Yêu cầu tị nạn của Canada giảm khi quốc gia này cấp ít thị thực hơn
Số lượng đơn xin tị nạn tại Canada đang giảm từ mức cao kỷ lục do nước này cấp ít thị thực hơn.
Theo dữ liệu từ Hội đồng Di trú và Người tị nạn Canada, khoảng 11.840 người đã nộp đơn xin tị nạn vào tháng 1/2025, giảm đáng kể so với mức cao nhất 19.821 đơn vào tháng 7 năm ngoái. Đây là con số thấp nhất kể từ tháng 9/2023.

Quốc kỳ Canada. Ảnh: Muhammad Ali
Chính phủ Canada đang công khai hạn chế số lượng người xin tị nạn và siết chặt việc cấp visa nhằm giảm bớt áp lực lên các dịch vụ công, trong bối cảnh ngày càng có nhiều ý kiến phản đối người nhập cư. Năm 2024, Canada đã cấp khoảng 1,5 triệu thị thực du lịch, giảm so với khoảng 1,8 triệu vào năm 2023, theo dữ liệu chính phủ.
Phân tích cho thấy số lượng thị thực du lịch cấp cho công dân một số quốc gia có nhiều người xin tị nạn đã giảm mạnh, cụ thể: Bangladesh 27.975 visa (giảm từ 45.322), Haiti 5.487 visa (giảm từ 8.984), Nigeria 51.828 visa (giảm từ 79.378).
Một số quốc gia có tỷ lệ chấp nhận tị nạn cao cũng chứng kiến số lượng thị thực bị cắt giảm như: Afghanistan 330 visa (giảm từ 468), Iran 38.075 visa (giảm từ 57.127), Uganda 2.019 visa (giảm từ 6.096), Syria 1.174 visa (giảm từ 2.716), Kenya 3.199 visa (giảm từ 11.464).
Mặc dù số lượng đơn xin tị nạn mới giảm, số lượng hồ sơ tồn đọng vẫn ở mức cao kỷ lục, lên tới 278.457 đơn vào tháng 1 năm 2025.
Canada không cấp thị thực dành riêng cho người tị nạn. Những người muốn xin tị nạn phải đến Canada bằng thị thực du lịch, du học hoặc lao động – hoặc nhập cảnh trái phép, điều này không hề dễ dàng do Canada có biên giới giáp nước Mỹ, nơi có thỏa thuận trả người xin tị nạn về lại quốc gia đầu tiên họ đặt chân đến.
Ngoài ra, những người bị buộc phải rời bỏ quê hương có thể phải chờ đợi nhiều năm trong các trại tị nạn với hy vọng được tái định cư.
Bà Renee LeBlanc Proctor, phát ngôn viên của Bộ trưởng Di trú Marc Miller, cho biết Canada đang siết chặt việc xét duyệt visa đối với những quốc gia có "tỷ lệ lạm dụng cao nhất" để đảm bảo thị thực được sử dụng đúng mục đích.
Bà khẳng định: "Điều này giúp bảo vệ quy trình xin tị nạn, đảm bảo nó dành cho những người thực sự cần".
Ngoài Mỹ và Canada, một số quốc gia châu Âu như Pháp và Đức cũng đang thực hiện các biện pháp tương tự nhằm kiểm soát dòng người di cư.