Những mùa 'quả ngọt' từ việc nâng cao chất lượng công tác tuyển quân ở Hòa Bình

Mặc dù luôn đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân. Tuy vậy, đã từng có thời điểm chất lượng công tác tuyển quân của tỉnh Hòa Bình được đánh giá không cao. Nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chất lượng công tác tuyển quân đã từng bước được nâng lên. Thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ; tỷ lệ thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ ngày càng cao, nhiều gia đình có từ 2 đến 3 anh em ruột cùng viết đơn tình nguyện nhập ngũ...

Mặc dù luôn đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân. Tuy vậy, đã từng có thời điểm chất lượng công tác tuyển quân của tỉnh Hòa Bình được đánh giá không cao. Nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chất lượng công tác tuyển quân đã từng bước được nâng lên. Thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ; tỷ lệ thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ ngày càng cao, nhiều gia đình có từ 2 đến 3 anh em ruột cùng viết đơn tình nguyện nhập ngũ...

Thanh niên Hòa Bình phấn khởi lên đường nhập ngũ

Có được những kết quả nổi bật trên là do Hòa Bình đã huy động sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ công tác tuyển quân. Quá trình thực hiện nhiệm vụ đã đề cao tính công khai, minh bạch, rõ ràng, chính xác, tuân thủ chặt chẽ các quy trình và thực hiện tốt "3 cử”, "4 công khai”, "3 gặp, 4 biết”, "3 cùng” ... Đây là những kinh nghiệm, bài học quý đúc rút từ thực tiễn của địa phương trong nhiệm vụ nâng cao chất lượng công tác tuyển quân.

Với phương châm "tuyển người nào chắc người đó”, cơ quan quân sự các cấp trong LLVT tỉnh Hòa Bình tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội đồng nghĩa vụ quân sự (NVQS) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch và hướng dẫn triển khai, thực hiện đồng bộ quy trình công tác tuyển quân, bảo đảm chặt chẽ, đúng Luật NVQS và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Các địa phương giao quân thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc đăng ký, quản lý độ tuổi; tổ chức sơ tuyển, xét tuyển, phát lệnh gọi công dân khám tuyển sức khỏe NVQS theo số lượng, chất lượng đúng quy định.

Công tác sơ khám cấp xã, khám tuyển cấp huyện được Ban chỉ huy quân sự huyện, thành phố (Cơ quan thường trực Hội đồng NVQS) phối hợp cùng cơ quan công an, y tế tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, công khai, minh bạch. Sau khi khám tuyển, hội đồng NVQS các phường, xã tiến hành gặp gỡ, tìm hiểu hoàn cảnh, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật, thái độ chính trị, đạo đức của từng thanh niên. Đồng thời thực hiện tốt "3 gặp” (gặp công dân, gặp gia đình, gặp địa phương); "4 biết” (biết sức khỏe, biết văn hóa, biết lai lịch, biết phẩm chất đạo đức); phối hợp với cơ quan công an, y tế tham mưu thực hiện tốt "3 cùng” (cùng hội đồng NVQS, cùng hội đồng khám sức khỏe và cùng lễ giao, nhận quân). Cuối cùng, các cơ quan chức năng cùng rà soát, đối chiếu, kiểm tra kỹ lưỡng toàn bộ hồ sơ, lý lịch, hoàn cảnh, nguyện vọng của từng thanh niên, từng gia đình, làm cơ sở để tham mưu với cấp ủy, chính quyền, hội đồng NVQS các phường, xã tổ chức "3 cử” (chính quyền cử; thôn xóm, đoàn thể, nhân dân cử; gia đình cử). Trong suốt quá trình sơ tuyển, khám tuyển, gọi công dân nhập ngũ, các địa phương, đơn vị chú trọng thực hiện tốt "4 công khai” (gồm công khai danh sách công dân miễn thực hiện NVQS, danh sách công dân tạm hoãn thực hiện NVQS, danh sách công dân đủ điều kiện khám, danh sách công dân trúng tuyển NVQS) tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa xóm và trên cổng thông tin, trang fanpage của địa phương để nhân dân kiểm tra, theo dõi và giám sát một cách dễ dàng, kiên quyết không để xảy ra tiêu cực trong tuyển quân.

Đồng thời với đó, cơ quan Quân sự các cấp đã tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật. Nhất là Luật NVQS cho nhân dân, nhất là đối với các công dân trong độ tuổi thực hiện Luật NVQS ở địa phương. Đây là nội dung có vai trò hết sức quan trọng, bởi, công tác tuyển quân ở các địa phương chỉ đạt được chất lượng như mong muốn, khi toàn dân đã nhận thức đầy đủ và tự giác chấp hành Luật NVQS. Tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân nắm chắc các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, về chiến tranh nhân dân BVTQ trong tình hình mới; trong đó, chú trọng tuyên truyền, giáo dục cho các công dân trong độ tuổi NVQS nhận thức đầy đủ việc thực hiện Luật NVQS là vinh dự, tự hào của tuổi trẻ; đồng thời, cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi công dân đối với sự nghiệp xây dựng và BVTQ. Việc tuyên truyền được tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm nhất là vào trước và trong mỗi giai đoạn tuyển quân, nhân dịp các ngày lễ, hội, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và địa phương...

Cùng với đó, tỉnh Hòa Bình đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả, thiết thực động viên thanh niên yên tâm lên đường nhập ngũ như LLVT kết hợp huấn luyện với làm công tác dân vận, giúp đỡ các gia đình quân nhận tại ngũ có hoàn cảnh khó khăn thu hoạch mùa, sửa sang nhà cửa, chuồng trại mùa mưa bão. Đặc biệt, thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong 2 năm (2024 và 2025) đã có hàng trăm gia đình quân nhân tại ngũ thực hiện NVQS được xây dựng nhà đại đoàn kết, hàng nghìn gia đình được tặng cây, con giống để phát triển kinh tế… điều đó giúp thanh niên yên tâm lên đường nhập ngũ và làm tròn nghĩa vụ của người công dân với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực tế cho thấy, từ việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật NVQS và phát huy được tính "dân chủ, công khai, công bằng" ở cơ sở kết hợp với thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội, do vậy công tác tuyển quân ở các địa phương trong toàn tỉnh được thực hiện tốt và đạt chất lượng cao. Ví như: trong công tác tuyển quân năm 2025, tỉnh Hòa Bình có 1600 công dân lên đường thực hiện NVQS, có tới 60% thanh niên viết đơn tình nguyện, 70% có sức khỏe loại 1, trình độ trung học phổ thông chiếm 70% và có 332 đảng viên, không có xã trắng trong tuyển quân. Đáng nói, trong đó có nhiều cặp anh em song sinh cùng tham gia nhập ngũ như ở huyện Kim Bôi, trong đợt tuyển quân năm 2025, toàn huyện có 274 thanh niên ưu tú lên đường nhập ngũ. Trong đó có 2 cặp anh em sinh đôi cùng viết đơn tình nguyện nhập ngũ.

Để đạt được những kết quả trên, ngoài việc thường xuyên quan tâm đến chính sách hậu phương quân đội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ. Thì nhiều đồng chí sau khi hoàn thành NVQS của tỉnh trở về địa phương đã được phân công nhiệm vụ công tác hoặc được cử đi đào tạo các lớp cán bộ quân sự cơ sở. Theo thống kê, trên 95% cán bộ cơ sở (cấp xã) trong toàn tỉnh đã qua quân ngũ. 100% cán bộ Ban CHQS xã đã qua quân ngũ và được đào tạo cơ bản trình độ Cao đẳng quân sự trở lên có trình độ trung cấp lý luận chính trị, quản lý Nhà nước. Điển hình như đồng chí Sùng A Màng - Bí thư Đảng ủy xã Pà Cò (xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Mai Châu). Năm 2001, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự (NVQS) ở Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 395, Quân khu 3 trở về địa phương, Sùng A Màng được Đảng ủy - Ban CHQS huyện Mai Châu sắp xếp, bổ nhiệm vào vị trí Phó Chỉ huy trưởng, rồi Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Pà Cò. Sau đó được cử đi học lớp trung cấp chuyên ngành quân sự cơ sở tại Trường Quân sự Quân khu 3 nhằm tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cho cơ sở. Được rèn luyện, học tập trong môi trường quân đội, trải qua thực tế công tác tại địa phương, Sùng A Màng đã phát huy tốt vai trò, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đưa Pà Cò từ một địa phương luôn xếp cuối trong các phong trào thi đua của huyện vươn lên trở thành "điểm sáng” về phong trào thi đua Quyết thắng. Từ năm 2010 đến nay, Pà Cò liên tục được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, nhiều năm liền được công nhận đơn vị Quyết thắng. Hàng năm hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tuyển quân với chất lượng ngày càng cao.

Ngoài Sùng A Màng, thời gian qua, cũng có nhiều đồng chí sau khi hoàn thành NVQS trở về địa phương đã được bố trí đảm nhiệm các vị trí công tác tại cơ sở như Lường Văn Hữu, trưởng xóm Bao, xã Giáp Đắt, huyện Đà Bắc; Đinh Văn Hân - Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành, huyện Mai Châu; Bùi Văn Hiểu, Chủ tịch UBND xã tự Do, huyện Lạc Sơn… Điều đó càng khẳng định, việc nâng cao chất lượng công dân nhập ngũ, nhất là chất lượng chính trị, vừa góp phần xây dựng LLVT ngày càng vững mạnh vừa là nguốn cán bộ kế cận có chất lượng cho cơ sở. Đồng thời, tạo cơ hội giúp các thanh niên có điều kiện phát triển tốt hơn trong môi trường quân ngũ, đem sức trẻ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Việc tuyển chọn thanh niên nhập ngũ gắn với tạo nguồn cán bộ cơ sở như cách làm ở Hòa Bình thời gian qua không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đầu vào cho Quân đội, mà còn tạo nguồn cán bộ lâu dài cho địa phương, cơ sở. Nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Với cách làm đó, đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở; là động lực để lớp lớp thanh niên của tỉnh phấn khởi, tích cực tham gia thực hiện NVQS.

Có thể nói, với những cách làm đồng bộ, phù hợp và hiệu quả, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyển quân, mà còn động viên thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ hàng năm ngày một cao. Đáng nói, nhiều nơi còn gặp khó khăn trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ thì ở Hòa Bình mỗi năm có hàng nghìn người con ưu tú lại náo nức chờ đến ngày hội tòng quân. Đó chính là những "mùa quả ngọt” trong những đợt tuyển quân trên xứ Mường - Hòa Bình./.

Nguyễn Đức Anh (Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/200584/nhung-mua-qua-ngot-tu-viec-nang-cao-chat-luong-cong-tac-tuyen-quan-o-hoa-binh.htm
Zalo