Cuộc thi viết 'TẾT THỜI SỐ': Không thể mất gốc, chớ bàn lùi mà quên nếp nhà

Con cháu tiếp tục giữ gìn, phát huy nét đẹp truyền thống để văn hóa đất Việt được đẹp hơn'.

Lời nhắn nhủ này của ngoại tôi, khi bà còn sống. Dù đã lâu, nhưng vẫn nguyên giá trị, nhứt là giữa thời hiện đại, cuộc sống có nhiều đổi thay, tiện lợi hơn.

Không thể mất gốc

Có dạo, tôi thấy có người bàn về việc bỏ Tết ta (tức Tết Nguyên đán). Một số đồng tình nhưng số không đồng tình vẫn đông hơn. Tôi thuộc về số đông ấy vì bản thân yêu Tết. Yêu từ thuở cái Tết thời xa còn nghèo khó của những năm tám mấy, chín mươi của thế kỷ trước, lúc mình còn là cậu bé sinh ra sau chiến tranh nhưng giữa thời bao cấp thiếu ăn.

Bữa cơm hằng ngày không đủ, nhiều ngày tháng phải ghé sắn, khoai ăn độn nên mong tới Tết để được ăn Tết đúng nghĩa đen. Những ngày đó, ngoại và má tôi là hai người phụ nữ tảo tần lo bữa ăn cho cả nhà ba người nhưng nhiều lúc cũng không đủ. Tôi nhớ những vụ lúa đông xuân "chín vội", khi ngoại đi mượn trước của nhà khá hơn, đem xay xát lấy gạo để có ăn khi ra Giêng. Những buổi chạy chợ cuối năm, bà thường mang tất cả những sản vật quý nhứt của nhà mình đem bán, khi vài con gà trống tơ, lúc buồng chuối xanh để người ta chưng Tết. Tất cả cho cái Tết có được đòn bánh tét từ nếp thơm, cân thịt để cúng ông bà tổ tiên trong ba ngày xuân.

Thời khó đi qua dần, nhưng đó có lẽ là khoảng thời gian người ta hay nhớ nhứt bởi cảm giác ăn Tết, những món ngon hơn ngày thường khiến ai cũng mong chờ.

Trẻ con như tôi thì được may cho một bộ đồ mới, vừa bận Tết nhưng cũng để mặc đi học sau đó, nên thường sẽ may vải trắng tinh. Má tôi hay ủi thẳng quần áo mới cho tôi trong chiều ba mươi, mùi vải mới thơm, tinh tươm in đậm trong lòng để rồi mỗi lần sắm đồ mới lại ngỡ như Tết về.

lì xì ngày tết

lì xì ngày tết

Sáng mùng 1 Tết, ngoại hay dặn tôi, cẩn thận lời nói, đừng vội đi nhà hàng xóm, ai mừng tuổi thì phải cảm ơn, chúc Tết. Trẻ con như tôi được học trước những lời chúc hay để khi nhận tiền mừng tuổi thì khoanh tay lễ phép, cúi người cảm ơn, chúc ông bà cô chú sức khỏe, an vui… Ký ức Tết đó mang lại cảm giác được làm mới vì ở thời khắc chuyển giao năm cũ, năm mới, mùa mới, con người dành cho nhau những lời chúc tốt lành, mừng tuổi cho con cháu để nhắn nhủ: học giỏi, chăm ngoan nghen. Con cháu biết ơn, tri ân bằng lời chúc, hứa sẽ học hành tốt hơn.

Tết, thành ra là cơ hội để giáo dục trẻ điều hay. Từ trong nhà ra ngoài đường, khi nhận quà hay bất cứ thứ gì cũng đều khoanh tay, cảm ơn. Người lớn trong ngày Tết cũng hỉ xả những buồn vui năm cũ để kết lại tình thân, nối sợi dây xóm giềng vì hiểu lầm hay vụng về trong ứng xử trước đó khiến đứt gãy, giận nhau… Tết, vì thế, có những người trước đó không nhìn mặt nhưng năm mới rồi, gặp gỡ trong xóm trong làng, bên bếp lửa chờ bánh chín lại hỏi nhau những điều quan tâm gần gụi, như lúa mùa này ra sao, tính cho thằng Út thi vô trường gì, ngành nào…

Tết có cực thiệt, vì dường như các lễ nghi cúng kiếng liên tục trong khoảng cuối năm, đầu năm. Nhưng có lẽ ai cũng hỉ hoan vì trước cúng sau ăn, con cháu có dịp quây quần nghe dặn dò từ người lớn, chia sẻ niềm vui với người nhỏ. Những tấm gương trong gia đình, dòng tộc được kể ra như cách truyền cảm hứng, tạo niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn nếu có nỗ lực đúng và đủ.

Cứ vậy, Tết rôm rả, Tết rộn ràng, lòng người hân hoan, xí xóa được muộn phiền để lại bước tiếp một năm nữa trên hành trình đời người một cách bình an, nhẹ nhàng hơn. Cái gốc của sự giáo dục từ các lễ hội, trong đó có Tết nếu biết khai tìm thì có thể ứng dụng trong mọi thời, đâu dễ gì xóa bỏ!

Phát huy nếp nhà ngày Tết giữa thời số

Tôi vẫn giữ nếp xưa. Tết bắt đầu với nhà mình từ khi cúng 23 tháng Chạp, đưa ông Công ông Táo về trời. Những sắm sửa, trang hoàng ngày Tết thời nay không quá khó khi vật chất tương đối đủ đầy hơn. Các nguyên liệu để tái hiện hình ảnh Tết đẹp, Tết vui với sắc xanh, sắc đỏ dễ kiếm và rẻ nên người khó cũng có thể tạo không gian vui Tết nhẹ nhàng, ý nghĩa.

Một chiếc lồng đèn đỏ treo cây, một ước nguyện được gieo trên từng sợi dây buộc vào cành xanh đang đơm nụ gửi trao biết bao thiện lành. "Con ước năm mới ai cũng bình an, bản thân con vượt qua được thử thách, đạt được KPI sếp giao". Đứa cháu con dì tôi vừa đi làm sau khi ra trường đã chia sẻ khi gửi ước nguyện lên cây trong ngày đầu năm. Cả nhà sau khi đi chùa thì về nhà thờ để thắp nhang, nấu mâm cúng ông bà, rồi cùng ăn cơm chung. Bữa cơm vui nhứt có lẽ là cơm đoàn viên đầu năm. Con cháu tề tựu để sum họp, người ở quê, người đi Bắc, người đi Nam nhưng đều chung cội nguồn quê hương, dòng tộc nên cùng về và ngồi chung mâm. Ở quê tôi, người lớn quan niệm rằng, con cháu các lớp sau gặp nhau để nhận ra mặt nhau, thấy bà con để có gặp nhau đâu đó thì chào đúng vai vế, ai có khó khăn thì giúp đỡ, hỗ trợ…

Nếp nhà cứ vậy mà xây lên và được gìn bằng tinh thần tự nguyện, ăn sâu trong tâm khảm mỗi người nên cứ đến Tết lại về, lại sum họp, rôm rả nói cười trước khi đi chơi, ăn Tết cá nhân…

Thời số hay thời nào có hiện đại thêm nữa, tôi nghĩ, là người, đều cần giữ truyền thống để kết nối tiền nhân, tiên tổ - cho lòng mình thêm rộng lớn hơn. Một cái cây có gốc to và cắm sâu vào lòng đất mẹ sẽ khó gãy đổ hơn là cây mục, mất gốc. Lẽ đương nhiên ấy bắt đầu từ năm mới, khi Tết sang ta biết giữ truyền thống từ lời nhắc cháu con tri ân, báo ân từ việc nhỏ. Thắp nén nhang lên tổ tiên, cúi đầu trước bàn thờ "cửu huyền thất tổ" cũng là nhắc mình sống xứng đáng hôm nay, mỗi ngày.

Lưu Đình Long

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bai-du-thi-tet-thoi-su-khong-the-mat-goc-cho-ban-lui-ma-quen-nep-nha-196250202080709684.htm
Zalo