Á hậu Thúy Vân: Đọc sách để biết dùng AI hiệu quả
Theo Á hậu Thúy Vân, trong thời đại AI, con người vẫn cần đọc sách để trau dồi tri thức, phân biệt được thật - giả, đúng - sai, từ đó mới có thể sử dụng AI hiệu quả.
Là Đại sứ Văn hóa đọc của TP.HCM nhiệm kỳ 2023-2024, đến nay Á hậu Thúy Vân vẫn thường xuyên góp mặt tại các sự kiện ra mắt sách, chia sẻ, truyền cảm hứng đọc. Chia sẻ với Tri thức - Znews nhân dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025, Á hậu cho biết dù sử dụng AI như một trợ lý giúp được rất nhiều công việc, chị vẫn xem sách là phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Á hậu Thúy Vân luôn nỗ lực truyền cảm hứng đọc trong gia đình mình và trong cộng đồng. Ảnh: NVCC.
Chọn sách sao cho phù hợp với nhu cầu
- Chị thường chọn đọc những cuốn sách thể loại nào? Theo chị, làm sao để tìm được cuốn sách phù hợp với mình?
- Về nội dung, hiện nay sách tôi đọc có thể phân chia một cách tương đối theo tỷ lệ: 40% sách kiến thức chuyên môn, 30% sách kỹ năng sống; 30% sách chủ đề ít liên quan đến chuyên môn như tâm lý học, tôn giáo, triết học, chính trị… để mở mang hiểu biết, tư duy.
Trong một thị trường xuất bản đa dạng chủ đề, thể loại như hiện nay, để chọn được cuốn sách phù hợp, tôi nghĩ vẫn cần quay về với câu hỏi: Mình đang cần trau dồi ở lĩnh vực nào, đó có thể là phát triển bản thân, tâm lý, tình cảm, đời sống hay nuôi dạy con cái…
Sách cũng như mọi loại mối quan hệ hay sở thích khác; cần đúng người đúng thời điểm. Hồi 19-20 tuổi, tôi chẳng tài nào đọc nổi những cuốn như Đạo đức kinh, Binh pháp Tôn Tử hay sách của Thích Nhất Hạnh… nhưng giờ đây ở độ tuổi cuối 20, đầu 30 tôi lại rất thích.
- Còn về hình thức sách, chị thích sách giấy truyền thống hay sách điện tử, sách nói hiện đại?
- Với tôi, quan trọng không phải là hình thức mà là nội dung cuốn sách, là điều mình học được từ sách. Do đó tôi linh hoạt đọc sách giấy lẫn nghe sách nói. Tôi ưu tiên sách giấy với những cuốn giàu hàm lượng học thuật, vì sách giấy cho mình sự tập trung cao, đồng thời cũng dễ theo dõi theo mục lục hoặc từng chương. Còn sách thiên về trị liệu tâm hồn, thường thức, dễ tiếp thu với tâm thế thoải mái, thả lỏng hơn thì tôi chọn sách nói để tối ưu thời gian. Tối tối trước khi ngủ tôi thường nghe sách tâm lý, tôn giáo,...
- Chị thường chọn mua sách như thế nào?
- Tôi thích đến nhà sách, hiệu sách, mở sách đọc thử rồi mới chọn mua. Như vậy mới biết cuốn sách đó có phù hợp, mình có yêu thích, say mê hay không. Cũng có những cuốn sách vừa đọc tựa liền thấy đó là thứ mình cần lúc này, ví dụ "Làm thế nào trở thành quản lý giỏi?", thì chọn mua luôn.
Trước đây tôi chỉ mua sách mình thích và cần. Giờ đây, tôi còn sưu tầm ấn bản đặc biệt những tác phẩm yêu thích và mua sách tặng bạn bè nếu thấy họ đang cần cuốn sách đó.
Trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động hiện tại, cần cân đối chi tiêu thì mua sách cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng. Do đó tôi nghĩ các bạn trẻ ham đọc mà chưa có nhiều điều kiện tự mua sách thì có thể đến những nơi như thư viện để tìm kiếm nguồn sách đa dạng, thường xuyên được cập nhật.

Để khuyến khích con trai đọc sách, Á hậu Thúy Vân tạo môi trường để con tiếp xúc với sách: tủ sách tại nhà, hội sách, đường sách... Ảnh: NVCC.
Tạo môi trường để con tiếp xúc với sách
- Trong thời đại ai cũng dễ dàng có trợ lý AI "biết tuốt" hiện nay, chị nghĩ vì sao vẫn cần đọc sách?
- Theo tôi, quan trọng là chúng ta cần hiểu rằng không có một con đường duy nhất để tiếp cận tri thức. Có thể nhiều phương thức khác nhau, tùy vào hoàn cảnh và mục tiêu. Trong thời đại số, thông tin có thể được tra cứu dễ dàng thông qua Internet và trí tuệ nhân tạo (AI). Đặc biệt, AI có khả năng tổng hợp từ nhiều nguồn, bao gồm cả sách, do đó sử dụng AI như một công cụ thông tin có thể mang đến hiệu quả cao: Thay vì tra cứu đơn giản trên Google, chúng ta có thể dùng AI để tìm kiếm thông tin có chiều sâu hơn.
Tuy nhiên, công cụ chỉ là công cụ. Điều cần thiết là con người phải đủ tỉnh táo, có khả năng phân định đúng sai, và biết chọn lọc thông tin phù hợp với nhu cầu. Bởi con người có cảm xúc và tư duy lý trí, điều mà AI không thể thay thế.
ChatGPT có thể viết một kế hoạch tiếp thị nội dung, nhưng người trực tiếp phụ trách công việc quản lý truyền thông mới đánh giá, hiệu chỉnh để bản kế hoạch đó phù hợp với yêu cầu thực tế. Tương tự, AI chỉ mất vài giây để đưa ra 10 trích dẫn hay của Lão Tử, nhưng chỉ vậy thì ta không thể thấm được tinh thần sâu xa mà Lão Tử muốn gửi gắm cho hậu thế.
Để hiểu Đạo đức kinh, không thể chỉ đọc trích dẫn - mà phải tự đọc toàn bộ tác phẩm, suy ngẫm, đối chiếu, và cảm nhận. Chẳng AI nào có thể làm thay điều đó. Dẫu sao, sách vẫn là nguồn tri thức có giá trị bền vững, chứa đựng những công trình nghiên cứu được bố cục một cách hệ thống, là kết tinh từ kinh nghiệm sống của con người qua nhiều thế hệ.
Chưa kể, AI không tự nhiên "thông minh", mà cần đến những “người huấn luyện AI” (AI trainer) giỏi. Người dùng AI không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ nhận thức và tư duy của bản thân thì mới đào tạo, hướng dẫn AI được.
- Trong gia đình, chị làm cách nào để truyền cảm hứng đọc sách cho con?
- Tôi quan niệm cách tốt để tạo dựng thói quen, khơi gợi sở thích đọc cho trẻ là tạo ra môi trường sống gắn bó với sách. Gia đình có thể tham gia các hội sách, đến đường sách hay ghé thư viện Thanh niên hay Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM mỗi cuối tuần hoặc các dịp nghỉ lễ. Ở nhà tôi, vợ, chồng và con trai mỗi người đều có tủ sách riêng. Tôi và ông xã đều thích đọc. Tôi tin khi cha mẹ là những người yêu sách thì con cái sẽ lấy đó làm tấm gương để noi theo.
Giáo dục quan trọng nhất là giáo dục tư duy - và tư duy không thể phát triển trong môi trường gò bó. Do đó tôi không tạo áp lực, bắt ép con đọc sách mà chú trọng khơi gợi sự tò mò, niềm hứng thú. Tôi quan niệm hãy để tình yêu sách đến một cách tự nhiên, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Tôi thường chiều theo sở thích đọc của con, nhưng vẫn luôn theo dõi kỹ lưỡng, chọn lọc nội dung xem cuốn sách đó có phù hợp với độ tuổi hiện tại của con hay không.