại có buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng.

Thông qua buổi sinh hoạt, Hội phụ nữ thực hiện tuyên truyền, truyền thông trực tiếp về chủ đề phòng, chống mua bán người bảo đảm quyền con người, nâng cao cảnh giác trong quần chúng nhân dân, đề phòng và kịp thời phát hiện tố giác hoạt động của bọn tội phạm với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Theo chị Sóc Niên, phụ trách tổ, trước đây, công việc của nhiều chị em phụ nữ không được ổn định, thu nhập thì bấp bênh, khiến nhiều người bị lừa sang Campuchia lao động. Từ khi tham gia các mô hình vần đổi công, thu nhập của các thành viên đều tăng thêm từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng. Từ đó, đời sống của chị em ổn định hơn, hiểu biết được nâng cao.

Ngoài ra, “Tổ phụ nữ vần đổi công Việt Nam - Campuchia" còn sử dụng trang fanpage, facebook, các nhóm zalo của các cấp hội phụ nữ để tuyên truyền giáo dục phòng chống mua bán người; truyền thông nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ, người dân về sử dụng mạng xã hội an toàn, nhằm giảm thiểu nguy cơ mua bán người cũng như các loại tội phạm trên không gian mạng.

Theo đó, xã Ninh Điền có 8km đường biên giới giáp với xã Kokir Saom (Cây Xôm), huyện Svay Theab, tỉnh Svay Rieng (Campuchia). Dọc hai bên đường biên giới là những cánh đồng rộng lớn trồng mía và mì, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong khu vực.

Từ một xã nghèo vùng biên giới, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh đã có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội nhờ mô hình "Tổ phụ nữ vần đổi công Việt Nam - Campuchia". Đặc biệt, mô hình này đã tạo việc làm ổn định cho đồng bào dân tộc Khmer và góp phần hạn chế tình trạng buôn bán người qua biên giới.

Nguyễn Huế

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tuyen-truyen-qua-mo-hinh-to-phu-nu-van-doi-cong-viet-nam-campuchia-2347464.html
Zalo