Trung Đông: Điểm yếu chí mạng của an ninh toàn cầu

Trong vòng 15 năm qua, Trung Đông liên tục chìm trong xung đột, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Cảnh tàn phá do xung đột tại Jabalia, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Cảnh tàn phá do xung đột tại Jabalia, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Những cuộc chiến tại Syria, Iraq, Yemen và nay là Gaza không chỉ tàn phá nền kinh tế mà còn đẩy lùi sự phát triển của cả khu vực.

Hệ thống giáo dục, y tế và hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng, đẩy nhiều quốc gia vào tình trạng kiệt quệ. Theo ước tính của Liên hợp quốc, chi phí tái thiết khu vực này có thể lên tới 350-650 tỷ USD, trong đó riêng Gaza cần khoảng 40-50 tỷ USD để phục hồi.

Mặc dù viện trợ nhân đạo đóng vai trò quan trọng, nhưng vấn đề cốt lõi không chỉ nằm ở nguồn tài chính mà còn ở tình trạng chính trị phức tạp. Trung Đông bị chia cắt bởi những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo và lợi ích địa chính trị. Các quốc gia không quản lý được các nhóm vũ trang trỗi dậy, trong khi các cường quốc bên ngoài chỉ lợi dụng xung đột để theo đuổi lợi ích riêng. Điều này khiến khu vực này ngày càng lún sâu vào vòng xoáy bạo lực và bất ổn kéo dài.

Sai lầm lịch sử lặp lại

Các cường quốc khu vực như Iran, Israel, Saudi Arabia và Mỹ đều có những kế hoạch riêng cho tương lai Trung Đông, nhưng tất cả đều mắc chung một sai lầm: tìm cách kiểm soát khu vực mà không giải quyết tận gốc nguyên nhân xung đột. Họ ưu tiên an ninh hơn là hòa bình, và mỗi kế hoạch đều mang nặng động cơ chính trị thay vì hướng đến một giải pháp lâu dài.

Ví dụ, Mỹ thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia như một phần trong chiến lược kiềm chế Iran, nhưng lại không đưa ra giải pháp chính trị cho Palestine. Trong khi đó, Iran công khai ủng hộ Hamas và các nhóm vũ trang khác để duy trì ảnh hưởng, khiến xung đột Israel-Palestine ngày càng phức tạp. Còn các nước vùng Vịnh thì tìm cách sử dụng hội nhập kinh tế như một công cụ để làm dịu căng thẳng, nhưng bỏ qua thực tế rằng những mâu thuẫn chính trị và sắc tộc không thể được giải quyết chỉ bằng thương mại.

Sau Thế chiến thứ hai, châu Âu cũng bị tàn phá nghiêm trọng như Trung Đông hiện nay. Tuy nhiên, Mỹ đã thực hiện Kế hoạch Marshall, kết hợp viện trợ kinh tế với cải cách chính trị, giúp châu Âu phục hồi và trở thành một khu vực ổn định, thịnh vượng. Nhưng Trung Đông không có một Kế hoạch Marshall tương tự, và cũng không có một cường quốc nào đủ khả năng đứng ra dẫn dắt quá trình tái thiết.

Thêm vào đó, khác với châu Âu thời hậu chiến, Trung Đông ngày nay không có một trật tự chính trị rõ ràng. Tại Syria, chính quyền của Tổng thống bị lật đổ Assad kiểm soát phần lớn lãnh thổ nhưng vẫn phải đối mặt với các vùng tự trị và nhóm vũ trang đối lập. Iraq dù đã đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhưng vẫn bất ổn vì chia rẽ sắc tộc giữa người Shiite, Sunni và Kurd. Libya, Yemen cũng rơi vào tình trạng tương tự. Sự phân mảnh chính trị này khiến bất kỳ kế hoạch tái thiết nào cũng khó có thể thành công.

Không công lý, không hòa bình

Trẻ em tại trại tị nạn ở Hajjah, Yemen. Ảnh: THX/TTXVN

Trẻ em tại trại tị nạn ở Hajjah, Yemen. Ảnh: THX/TTXVN

Một trong những rào cản lớn nhất đối với hòa bình tại Trung Đông là sự thiếu vắng của công lý. Israel đang tìm cách kiểm soát Gaza sau khi triệt tiêu phong trào Hồi giáo Hamas, nhưng không đưa ra được lộ trình rõ ràng cho tương lai của khu vực này. Mỹ thì ưu tiên làm suy yếu Iran, nhưng lại không có một chiến lược dài hạn để giải quyết xung đột Israel-Palestine. Trong khi đó, Iran đề xuất một kế hoạch hòa bình nhằm cô lập Israel, còn các nước vùng Vịnh thì tập trung vào lợi ích kinh tế mà không thực sự quan tâm đến quyền tự quyết của người Palestine.

Tất cả những cách tiếp cận này đều bỏ qua thực tế rằng xung đột tại Trung Đông không chỉ là vấn đề an ninh mà còn là vấn đề công lý. Nếu người Palestine không có một nhà nước độc lập, nếu Syria, Iraq, Yemen không có một chính phủ ổn định, thì mọi nỗ lực tái thiết cũng chỉ là tạm thời. Hòa bình sẽ không thể đạt được nếu các vấn đề cốt lõi không được giải quyết triệt để.

Bóng ma của sự hỗn loạn

Binh sỹ Israel trong một hoạt động tại Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Binh sỹ Israel trong một hoạt động tại Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Gốc rễ của khủng hoảng Trung Đông nằm ở vấn đề quản trị. Xung đột đã chia cắt nhiều quốc gia, tạo ra các trung tâm quyền lực đối lập và khiến nhiều chính phủ trở nên bất lực trong việc kiểm soát lãnh thổ. Tại Syria, chiến tranh kéo dài hơn một thập kỷ đã khiến đất nước này bị chia thành nhiều vùng do các phe phái khác nhau kiểm soát. Ở Iraq, dù chính phủ trung ương đã giành lại quyền kiểm soát từ IS, nhưng sự chia rẽ giữa các nhóm sắc tộc vẫn khiến đất nước này dễ tổn thương trước những đợt bạo lực mới.

Những cuộc xung đột này không chỉ là vấn đề nội bộ mà còn ảnh hưởng đến toàn khu vực. Chẳng hạn, nếu Gaza tiếp tục chìm trong bất ổn, nó có thể trở thành một “Somalia của Trung Đông”, nơi các nhóm vũ trang hoạt động ngoài vòng kiểm soát, đe dọa an ninh của cả khu vực. Một Syria không ổn định sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các tổ chức khủng bố hồi sinh. Nếu không có giải pháp chính trị dài hạn, vòng xoáy bạo lực này sẽ không bao giờ chấm dứt.

Lối thoát nào cho Trung Đông?

Tù nhân Palestine, được Israel trả tự do, đoàn tụ với người thân tại thành phố Ramallah, Bờ Tây ngày 8/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Tù nhân Palestine, được Israel trả tự do, đoàn tụ với người thân tại thành phố Ramallah, Bờ Tây ngày 8/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Trung Đông đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng. Một mặt, nếu các nước trong khu vực tiếp tục theo đuổi chính sách đối đầu và xung đột, tình trạng hỗn loạn sẽ kéo dài. Mặt khác, nếu có một sáng kiến hòa bình thực sự, kết hợp tái thiết kinh tế với giải quyết các mâu thuẫn chính trị, khu vực này có thể bước vào một giai đoạn mới của hòa bình và phát triển.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, các cường quốc khu vực và quốc tế cần thay đổi cách tiếp cận. Thay vì sử dụng Trung Đông như một bàn cờ địa chính trị, họ cần hướng tới một giải pháp toàn diện, bao gồm việc công nhận quyền tự quyết của Palestine, thúc đẩy cải cách chính trị tại các quốc gia bất ổn, và hỗ trợ tái thiết khu vực theo cách bền vững. Nếu không, Trung Đông sẽ mãi là một điểm yếu chí mạng của nền an ninh toàn cầu, nơi mà bất kỳ cuộc xung đột nào cũng có thể lan rộng và gây ra những hậu quả khôn lường.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo foreignaffairs/Starfor)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-dong-diem-yeu-chi-mang-cua-an-ninh-toan-cau-20250217162116857.htm
Zalo