Hãng kim cương tự nhiên lớn nhất thế giới bất ngờ giảm giá

Một khảo sát cho thấy phần lớn Gen Z thích viên kim cương nhân tạo 3 carat hơn kim cương tự nhiên 1 carat. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới ngành công nghiệp trang sức.

De Beers, thương hiệu sản xuất kim cương tự nhiên lớn nhất thế giới, thông báo giảm giá từ 10-15%, theo ghi nhận của Bloomberg. Điều này xuất phát từ sự phổ biến của kim cương nhân tạo, cùng bối cảnh kinh tế khó khăn và nhu cầu tiêu dùng xa xỉ tại thị trường Trung Quốc suy giảm.

Theo Bloomberg, đây là lần đầu tiên De Beers giảm giá trong năm nay, với mức giảm cao nhất từng thấy. Dường như giảm giá là biện pháp cuối cùng của hãng sau nhiều nỗ lực để thu hút khách hàng.

Theo chia sẻ từ đại diện của De Beers với Fortune, ngoài báo cáo tài chính, họ không có bình luận gì về vấn đề thay đổi giá cả đối với doanh số kim cương thô của thương hiệu.

Tuy nhiên, De Beers nhận thấy điều đáng chú ý là sự bình ổn giá cả của kim cương đã đánh bóng, cũng như tình trạng giảm trữ lượng ở cửa hàng và đại lý bán lẻ trong thời gian gần đây.

Người đại diện cho biết đó là nền tảng giúp họ quay trở lại trạng thái cân bằng và tăng trưởng khi hoạt động kinh doanh bắt đầu trở lại sau thời gian nghỉ lễ Diwali kéo dài.

 Đế chế kim cương tự nhiên De Beers thông báo giảm giá từ 10-15%, theo ghi nhận của Bloomberg. Ảnh: De Beers.

Đế chế kim cương tự nhiên De Beers thông báo giảm giá từ 10-15%, theo ghi nhận của Bloomberg. Ảnh: De Beers.

Dẫu vậy, theo báo cáo The diamond industry is at an inflection point (tạm dịch: Ngành công nghiệp kim cương đang ở ngã rẽ), do McKinsey công bố vào tháng 11/2024, ngành công nghiệp kim cương đang bước vào giai đoạn ảm đạm.

Báo cáo cho thấy kể từ đại dịch, giá của kim cương bắt đầu sụt giảm, ngay cả khi chuỗi cung ứng và các hoạt động tổ chức tiệc cưới đã quay lại trạng thái bình thường. Một trong các nguyên nhân là khách hàng ngày càng quan tâm đến vấn đề bền vững, vậy nên họ muốn biết rõ về nguồn gốc của kim cương.

Ngoài ra, người tiêu dùng Millennials (sinh năm 1981-1996) và Gen Z (sinh năm 1997-2012) đang ưa chuộng kim cương nhân tạo.

Báo cáo của McKinsey nhận định việc người tiêu dùng mong muốn có nhiều lựa chọn với giá cả hợp lý hơn đã thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của kim cương nhân tạo. Vì thế, mức giá của kim cương tự nhiên giảm mạnh hơn cả dự đoán của những chuyên gia trong ngành khai thác.

Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, người tiêu dùng cảm thấy giá cả ngày càng tăng cao. Đối với nhiều người đang trả góp hoặc khao khát sở hữu nhà riêng, việc bỏ ra hàng chục nghìn USD để mua kim cương tự nhiên không phải là lựa chọn khôn ngoan.

Dù vậy, điều đó không có nghĩa là nhu cầu sử dụng kim cương tự nhiên đang dần chấm hết. Người tiêu dùng chỉ muốn tiết kiệm vào thời điểm hiện tại.

 Fred Jewelry, thương hiệu cao cấp thuộc LVMH, ra mắt viên kim cương xanh nhân tạo đầu tiên vào tháng 10/2023. Ảnh: Fred Jewelry.

Fred Jewelry, thương hiệu cao cấp thuộc LVMH, ra mắt viên kim cương xanh nhân tạo đầu tiên vào tháng 10/2023. Ảnh: Fred Jewelry.

Bên cạnh đó, đối với nhiều người, kim cương nhân tạo và tự nhiên không có khác biệt đáng kể.

Theo báo cáo của McKinsey, kim cương là một trong số ít hàng hóa có thể thay thế bằng lựa chọn tiết kiệm hơn - chất liệu tổng hợp, với đặc tính vật lý gần giống và mức giá thấp hơn đáng kể (thậm chí lên đến 80% trong một vài trường hợp).

Báo cáo chỉ ra kim cương nhân tạo hiện là “thách thức lớn nhất” đối với các nhà sản xuất kim cương. Với ưu thế về giá thành, sự tương đồng với kim cương tự nhiên và không khai thác tài nguyên thiên nhiên quá nhiều, kim cương nhân tạo đang nhận được sự yêu thích của thế hệ trẻ, đặc biệt là các quốc gia phương Tây.

Do nhu cầu thay đổi, mức giá của kim cương tự nhiên sụt giảm là điều không tránh khỏi. McKinsey cũng cho biết phần lớn kim cương nhân tạo đang được sản xuất ở Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời phụ thuộc vào than để cung cấp năng lượng cho hệ thống lưới điện.

Một khảo sát gần đây do công ty kinh doanh trang sức kim cương nhân tạo Angara thực hiện cho thấy phần lớn Gen Z thích viên kim cương nhân tạo 3 carat hơn kim cương tự nhiên 1 carat.

“Gen Z đang viết lại các quy tắc của ngành công nghiệp kim cương,” Ankur Daga, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Angara, nhận định trong thông cáo báo chí đi kèm kết quả khảo sát.

Theo ông, trong nhiều thập kỷ, người tiêu dùng được quảng cáo rằng kim cương tự nhiên, như sản phẩm của De Beers, đồng nghĩa với sự hoàn hảo và đẳng cấp. Tuy nhiên, người tiêu dùng ngày nay và thế hệ trẻ đang thách thức truyền thống và hướng đến những lựa chọn như kim cương nhân tạo.

"Khi Gen Z tiếp tục định hình xu hướng tiêu dùng, kim cương nhân tạo có thể trở thành tiêu chuẩn mới cho sự xa xỉ hợp túi tiền và tiêu dùng có ý thức", ông chia sẻ.

Tô An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/hang-kim-cuong-tu-nhien-lon-nhat-the-gioi-bat-ngo-giam-gia-post1515794.html
Zalo