Tuyển sinh đại học 2025: Áp lực tăng học phí
Cùng với phương thức xét tuyển, thí sinh và phụ huynh cũng quan tâm đến mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) áp dụng cho năm học 2025 -2026 cũng như lộ trình tăng học phí dài hạn.
Trường ĐH Thương mại công khai đề án tuyển sinh năm 2025, trong đó mức học phí năm học 2025 - 2026 dao động từ 2,4 - 2,79 triệu đồng/tháng, tương đương 24 - 27,9 triệu đồng/năm học (10 tháng) cho các chương trình đào tạo chuẩn; 3,85 triệu đồng/tháng, tương đương 38,5 triệu đồng/năm học (10 tháng) cho các chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP). So với năm học 2024 - 2025, học phí chương trình chuẩn tăng nhẹ từ 24 - 26 triệu đồng/năm học lên 24 - 27,9 triệu đồng/năm học. Chương trình IPOP, tiên tiến tăng từ 26 - 35 triệu đồng/năm học lên 38,5 triệu đồng/năm học.
Học viện Ngân hàng cũng có sự điều chỉnh về học phí so với năm học trước. Cụ thể, tân sinh viên sẽ đóng 26,5 - 28 triệu đồng/năm học với chương trình chuẩn, chương trình liên kết quốc tế có học phí từ 40 - 50 triệu đồng/năm học so với mức 25 - 26,5 triệu đồng và 37 - 60 triệu đồng của năm 2024.
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) áp dụng mức học phí 30 triệu đồng/năm học với 40 ngành hệ tiêu chuẩn, 15 ngành hệ tài năng, 8 ngành kỹ sư chất lượng cao Việt – Pháp. Bên cạnh đó, thí sinh có thể lựa chọn các chương trình đào tạo có học phí 60 triệu đồng/năm hoặc 80 triệu đồng/năm tùy vào chương trình tiên tiến, chuyển tiếp quốc tế… Nhìn chung, so với năm học 2024 - 2025, các ngành chuyển tiếp quốc tế năm nay có mức học phí cao nhất và tăng nhiều nhất, từ 532 - 799 triệu đồng/năm học tăng đến 532 - 900 triệu đồng/năm học.
Thực tế, xu hướng các trường ĐH tăng học phí ở năm học này không gây bất ngờ với nhiều người, bởi từ trong đề án tuyển sinh hàng năm, các trường đều đề cập tới lộ trình tăng học phí. Hiện học phí ĐH công lập căn cứ lộ trình bảo đảm chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo, theo Nghị định 81 của Chính phủ. Nhà nước đưa ra trần học phí theo khối ngành và từng năm học, các trường không được vượt. Với những chương trình đã kiểm định chất lượng, trường ĐH được tự xác định học phí.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống nhiều người dân gặp khó khăn, áp lực đè nặng lên mỗi gia đình nếu có con theo học ĐH. Bởi học phí thường thu theo kỳ nên ngày đầu tiên nhập học sẽ phải nộp ngay một khoản tiền lớn. Mặc dù có chính sách tín dụng ưu đãi cho người học nhưng hạn mức vay tối đa hiện nay là 4 triệu đồng/tháng, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của sinh viên, đặc biệt là với các ngành học có học phí cao hoặc sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, mức lãi suất vay cũng chưa thực sự hấp dẫn, đối tượng được vay còn hạn chế và thời hạn trả nợ ngắn nên không phải gia đình nào cũng đăng ký được dù có mong muốn vay.
Hiện Bộ GDĐT đang đề xuất sửa đổi Luật Giáo dục ĐH, trong đó có đề xuất học phí ĐH công được tính theo % thu nhập bình quân đầu người, do Chính phủ quy định. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là hơn 4.700 USD (120 triệu đồng).
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng đề xuất cần có thêm các giải pháp khác nhằm giảm áp lực học phí lên người học. Thống kê top 10 ĐH có doanh thu 1.000 tỷ đồng trở lên đầu năm học 2024 - 2025, trong đó có 6 trường ĐH công lập và 4 trường tư thục. Dù doanh thu của các ĐH đến từ 4 nguồn: Ngân sách; học phí và lệ phí; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; nguồn khác như tài trợ từ doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhà xuất bản, doanh nghiệp trực thuộc... nhưng từ các trường đã công khai cụ thể nguồn thu, có thể thấy học phí đang đóng góp tỷ lệ lớn nhất. Chẳng hạn, tỷ lệ học phí trong tổng thu của các Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Công nghệ TPHCM lên tới hơn 98%.
Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, nếu thiếu sự đầu tư, chung tay từ nhiều nguồn thì rất khó để các trường hoàn thành sứ mệnh. Trong đó, với đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH ở Việt Nam đang được đánh giá là thấp so với nhiều quốc gia khác dẫn đến áp lực học phí lên người dân.