Nhớ chợ Tết xưa…

'Chợ Tết' - cách gọi ngắn gọn nhưng gợi lên hình ảnh hối hả những ngày cuối năm. Chợ Tết ngày xưa người bán kẻ mua xôn xao, nhộn nhịp. Cái sự chen chúc, đa thanh đa sắc mới đáng nhớ làm sao!

Những chao chát ồn ã thường ngày nơi chợ búa chừng như cũng giảm và thay vào đó là lời mời mọc chân chất ấm áp. Những sản vật ngon nhất, đẹp nhất được bà con đem ra bán, từ thịt, cá, bánh trái tới hoa kiểng...

Chợ Tết xưa thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp kéo dài đến tận chiều 30 và nhộn nhịp nhất là từ 28 đến trưa 30 tháng Chạp. Những ngày này, các bà, các mẹ tất bật quét dọn bàn thờ, nhà cửa rồi mua sắm đồ dùng, vật dụng. Với bọn trẻ con, niềm vui lớn nhất của những ngày cận Tết là sẽ được theo chân bố mẹ đi chợ hoa để mua hoa, mua đào về trưng Tết.

Ở chợ Tết, người ra vô chợ chen chân mà đi, vậy mà vui. Ngày xưa có những gian hàng, những món ăn mà chỉ Tết mới có, như dưa hấu, bánh chưng, bánh tét, dưa món, củ kiệu, nem chua, giò thủ... Người dân đi chợ Tết mua những trái dưa hấu to nặng để cúng giao thừa vì quan niệm đầu năm bổ trái dưa ruột đỏ thì may mắn cả năm, gia đình hoan hỉ tấm tắc vui chung. Nhà có con đông thì mua nhiều nhiều một chút vì Tết mới được ăn dưa hấu, dưa kiệu, lạp xưởng, chứ ngày thường không có.

Nhà tôi ở bên chợ, những phiên chợ ngày thường chỉ họp buổi sáng, hàng hóa ít, những phiên chợ Tết, họp cả ngày, từ sáng sớm đến tận khuya, từ đêm 28, tiểu thương chăng đèn ngủ luôn ở chợ. Hàng hoa, hàng trái cây chưng, cúng đổ về nườm nượp, chất đống. Người bán che rạp quây quầy mứt bí, dừa, khoai lang, mứt me, hạt dưa. Hàng đường, đậu, nếp, táo tàu, bao lì xì, vải, quần áo… đông đúc khách mua.

Hồi trước, những người buôn bán nghỉ ba ngày Xuân bốn ngày Tết nên bà con mua dự trữ thực phẩm. Ông bà xưa thường nói: “Muốn ăn Tết to phải lo đủ thứ”. Để có cái Tết tươm tất, ông bà cha mẹ xưa phải dành dụm cả năm trời. Cái gì ngon nhất, đẹp nhất thường để dành Tết. Lúc còn sinh thời, nội tôi thường nhẩn nha kể chuyện Tết, rằng, Tết nhà giàu thì có nồi thịt bự, còn nghèo cũng cân thịt, chục hột vịt. Cỡ ngày 24, 26 tháng Chạp là đi chợ, coi bông. Bông hồi đó ít lắm, ngày 27, 28 ta mới có bông rộ. Tết xưa hầu như nhà nào cũng làm bánh bông lan, bánh thuẫn, mứt dừa, mứt me, chùm ruột...

Chợ Tết xưa có ông Đồ bán câu đối, cả chữ nho, chữ quốc ngữ. Tôi còn nhớ hồi đó người ta còn bán lịch treo tường khổ lớn có in hình nghệ sĩ cải lương để phục vụ nhu cầu sưu tầm của người mê vọng cổ.

Mua sắm chuẩn bị cho ba ngày Tết thường không chỉ để “có cái ăn” mà đó là phong tục đẹp được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chợ Tết quê xưa, với trẻ con, nhìn cái gì cũng đẹp, cũng lạ, cũng thích. Nhất là được chen chúc nơi đông người, chỉ cần nắm tay mẹ hoặc nắm tay nhau để khỏi lạc. Cái cảm giác được thử quần áo và mua ngay tại chợ cứ lâng lâng mãi đến mấy ngày sau.

Hòa chung tiếng mua bán là tiếng cười nói vui vẻ, tạo nên không khí náo nhiệt. Nổi bật nhất là chợ hoa, chợ trái cây trên bến dưới thuyền làm nên nét đặc trưng của chợ Tết quê, nơi họp mặt của những sản vật dân dã, cây nhà lá vườn.

Lại nói về chợ Tết ở vùng sông nước thời chưa có đường sá thuận tiện như bây giờ, cũng có cái thú riêng. Trong đợt đi xây cầu từ thiện vừa qua ở vùng U Minh Thượng, tôi nghe người dân kể, hồi xưa đi xuồng chèo, nếu ra chợ thì lâu lâu mới đi một lần. Nếu mà Tết thì chèo xuồng đưa vợ con đi chợ ăn bún, ăn cháo. Tết là phải đi chợ đặng sắm đồ cho con. Nghèo thì nghèo, mỗi đứa có một bộ đồ mới cho nó mừng. Tết thì con nít thích vì được ăn ngon, có quần áo mới, đứa nào cũng nôn nao hết trơn.

Ngày nay, âm hưởng truyền thống dù được truyền lưu qua các thế hệ nhưng hương vị Tết cổ truyền có lẽ đã vơi phai ít nhiều. Chuyện sắm Tết, ăn Tết, chơi Tết không còn như thời xưa cũ. Công nghiệp hóa, đô thị hóa tác động sâu sắc đến nếp nghĩ, lối sống của rất nhiều người vốn có gốc gác từ chốn thôn quê mộc mạc ruộng đồng.

Ngày nay người ta không tất bật sắm Tết như thời trước. Chỉ cần có tiền, một buổi đi chợ hay siêu thị cũng đủ cho các bà, các cô mang được những thứ cần về nhà. Việc mua sắm Tết cũng trở nên đơn giản hơn bao giờ hết, chỉ một tiếng ra chợ hoặc đi siêu thị là có đầy đủ cả một cái Tết. Gần như tất cả đã được chuẩn bị sẵn sàng nên người tiêu dùng không phải quá chật vật sắm Tết như xưa. Những loại quà Tết tại siêu thị cũng khá đa dạng, từ giỏ quà Tết, hộp quà Tết đến túi quà Tết.

Bên cạnh chợ Tết siêu thị thì chợ Tết online cũng ngày càng được lựa chọn, nhất là đối với những người trẻ, những người bận rộn. Bởi chợ online không chỉ tiết kiệm được thời gian còn tránh được cảnh chen lấn đông đúc, thậm chí, mua sắm online còn được hưởng chương trình khuyến mãi. Tuy nhiên, chợ Tết online rất khó đem lại cho người ta hương vị của Tết như chợ truyền thống. Vì vậy, chợ Tết online chủ yếu dành cho người dân thành thị, còn với dân quê, chợ Tết dù đã có nhiều thay đổi nhưng tâm thế đi chợ sắm Tết vẫn đậm phong vị truyền thống.

Tóm lại, có tiền là có Tết! Càng nhiều tiền, Tết càng to. Điều đáng nói nhất là khi sự phân hóa giàu nghèo đã trở nên sâu sắc với khoảng cách xa rộng như hiện nay thì cái Tết của từng nhà rất không giống nhau. Ăn Tết, chơi Tết đều khác nhau. Đôi khi, một cây đào, gốc mai hay chậu hoa quý bày trong phòng khách nhà này bằng số tiền chi cho vài chục cái Tết của nhà khác.

Ngày nay, không chỉ có chợ Tết hiện đại mà ngay cả chúc Tết cũng hiện đại. Chỉ cần vài cái nhắn tin, hay “a lô” qua điện thoại hoặc dùng mạng xã hội kết nối là có thể trò chuyện “face to face” xuyên Tết. Thậm chí, hoa tươi, quà mừng cũng rộn ràng qua shipper, tiền lì xì cũng “ting ting” đồn dập qua số tài khoản.Thật vui và hiện đại.

Thế nhưng, dù cuộc sống có hiện đại và giản tiện đến đâu. Sau một năm bươn chải mưu sinh, rất nhiều người đi làm xa trở về, mong muốn được tìm thấy những ký ức thân thương qua những phiên chợ Tết quê. Chợ Tết dù xưa hay nay cũng đều mộc mạc, bình dị, chân tình, ấm áp, gần gũi và thân thương vô cùng…

Chợ Tết quê dù xưa hay nay cũng đều mộc mạc, bình dị, chân tình, ấm áp, gần gũi và thân thương…

Trang Nhi Linh

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/nho-cho-tet-xua-315859.html
Zalo