Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM không công khai đề án ngành mới mở trước 2024

Trên website, nhiều ngành học mở năm 2020, 2021 của trường chỉ giới thiệu về khung chương trình đào tạo và thông tin cơ bản chứ không có đề án mở ngành.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (VNUHCM-University of Social Sciences and Humanities) được thành lập vào năm 1957 với tiền thân là Đại học Văn Khoa (thuộc Viện Đại học Sài Gòn), Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thông tin từ website, hiện nhà trường đào tạo 37 ngành bậc đại học, 27 ngành bậc thạc sĩ, 13 ngành bậc tiến sĩ trong 9 lĩnh vực: (1) Khoa học xã hội và Hành vi; (2) Nhân văn; (3) Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; (4) Báo chí và Thông tin; (5) Kinh doanh và Quản lý; (6) Dịch vụ xã hội; (7) Du lịch, Khách sạn, Thể thao và Dịch vụ cá nhân; (8) Kiến trúc và Xây dựng; (9) Môi trường và Bảo vệ môi trường.

 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website Nhà trường.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website Nhà trường.

Về sứ mạng, trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra những công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; Có đóng góp thiết thực cho chiến lược cũng như sách lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước và các địa phương, trọng tâm là khu vực phía Nam.

Về tầm nhìn, trường có mục tiêu xây dựng thành trường đại học nghiên cứu trong hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nằm trong tốp đầu về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của châu Á.

Trường do Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan làm Hiệu trưởng; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Ngọc Điệp làm Chủ tịch Hội đồng trường.

Hiện nay, Nhà trường đang có hai cơ sở đào tạo. Trong đó, cơ sở 01 ở địa chỉ số 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh gồm văn phòng Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu, các phòng/ban, khoa, bộ môn, trung tâm,… đào tạo sau đại học, đào tạo các chương trình dành cho học viên người nước ngoài, các chương trình liên kết quốc tế và chương trình chất lượng cao. Cơ sở 2 có địa chỉ tại Khu đô thị Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh để đào tạo sinh viên bậc đại học với các khu chức năng như nhà làm việc, giảng dạy, nghiên cứu, thư viện, bảo tàng, khu phức hợp thể dục thể thao, dịch vụ,…

Qua tìm hiểu của phóng viên, thông tin tại Đề án tuyển sinh 2024 cho thấy những năm gần đây nhà trường mở thêm nhiều ngành học mới. Cụ thể, năm 2020, nhà trường mở ngành Tôn giáo học, Quản trị văn phòng; năm 2021, mở ngành Quản lý giáo dục, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc. Năm 2024, nhà trường có mở ngành Quốc tế học, ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc và ngành Nghệ thuật học.

Tuy nhiên, trên website của Nhà trường, phóng viên không tìm thấy đề án mở ngành của những ngành học nêu trên mà chỉ thấy nhà trường giới thiệu về khung chương trình đào tạo và thông tin cơ bản về ngành học.

Khoản 2, Điều 4 về trình tự, thủ tục đăng ký mở ngành đào tạo tại Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học (Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23 tháng 10 năm 2017) có nêu rõ:

Hồ sơ mở ngành đào tạo bao gồm: Công văn đề nghị mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo; Quyết nghị của Hội đồng đại học/Hội đồng trường/Hội đồng quản trị về việc mở ngành mới; Đề án mở ngành đào tạo được xây dựng theo quy định tại Phụ lục III của Thông tư. Hồ sơ mở ngành đào tạo được lập thành 02 bộ gửi tới cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép mở ngành đào tạo và phải công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo trước khi gửi hồ sơ ít nhất 20 ngày. .

Điểm b, Khoản 5, Điều 14 của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT (thay thế Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT) của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cũng quy định: Trong thời gian 05 ngày kể từ ngày ban hành quyết định mở ngành đào tạo hoặc nhận được quyết định cho phép mở ngành đào tạo của cơ quan có thẩm quyền, cơ sở đào tạo phải công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo các nội dung: Quyết định mở ngành đào tạo; Những nội dung cơ bản của đề án mở ngành đào tạo đã được phê duyệt; Cập nhật thông tin về mở ngành đào tạo, đề án mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo vào cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học.

Trước vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Xã hội nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Các ngành Tôn giáo học, Quản trị văn phòng; ngành Quản lý giáo dục, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc là các ngành mở từ 2021 về trước, còn hiệu lực thực hiện theo Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT. Theo Thông tư 36, Bộ Giáo dục và Đào tạo không yêu cầu các trường công bố đề án mở ngành trên cổng thông tin. Các văn bản liên quan đều được công bố và ban hành toàn trường theo quy trình quản lý đào tạo và quy trình hành chính.

Năm 2024, trường mở ngành Quốc tế học, Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Nghệ thuật học, đây cũng là các ngành áp dụng theo thông tư mới, tức Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT. Trường đã triển khai theo quy định của thông tư, các văn bản liên quan đến Quyết định mở ngành, đề án của các ngành mở mới trong năm 2024 đều được niêm yết tại địa chỉ: https://hcmussh.edu.vn/qldt/dh/vanban-dh”.

Sau khi truy cập vào đường link https://hcmussh.edu.vn/qldt/dh/vanban-dh, phóng viên có thấy ngành Quốc tế học, ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc và ngành Nghệ thuật học đã được đăng tải.

Mặt khác, tại báo cáo công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học năm học 2023-2024, phóng viên thấy rằng, tỷ lệ giảng viên cơ hữu của nhà trường đạt khoảng 46%.

 Ảnh chụp màn hình số giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Khoa học và Xã hội Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Ảnh chụp màn hình số giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Khoa học và Xã hội Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo quy định tại Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT, Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ tại cơ sở giáo dục đại học phải không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ.

Về vấn đề này, Giáo sư Ngô Thị Phương Lan thông tin: “Trường thuộc cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ, tỉ lệ giảng viên cơ hữu có học vị tiến sĩ của Trường theo số liệu cập nhật tháng 3 năm 2025 là 52.1%. Thuận lợi của trường là hầu hết giảng viên có trình độ tiến sĩ đã công tác tại Trường trong thời gian dài, có tinh thần đoàn kết, gắn bó và trách nhiệm cao trong việc xây dựng và phát triển Nhà trường.

Bên cạnh đội ngũ hiện tại, nhà trường đang tích cực thu hút giảng viên có trình độ tiến sĩ, chức danh giáo sư, phó giáo sư về trường công tác để chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo các ngành cần tăng số lượng đội ngũ nhà khoa học có trình độ cao. Nhà trường đã ban hành Đề án Thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành theo Chương trình VNU-350 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài chính sách về phát triển nghề nghiệp, môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ, Trường hỗ trợ ban đầu cho các nhà khoa học được thu hút: giáo sư: 200 triệu đồng, phó giáo sư: 150 triệu đồng, tiến sĩ: 100 triệu đồng.

Không những vậy, nhà trường khuyến khích các nhà khoa học đăng ký xét công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Mức hỗ trợ cụ thể: hỗ trợ 100% lệ phí xét chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Hội đồng chức danh Giáo sư cấp cơ sở, hỗ trợ công tác phí cho ứng viên tham dự báo cáo trước Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, chi thưởng cho cá nhân đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư”.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dai-hoc-khxhnv-tphcm-khong-cong-khai-de-an-nganh-moi-mo-truoc-2024-post250797.gd
Zalo