Sầu riêng: Xanh vỏ đỏ tiền
Thay vì đổ đống, chờ hoai mục sinh ra nhiều khí metan, nitơ oxide độc hại, nhiều người đã 'hóa kiếp' vỏ sầu riêng thành than sinh học, phân hữu cơ và giấm gỗ.
Sáu tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đã chi 3,97 tỉ USD để mua hơn 833.000 tấn sầu riêng, biến Việt Nam thành đối tác cung cấp sầu riêng lớn thứ hai tại nước này. Nhưng chuyện thật như đùa, sầu riêng đang gây hại môi trường khi chúng được cho là thải ra khí CO2 nhiều hơn loại trái cây khác.
Vỏ sầu riêng thành… sầu chung
Theo các nhà khoa học ĐH Nông nghiệp Nam Kinh (Trung Quốc), nước này đang đối mặt với lượng phát thải khổng lồ từ sầu riêng vì cứ 1 kg sầu riêng sẽ thải ra khoảng 2 kg CO2. Trong khi một trái sầu riêng thì chỉ 30%-35% trọng lượng là phần ăn được, còn lại là bỏ đi, rác thải từ vỏ và hạt sầu riêng sinh ra các khí metan, CO2 và cả nitơ oxide độc hại.
Vì thế, Trung Quốc ưu tiên nhập khẩu sầu riêng đông lạnh và từ tháng 8-2024, Việt Nam đã chính thức xuất khẩu mặt hàng này, mở ra cơ hội thu về 300 triệu USD/năm. Tuy nhiên, khi xuất khẩu nhiều sầu riêng đông lạnh, nước ta sẽ tồn dư một lượng lớn vỏ và hạt thải ra môi trường. Vì vậy, nhiều người đã tìm cách tái chế, biến vỏ sầu riêng thành tiền.
“Chúng tôi đã chế biến thành công vỏ sầu riêng thành than sinh học và giấm gỗ” - ông Nguyễn Văn Xuân, Giám đốc Công ty CP Năng lượng Resa, nói.
Ông Xuân cho biết nếu để trong tự nhiên thì vỏ sầu riêng phân hủy rất chậm, gây ra mùi hôi khó chịu. Vì thế ông đã xử lý vỏ sầu riêng thành than sinh học bằng cách chế tạo một lò nhiệt phân đựng vỏ sầu riêng tươi và một lò ngưng tụ hơi.
Lò nhiệt phân cho ra nhiều loại sản phẩm, khi nhiệt độ lò đạt đến 150-190 độ C sẽ tạo ra dung dịch giấm gỗ. Sau đó lò tiếp tục gia nhiệt để tạo thành khí cháy và vỏ bị đốt hết sẽ thu được than sinh học. Một mẻ nhiệt phân 50-100 kg vỏ sầu riêng tươi có thể thu được 25 lít giấm gỗ và 15-20 kg than sinh học.
Thành nhiều sản phẩm bất ngờ
Ông Xuân cho biết giấm gỗ có nhiều công dụng như khử mùi chuồng trại chăn nuôi, làm thuốc bảo vệ thực vật, diệt côn trùng... Trên thị trường, 1 lít giấm gỗ có giá 100.000-150.000 đồng. Với than sinh học, ngoài tác dụng như một loại phân bón cải tạo đất, nếu được nghiền ra pha trộn với phụ gia, ép thành viên, phơi khô có thể tạo thành than không khói, giàu năng lượng và không gây ô nhiễm môi trường. Than sinh học này có giá bán 14.000-15.000 đồng/kg.
“Tuy vậy, đến nay thành phẩm này vẫn chưa được sử dụng rộng rãi do giá bán cao, khó cạnh tranh” - ông Xuân nói.
Trong năm 2023, nhóm ba tác giả thuộc khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường ĐH Cần Thơ) cũng đã công bố nghiên cứu sử dụng vỏ sầu riêng để tạo than sinh học, nhiệt phân ở nhiệt độ 500 độ C trong môi trường khí trơ nitơ.
Vỏ sầu riêng được chuyển đổi thành than sinh học và có tiềm năng ứng dụng trong cải thiện môi trường đất có hàm lượng pH thấp hay đất bị bạc màu. Than sinh học từ vỏ sầu riêng được phân tích các đặc điểm hóa lý, bao gồm độ ẩm, pH, EC, CEC và hàm lượng carbon, có tác dụng cải tạo đất.
Thành phân, bón ngược lại cho cây
Là doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng, mỗi mùa thu hoạch bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Ban Mê Green Farm, đối mặt với việc xử lý vỏ. Tính riêng năm 2022, công ty đã gia công hơn 2.000 tấn trái, thải ra hơn 1.300 tấn vỏ. Sau hai năm nghiên cứu, đến năm 2023, bà Thanh đã kết hợp cùng các công ty phân bón để tái chế vỏ thành phân bón vi sinh hữu cơ và dùng để bón ngược lại cho cây sầu riêng trong giai đoạn phục hồi.
Cũng tái sinh vòng đời cho vỏ sầu riêng, ông Trần Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Nông Nghiệp Xanh (huyện Krông Pắc, Đắk Lắk), cho biết vỏ có nhiều chất xơ không hòa tan, khi băm nhỏ, ủ vi sinh sẽ tạo nguồn phân hữu cơ. “Trước đây, những cơ sở thu mua, xuất khẩu sầu riêng như chúng tôi rất khó tìm cách xử lý vỏ thì nay đã giảm lượng rác thải, thu về nguồn phân bón tự nhiên. Chỉ có điều dòng phân này chỉ sử dụng trong chính vùng trồng” - ông Thắng nói.
Vỏ sầu riêng đã được biến hóa thành nhiều sản phẩm rất hữu ích, trong đó có than sinh học.
Ông Phạm Ngọc Hồ, Giám đốc điều hành Công ty CP Phân bón trùn quế Cao Nguyên Xanh (Đắk Lắk), thì lại thành công với dự án nuôi trùn quế từ vỏ sầu riêng để làm phân bón hữu cơ. Hiện dòng phân này đã được bán ra thị trường từ quý III-2024. Mỗi ngày trang trại trùn quế của ông Hồ xử lý trên 20 tấn vỏ sầu riêng và mỗi tháng có 500-600 tấn vỏ sầu riêng được “hóa kiếp” thành tiền.
Ông Hồ nói: “Vỏ sầu riêng ủ lên men bằng chế phẩm lợi nhuận theo tỉ lệ thích hợp để làm thức ăn cho trùn quế. Trùn quế sau khi ăn sẽ thải ra phân tự nhiên. Tôi đã đi kiểm nghiệm và thấy tỉ lệ hữu cơ trong phân trùn quế khi được nuôi bằng vỏ sầu riêng đạt khoảng 60%, cao hơn khi sử dụng phân gia súc làm thức ăn cho trùn quế”.