Khánh Sơn: Phát huy vai trò người có uy tín trong giảm nghèo

Những năm qua, huyện Khánh Sơn đã triển khai nhiều chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Qua đó, phát huy vai trò của người có uy tín trong tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương.

Đi đầu trong phát triển sản xuất

Sáng sớm, ông Bo Bo Khá - người Raglai có uy tín ở Tổ dân phố Hạp Thịnh (thị trấn Tô Hạp) lại đi chăm sóc vườn sầu riêng hơn 2ha của gia đình, với 400 cây sầu riêng từ 4 đến 10 năm tuổi. Theo ông Bo Bo Khá, trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng cà phê và tiêu nhưng hiệu quả không cao nên chuyển đổi dần sang sầu riêng. Ban đầu, ông cũng gặp nhiều khó khăn bởi chưa nắm kỹ thuật chăm sóc; nhờ ham học hỏi, tự tìm tòi, áp dụng kỹ thuật, tưới tiết kiệm nên cây sầu riêng phát triển tốt. Năm nay, vườn sầu riêng của gia đình ông Khá cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 3 lao động tại địa phương. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông còn hướng dẫn, hỗ trợ nhiều hộ ĐBDTTS ở địa phương để chuyển đổi sang trồng sầu riêng, hướng dẫn kinh nghiệm chăm sóc cây hiệu quả để cùng nhau thoát nghèo.

Một trong những hộ được ông Bo Bo Khá tận tình hướng dẫn là gia đình ông Mấu Nguyễn cũng ở Tổ dân phố Hạp Thịnh. Ông Mấu Nguyễn bày tỏ: “Khi chuyển đổi sang trồng sầu riêng cách đây 5 năm, tôi không hiểu nhiều về loại cây này. Nhờ ông Bo Bo Khá hỗ trợ, hướng dẫn cách chăm sóc nên cây phát triển tốt, năm nay đã thu hoạch được hơn 150 triệu đồng, thoát khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương. Trong những năm tới, khi cây sầu riêng cho năng suất ổn định, gia đình tôi sẽ có nguồn thu cao hơn nữa”.

Ông Bo Bo Khá đi đầu trong chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng.

Ông Bo Bo Khá đi đầu trong chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng.

Ông Cao Đảm cũng là người có uy tín được ĐBDTTS ở thôn Xóm Cỏ (xã Sơn Bình) quý mến. Không chỉ đi đầu trong chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế gia đình, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mà ông còn vận động hàng chục hộ trong thôn chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm… Cách đây 15 - 16 năm, gia đình ông chỉ trồng mì, bắp; quẩn quanh lo cái ăn, cái mặc chưa đủ, không thoát được nghèo. Khi cây sầu riêng bén rễ ở Khánh Sơn, ông Cao Đảm là một trong những người tiên phong chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Đến nay, gia đình ông đã gây dựng được vườn sầu riêng hơn 2ha, mỗi năm thu 600 - 700 triệu đồng. Thấy gia đình ông Đảm khấm khá lên nhờ trồng sầu riêng, nhiều hộ xung quanh đến học hỏi, tìm hiểu để chuyển đổi cây trồng và được ông tận tình hướng dẫn, nhờ đó đã vươn lên thoát nghèo. “Giải pháp hữu hiệu nhất để thuyết phục đồng bào đó là bản thân mình phải gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, việc làm. Do đó, tôi luôn nỗ lực lao động sản xuất, làm giàu cho bản thân, gia đình và làm gương cho người dân trong thôn, xóm làm theo. Bây giờ, đời sống của ĐBDTTS trong thôn khấm khá hơn nhiều nhờ trồng sầu riêng, hộ nghèo giảm nhiều”, ông chia sẻ.

Phát huy vai trò của người có uy tín

Hiện nay, trên địa bàn Khánh Sơn có 29 người có uy tín trong ĐBDTTS. Vai trò của người có uy tín thể hiện ở mọi mặt của đời sống như: Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện và chấp hành pháp luật; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng; giữ gìn phong tục tập quán, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, người có uy tín đã đi đầu trong phát triển kinh tế; tích cực vận động và giúp đỡ nhiều hộ ĐBDTTS tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình. Bản thân người có uy tín và gia đình họ cũng có nhiều đóng góp tích cực như: Ngày công lao động, hiến đất, có những mô hình làm kinh tế hiệu quả được nhiều người học tập, làm theo…; đồng thời tích cực tham gia quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển ở địa phương và chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt, khi cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức lấy ý kiến về việc xây dựng, triển khai các chương trình, những người có uy tín luôn hăng hái đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cộng đồng dân cư để triển khai thực hiện...

Theo ông Đỗ Huy Hiệp - Trưởng phòng Dân tộc huyện Khánh Sơn, vai trò của các già làng, trưởng thôn, người có uy tín rất quan trọng, nhất là việc tuyên truyền vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nỗ lực vươn lên, giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, đến cuối năm, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chỉ còn hơn 20%, hộ cận nghèo còn 11,3%; Khánh Sơn đã đáp ứng được các tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo. Để phát huy vai trò của người có uy tín trong ĐBDTTS tại địa phương, trong thời gian tới, Phòng Dân tộc huyện tiếp tục chủ động cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; báo cáo kết quả thực hiện chính sách đối với người có uy tín; tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kết quả thực hiện chương trình, chính sách dân tộc tại địa phương; một số quy định pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cùng với đó, tổ chức cho người có uy tín đi tham quan, giao lưu, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn; thực hiện kịp thời các chính sách dành cho người có uy tín trên địa bàn.

HẢI LĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202412/khanh-son-phat-huy-vai-tro-nguoi-co-uy-tin-trong-giam-ngheo-4062712/
Zalo