Từ các làng hoa ra đến chợ Tết
Đến hẹn lại lên, cứ vào những ngày cuối năm, người dân ở các làng hoa truyền thống của Hà Nội bắt đầu hối hả vào vụ, 'chạy đua' cùng thời gian chuẩn bị các công đoạn cuối cùng cho hoa, cây cảnh để đưa ra thị trường. Cũng từ đó, lượng hoa đổ về các phiên chợ cuối năm ngày càng nhiều, nhộn nhịp, đông vui đem hương sắc góp phần làm đẹp cho mỗi gia đình khi Tết đến xuân về.
Làng hoa nhộn nhịp vào vụ Tết
Những ngày này, tại làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không khí mua sắm trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết. Từ các con đường dẫn vào làng đến các nhà vườn đều tấp nập người mua bán. Làng hoa Tây Tựu vốn là nơi cung cấp hoa tươi chủ yếu cho nội thành Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Những loại hoa chủ lực cung ứng cho dịp Tết chủ yếu là hoa ly, hoa hồng và hoa cúc. Người trồng hoa thường chia làm 3 vụ thu hoạch: Hoa nở sớm sẽ cắt bán từ đầu tháng Chạp hoặc Tết dương lịch; loại có nụ đã to thu hoạch cho Rằm tháng Chạp; loại mới lên nụ sẽ để bán Tết âm lịch.
Ông Đỗ Thanh Hùng (chủ một vườn hoa tại làng hoa Tây Tựu) cho biết, ngoài kỹ thuật trồng và chăm sóc quyết định sản lượng hoa thu hoạch thì yếu tố quyết định chính là thời tiết. Nếu trời đẹp, nắng ấm, độ ẩm cao thì hoa sẽ dễ nở. Để có được những bông hoa cúc nở đẹp, ông Hùng phải mất khoảng 4 tháng từ khi trồng, chăm sóc đến thu hoạch.
“Năm nào cũng vậy, những vườn hoa to, đẹp đã được thương lái đặt hàng từ rằm tháng Chạp rồi. Những ngày cận Tết Nguyên đán, cả làng hoa nhộn nhịp, tấp nập kẻ mua, người bán”, ông Hùng chia sẻ.ợ Còn tại huyện Mê Linh (Hà Nội), là vùng ngoại ô có diện tích trồng hoa lớn với hơn 600ha, người dân Mê Linh trồng chủ yếu là hoa hồng, hoa cúc, thược dược, cẩm chướng, lay ơn, thạch thảo… Vài năm trở lại đây, theo xu thế thị trường, người dân Mê Linh trồng thí điểm nhiều giống mới như hoa hồng Pháp, hoa hồng Hà Lan, hoa hồng Thái Lan…
Theo ông Nguyễn Hải Hoàng - chủ vườn hoa ở xã Mê Linh (huyện Mê Linh), những ngày này, thương lái đến tận các nhà vườn để mua hoa hồng, cúc, ly... đặc biệt là những chậu hoa cảnh được ưa chuộng trong những năm gần đây. “Nhu cầu chơi hoa dịp Tết của người dân tăng cao. Để bảo đảm cung ứng phục vụ nhu cầu ngày Tết, ngay từ trước Tết, các nhà vườn đều tất bật từ sáng đến đêm tập trung chăm sóc, cắt tỉa cho hoa nở đẹp…”, ông Hoàng cho biết thêm.
Cũng theo kinh nghiệm của ông Hoàng, mỗi vụ hoa Tết từ lúc gieo trồng cho đến khi thu hoạch thường kéo dài 90 - 120 ngày, tùy giống hoa. Với kinh nghiệm trồng hoa Tết lâu năm, các hộ biết lựa chọn những cây giống khỏe mạnh; kỹ thuật làm đất, bón phân; từ lúc gieo đến khoảng 20 ngày phải thắp điện hàng đêm trong khu vực trồng để cây có đủ độ ấm sinh trưởng; nước được tưới thường xuyên giữ độ ấm. Ánh sáng đèn điện ngoài thắp sáng, còn cung cấp thêm năng lượng giúp hoa tăng khả năng quang hợp sinh trưởng, nhất là khi mưa rét kéo dài, giúp hoa nở đúng thời điểm.
Cùng với cành hoa tươi, nhắc đến ngày Xuân ở miền Bắc không thể không nhắc đến sắc hồng của đào và màu vàng ươm của trái quất. Con đường dẫn vào làng đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên nằm trên vùng đất ven sông Hồng dường như đông đúc hơn, người và xe đi lại hối hả. Tại những vườn đào, quất đẹp mắt đã thu hút không ít khách hàng từ muôn nơi đến thăm vườn từ sớm.
Rực rỡ sắc hoa nơi chợ Tết
Không khí Tết không chỉ sôi động ở những làng hoa ven đô mà phố phường Hà Nội trong những ngày này đông vui nhộn nhịp một cách lạ thường, nhà nhà rủ nhau đi sắm Tết, chơi Tết. Dù bận đến mấy, mỗi người đều dành thời gian đi chợ hoa, ngoài chuyện mua hoa và cây cảnh để trang trí nhà cửa, sân vườn đón năm mới còn là thú vui chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh túy của thiên nhiên ban tặng cho con người vào thời khắc giao hòa giữa năm mới và năm cũ. Với nhiều người đó là quãng thời gian để du xuân, cảm nhận sớm không khí Tết đang đến gần.
Hà Nội có rất nhiều chợ hoa Tết nhưng nổi bật nhất là chợ hoa Hàng Lược, Quảng Bá, Hoàng Hoa Thám, Vạn Phúc có truyền thống lâu đời. Mỗi chợ hoa có một nét đặc thù riêng như chợ hoa Hàng Lược là chợ hoa cổ được nhiều người yêu thích, về phía ven đê có chợ hoa Quảng Bá mang đậm sắc đào Nhật Tân,...
Trong những ngày cận Tết không khí ở các chợ hoacũng náo nhiệt, dồn dập khác hẳn những ngày thường. Những xe hoa từ khắp mọi nẻo dồn về, lay ơn, violet, thược dược... tất cả những bông đẹp nhất đang ngậm sương nằm im lìm dưới lá, những bó hoa cúc xếp chồng lên nhau như những đốm lửa nhuộm vàng cả một khu chợ. Người bán, người mua tất thảy đều vội vã.
Đông đúc là vậy nhưng không khí ở phiên chợ tạo cho mỗi người cảm nhận được sức sống mới của đất trời, sự sinh sôi nảy nở của vạn vật cây cỏ trong mùa xuân. Tuy vẫn là “chợ”, vẫn là những hoạt động mua - bán, hiện diện đủ mọi cung bậc cảm xúc nhưng chợ hoa ngày Tết có một nét rất riêng. Nét riêng đó được tạo nên bởi người bán, người mua trong niềm vui đón chào một mùa xuân mới.
Các khu chợ hoa vốn đã nhiều hương sắc thì trong những ngày cuối năm còn đẹp hơn hẳn với những sắc hoa báo Tết đang về. Với nhiều người đi chợ hoa cuối năm không hẳn để mua hoa mà còn là đón mùa xuân về theo cách riêng của mình, để ngắm nghía, thưởng thức vẻ đẹp của hoa ngày Tết và tìm lại không khí Tết Hà Nội thuở xưa. Với họ, ngày Tết chưa đi chợ hoa là thiếu đi mùa xuân bởi vậy trên khắp các nẻo đường chợ hoa Tết là sắc màu đem mùa xuân
Khi Tết Nguyên đán đến, mỗi bông hoa, mỗi cây cảnh không chỉ mang theo vẻ đẹp riêng mà còn chứa đựng tâm huyết và niềm tự hào của người nông dân. Đó là sự khẳng định rằng, dù thời gian có thay đổi nhưng giá trị truyền thống và tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của người Việt luôn mãi tỏa sáng.