Mỹ công bố kế hoạch áp thuế mới, có thể ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Trump hôm 19/2 tiếp tục đe dọa sẽ áp thuế với một số mặt hàng như gỗ xẻ, ô tô, chất bán dẫn và dược phẩm ngay trong tháng tới hoặc sớm hơn.

Động thái áp thuế mới nhất của Tổng thống Mỹ sẽ làm gia tăng nguy cơ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với nhiều nước trên thế giới, đồng thời có thể gián đoạn nguồn cung các mặt hàng được cho là thiết yếu như thép, dược phẩm.

Tổng thống Trump. Ảnh: CNN.

Tổng thống Trump. Ảnh: CNN.

Lý giải về quyết định mới này, trong một phát biểu tại một hội nghị ở Miami, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Tôi sẽ công bố thuế quan đối với ô tô, chất bán dẫn, chip, dược phẩm, thuốc men, dược phẩm và gỗ xẻ có thể và một số mặt hàng khác trong tháng tới hoặc sớm hơn. Và điều này sẽ có tác động lớn đến nước Mỹ. Chúng tôi đang đưa doanh nghiệp của mình trở lại. Nếu họ không sản xuất sản phẩm của mình tại Mỹ, thì họ chỉ cần trả thuế quan. Nhưng nếu họ sản xuất sản phẩm của mình tại Mỹ, họ không cần trả bất kỳ khoản thuế quan nào. Chúng tôi muốn có một cơ sở công bằng. Nếu họ không có, chúng tôi cũng không có. Nếu họ không trả, nếu họ không tính phí chúng tôi, chúng tôi cũng không tính phí họ. Điều này khá đơn giản”.

Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng không cho biết chi tiết thêm về kế hoạch đánh thuế này. Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã liên tiếp công bố, hoặc dọa áp thuế với hàng loạt đối tác lớn như Mexico, Canada, Trung Quốc…..

Động thái của người đứng đầu Nhà Trắng được nhận định là chiêu bài để mặc cả với các đối tác để buộc các nước nhân nhượng về nhiều vấn đề như nhập cư, ma túy hay thậm chí cả lãnh thổ. Các động thái của Tổng thống Mỹ cũng thể hiện quan điểm của ông về nước Mỹ trên hết. Đây là chính sách cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia, tạo thêm việc làm mới và giảm thâm hụt thương mại cho nước Mỹ.

Tuyên bố áp đặt thuế liên tiếp của Tổng thống Mỹ đã làm căng thẳng thương mại thế giới đặc biệt leo thang, khiến các đối tác thương mại của Mỹ có biện pháp đáp trả. Trong khi Trung Quốc đáp trả ngay sau khi thuế nhập khẩu của Mỹ có hiệu lực hồi đầu tháng thì Liên minh châu Âu, Canada, Mexico đang cân nhắc các biện pháp trả đũa.

Phát biểu với báo giới, Ủy viên về thương mại và an ninh kinh tế EU, Maros Sefcovic, nhấn mạnh,khối này quan tâm đến việc thực hiện các thỏa thuận thương mại có lợi cho cả hai bên với Tổng thống Mỹ Donald Trump và sẵn sàng thảo luận về khả năng giảm hoặc xóa bỏ thuế quan đối với xe cơ giới và các hàng hóa khác song cũng sẵn sàng đáp trả nếu bị áp thuế không công bằng.

Ông Sefcovic nói: "Để bảo vệ lợi ích của châu Âu, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phản ứng kiên quyết và nhanh chóng. Nhưng chúng tôi hy vọng sẽ tránh được viễn cảnh này, nghĩa là nỗi đau không cần thiết của các biện pháp và biện pháp đối phó và vẫn cam kết đối thoại mang tính xây dựng."

Quyết định áp thuế của ông chủ Nhà Trắng cũng khiến thị trường tài chính thế giới, trong đó có giá vàng liên tục xáo trộn khi căng thẳng thương mại leo thang. Trong một tháng qua, giá vàng thế giới đã tăng hơn 8%, tương đương 220 USD lên mức 2.900 USD/ounce. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 2, giá vàng đã 7 lần lập đỉnh mới, lên 2.942 USD sau khi ông Trump công bố thuế nhôm thép.

Căng thẳng thương mại gia tăng đã buộc Tổ chức Thương mại Thế giới hôm qua đã phải xúc tiến các cuộc thảo luận về vấn đề này. Và đây cũng là lần hiếm hoi căng thẳng thương mại được đưa vào chương trình nghị sự trong phiên họp đầu năm của Đại hội đồng Tổ chức Thương mại Thế giới. Phát biểu họp báo tại Geneva, người phát ngôn của Tổ chức Thương mại Thế giới, bà Ismaila Dieng, nói rõ đa số các quốc gia tham gia thảo luận đều bày tỏ lo ngại về nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại và kêu gọi các bên kiềm chế.

Các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các nguyên tắc và giá trị của Tổ chức Thương mại Thế giới, đồng thời kêu gọi hành động để duy trì sự ổn định và hiệu quả của hệ thống thương mại toàn cầu: “WTO được thành lập chính xác để quản lý những thời điểm như thế này, để tạo không gian cho đối thoại và hỗ trợ một môi trường thương mại cởi mở và có thể dự đoán được. Phần lớn các thành viên kêu gọi kiềm chế để ngăn chặn các hành động có thể làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các nguyên tắc và giá trị của WTO. Họ kêu gọi hành động để bảo vệ sự ổn định và hiệu quả của hệ thống thương mại toàn cầu”.

Cũng ngày hôm qua (19/2), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông kỳ vọng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Mỹ mặc dù ông Trăm không đưa ra một lịch trình cụ thể.

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Trump cho biết Mỹ và Trung Quốc có thể có một thỏa thuận thương mại mới. Do đó, một cuộc nói chuyện hoặc tiếp xúc giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc sẽ rất quan trọng trong việc giảm nhẹ hoặc trì hoãn thuế quan thương mại Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc.

Lần cuối cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ là tháng 11/2023 và đây là chuyến thăm Mỹ thứ năm của ông Tập Cận Bình. Ở thời điểm đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden qua đó hai bên đã đạt được thỏa thuận nối lại liên lạc giữa quân đội hai nước và ngăn chặn việc sản xuất fentanyl.

Ông Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã điện đàm trước khi ông Trump nhậm chức ngày 20/1 và nội dung thảo luận bao gồm TikTok, thương mại và Đài Loan.

Hồng Nhung, Phạm Huân/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/my-cong-bo-ke-hoach-ap-thue-moi-co-the-ky-thoa-thuan-thuong-mai-voi-trung-quoc-post1156110.vov
Zalo